Thi sĩ J. Leiba - thảng thốt giữa trần ai

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Thi sĩ J. Leiba (do hai chữ Lê Bái đọc lái ra), còn có bút danh Thanh Tùng Tử, họ tên đầy đủ là Lê Văn Bái (1912-18/12/1941), sinh tại Yên Bái nhưng quê gốc ở làng Nam Trực, phủ Nam Trực (nay thuộc xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ông từng học Trường Bảo hộ Hà Nội (Trường Bưởi) rồi theo một nhóm giang hồ mãi võ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau ông về quê học chữ Hán. Năm 1935, ông thi đậu Thành chung (Cao đẳng Tiểu học) và được bổ vào ngạch thư ký Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, nhận việc ở Tòa sứ tỉnh Sơn Tây. Tại chức được một thời gian, ông bị lao phổi và đau tim nên xin về Hà Nội chữa trị rồi về quê nhà dưỡng bệnh.

Đương thời ông từng cộng tác với Hà thành Ngọ báo, Tiểu thuyết thứ Bảy, Loa, Tin văn, Ích hữu, Công luận, Việt báo, Nam Cường, Tri tân, L'Annam nouveau… Nghiệm sinh 29 năm trên cõi đời và số thơ in báo không nhiều, lại chưa được in thành tập, nhưng thơ J. Leiba vẫn được các nhà nhà thơ và phê bình như Nhuệ Thủy, Lê Văn Hòe, Lam Giang, Phong Trần (Hàn Mặc Tử), Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Thanh Châu, Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Bội Liêu… quan tâm và đánh giá cao.

Tìm miền đất thơ

Khởi đầu, tại Sài Gòn, khi phản bác lại bình giả Lê Văn Hòe phê bài thơ Năm qua của J. Leiba “là một bài thơ sáo, vì bài đó phỏng theo mấy bài thơ trong Đường thi” và việc Lam Giang đề xuất “luật Thơ mới”, Phong Trần (Hàn Mặc Tử) đã lên tiếng phản đối và hướng tới biện luận cho thơ J. Leiba: “Không muốn bàn cãi với ông về cái lẽ ấy, vì ông thì chủ trương thơ “Thơ mới phải có luật” còn tôi thì “Thơ mới không cần có luật”.

Đã gọi là Thơ mới mà còn bảo “Luật với lệ” thì còn kéo chữ “mới” về làm gì? Thơ phải có vần, là lẽ cố nhiên, nhưng theo tôi: Những câu thơ nào đã khéo phô bày tình cảm, cảnh vật một cách êm đềm, thanh diệu, vừa rõ rệt, vừa mơ màng - như hai câu thơ của ông Nhuệ Thủy trên đây chẳng hạn thì dầu phải một vài ca “kháng vận” - nói theo ông Lam Giang - cũng đều nên dung thứ cả! Bài thơ của J. Leiba sau đây, ông Lam Giang sẽ cho là kháng vận, nhưng ta đọc lên, nghe nó du dương êm dịu làm sao! Bạn làng thơ ai lại không công nhận thế.

Hoa bay theo với gió xuân buồn,

Giọt lệ tình hoen vẻ phấn son.

Rờ mảnh khăn thêu, thêu chửa trọn,

Em buồn lặng ngắm bóng mây hôm.

Thi sĩ J. Leiba, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, v.v… vì thoát đặng những cái luật lệ rườm rà kia mà hồn thơ mới được dồi dào lai láng thì thưa ông Lam Giang, ông cũng chớ nên hoài công bày ra chi cái “luật” ấy” (Công luận, số 7724, ra ngày 10/6/1938, tr.2).

Trong công trình nghiên cứu có ý nghĩa tổng quát và tổng kết Ba mươi năm văn học (Nxb. Tân Việt, Hà Nội, 1941), nhà phê bình xuất sắc Nam Bộ là Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) đã điểm danh và có nhận định chung về thơ J. Leiba trong toàn cảnh nền thơ đương thời: “Ngoài ra, văn học quốc ngữ còn đếm được nhiều thi sĩ tuy chưa có tác phẩm ra đời, nhưng tài năng đã phát huy rõ rệt trên các báo chí: J. Leiba Thanh Tùng Tử (1912-1941) với những vần diễm ảo bắt nguồn trong quá khứ; Tchya với những vần cao siêu đầy tư tưởng; Thái Can, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân với những vần cổ kính”…

Trong bài tự luận Hoa với đời sống tinh thần của chúng ta in trên Trung Bắc tân văn (số 103, ra ngày 4/4/1942), nhà văn Thanh Châu (tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn in trên Tiểu thuyết thứ Bảy, tháng 9/1937) đã phát biểu cảm nhận về hoa, về vẻ đẹp hoa cúc trong thơ J. Leiba: “Thi sĩ Leiba trước khi từ biệt cõi đời có bài thơ Lưu biệt, trong đó thi sĩ nói đến một loài hoa mình thích:

Ta vẫn yêu hoa, mé trước song,

Giàn đưa hương sớm, dệt muôn hồng.

Trăm hoa, lòng vốn yêu riêng cúc,

Hương đạm, thần cao, khí tiết trong.

Người đời danh lợi mải đua chen,

Luống tủi hoa thơm bạn cỏ hèn.

Yêu cúc, giận đời tri kỷ ít,

Cùng hoa lên ở chốn non tiên...

Cái thích của nhà thơ yểu mệnh ấy dành riêng cho hoa cúc, cũng không có gì là lạ. Cúc vốn là loài hoa yêu dấu của những nhà ẩn dật, lánh đời, những kẻ đã từ quan cáo lão trở về vườn ruộng.

Xưa nay, muốn chỉ những người đã cất bỏ được cái gánh nặng công danh, để nghĩ đến cái đời sống tinh thần trong sạch của mình riêng, người ta chỉ cần gợi hai tiếng “tùng cúc” trong một câu thơ là đủ. Khi nhà thơ Lưu Trọng Lư tới thăm ông tổng đốc Nguyễn Bá Trác, một hưu quan ở quê nhà, thi sĩ cũng đã có tặng câu:

Ở đây, hoa đã nở mùi thuyền.

Ý muốn nói rằng cái mùi hoa ở trước sân cụ Nguyễn đã nhuốm mùi đạo như cái bông hoa ở chỗ tu hành rồi. Cái mùi hoa đó, cũng lại là mùi hoa cúc. Bởi vì thi sĩ đã kết bài thơ ấy bằng hai câu:

Một thiên hạn mạn đây là hết,

Cúc gọi thu về dưới cố viên.

…Người đời càng văn minh thì giá trị của hoa lại càng tăng. Người ta nói thế mà không ngờ rằng từ nghìn xưa các thi sĩ đã ngâm hoa vịnh nguyệt… Ở nước ta tuy việc chơi hoa không được coi trọng lắm nhưng càng ngày lại càng có những bà nội tướng, khi đi chợ, trừ cá thịt là những thức cần phải ăn để mà sống, một đôi lần cũng đã nghĩ đến mua một bó hoa về.

Và bởi khi mang về, các đức ông chồng cũng không lấy sự đó làm chê lắm, mà lại còn tỏ vẻ khoan khoái là khác nữa, nên sự mua hoa dần thấy là cần. Hoa thành một thức không mua không được. Nó làm tươi tỉnh những bộ mặt nhăn nhó của những người làm ăn vất vả ở ngoài khi trở về nhà. Nó đem lại hòa khí cho gia đình khi có những mây đen che phủ.

Một đôi khi, nó còn đem lại cả ái tình, khi người ta đã đi xa cái tuổi mà ái tình là việc chính ở đời. Nhiều người đàn bà đã gây lại được một cái hạnh phúc gần tan vỡ, chỉ nhờ có mấy xu hoa. Cũng như có những chàng trai trẻ đã chiếm được tình yêu ở người mình mơ ước, bằng một nụ hồng gửi tặng”…

Trong lời giới thiệu Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942), hai nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân đã ba lần nhắc đến tên và ghi nhận vị thế J. Leiba trong tương quan những thi nhân cùng thời: “Hồn thơ Đường vắng đã lâu, nay lại trở về trong thơ Việt. Lần đầu tiên (1934) nó đi theo J. Leiba. Leiba giao lại cho Thái Can. Thái Can giàu, Leiba sang.

Ở Thái Can cũng như ở Leiba hồn thơ Đường có cái cốt cách đời thịnh. Với Đỗ Huy Nhiệm, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan (trong tập Xa xa), Thâm Tâm, hoặc nó kín đáo tinh vi hơn nhưng nó rắn rỏi chắc chắn hơn, nhưng cũng nghèo hơn… Cảm được lòng người đàn bà khó chiều kia, họa chỉ có Quách Tấn. Mối lương duyên gây nên từ Một tấm lòng đến Mùa cổ điển thì thực là đằm thắm, Mùa cổ điển gồm cả cái giàu sang của Thái Can, Leiba, súc tích lại trong một khuôn khổ rắn chắc. Nhưng Quách Tấn có thực là một nhà thơ cũ hoàn toàn? Có thực Quách Tấn không bao giờ mơ tưởng bạn phương xa?”...

Gửi cõi mơ với đạo

Thi sĩ J. Leiba – Lê Văn Bái.

Thi sĩ J. Leiba – Lê Văn Bái.

Trong phần giới thiệu chân dung J. Leiba, Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển chọn bốn bài thơ (Năm qua, Mai rụng, Hoa bạc mệnh, Bến giác, tương đương với số bài của Đông Hồ, Tế Hanh, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Vũ Hoàng Chương) và đi sâu phân tích đặc điểm cội nguồn chất thơ:

“Thơ đăng báo Loa với một tên ký chẳng Việt Nam tí nào, thế mà vừa ra đời Leiba liền được người ta thích. Người ta thích những vần thơ có giọng Đường rõ rệt, mà lại nói được nỗi lòng riêng của người thời nay. Trong khuôn khổ xưa, cái hương vị mới ấy rất dễ say người.

Thơ Leiba ra đời (1934) giữa lúc ai nấy đều thấy mình như trẻ lại. Các nhà thơ đương thời, Thế Lữ, Đông Hồ, Thái Can, kẻ trước người sau, đều tả bằng những nét âu yếm nỗi lòng của người thiếu nữ lúc mới bén tình yêu.

Nhưng không ai nói được đầy đủ như tác giả bài “Năm qua” (Có trích theo đây) những giai đoạn của một cuộc yêu đương nhóm lên từ hồi tóc còn bỏ xõa. Ít ai nói được như Leiba những vui buồn của người xuân nữ. Những câu như:

Hoa tặng vừa tàn bông thược dược,

Tìm chàng bỗng vắng, bóng chàng xa...

hay là:

Sầu đối gương loan, bóng lạ người,

Chàng không lại nữa, đẹp cùng ai?

có thể để ngang với những câu tuyệt hay trong thơ cổ.

Hồi ấy là hồi đẹp nhất trong đời thơ Leiba. Về sau thơ Leiba không được hồn nhiên như thế nữa. Không rõ những gì đã đến trong đời thi nhân, nhưng lời thơ như vướng tí cặn của những đêm phóng túng. Hình như Leiba đã đau khổ nhiều lắm. Người tức tối lúc nghĩ đến nấm cỏ đương chờ mình:

Ví biết phù sinh đời có thế,

Thông minh, tài bộ, thế gia chi!

Học thành, danh đạt, chung quy hão:

Mắt nhắm, tay buông, giữ được gì?

Thà chọn sinh vào nhà ẩu phụ,

Cục cằn, mất dạy, lại ngu si.

Leiba là một người bao giờ cũng có dáng điệu quý phái, ưa cái không khí quý phái, tin ở tài năng, ở dòng dõi mình, và rất tự trọng, cả trong những lúc buông tuồng. Một người như thế mà nói những lời như thế hẳn phải chán nản lắm.

Chán nản đưa người về tôn giáo. Thơ Leiba hồi sau có bài đượm mùi phật. Mặc dầu chưa đúng hẳn với tinh thần đạo Phật. Bài “Bến giác” (Trích theo đây) chẳng hạn còn có một giọng lạnh lùng, chua chát chưa phải là giọng của kẻ đã dứt hết trần duyên.

Cho đến cái bình tĩnh của nàng Kiều khi ở trong am Giác Duyên lần thứ hai, Leiba cũng chưa có (Xin nhắc lại lời Kiều nói với Vương ông khi tái hợp: Mùi thiền, đã bén muối dưa,/ Màu thiền, ăn mặc đã ưa nâu sồng./ Sự đời, đã tắt lửa lòng,/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!). Tuy thế người gần đạo Phật hơn các nhà thơ bây giờ.

Thơ Leiba đã thay đổi theo một hai điều thay đổi trong tâm trí thanh niên khoảng bảy tám năm nay. Xem thơ ta có thể thấy khi tỏ khi mờ hình ảnh của thời đại”…

Trong bài Mùa xuân, một nguồn cảm hứng dồi dào của thi nhân in trên Tạp chí Thanh nghị (số 29-31, Xuân, tháng 1/1943), Vũ Bội Liêu bình luận chủ điểm thơ xuân của nhiều thi nhân, trong đó có thơ J. Leiba:

“Mùa xuân tới, cái gì cũng tươi sáng, dịu dàng, êm ái, cả hình sắc lẫn hương thơm cùng ý tưởng, mà đời người “ngọt ngào như có vị đường”:

Cỏ xuân mượt như hoa,

Tóc liễu mướt như tơ.

Dâu xanh, xanh khắp nội,

Đường dệt vạn màu hoa”…

Vào chặng cuối phong trào Thơ mới, nhà phê bình Kiều Thanh Quế trong bài Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân in trên Tạp chí Tri tân (số 134, tháng 3/1944) có ý nghĩa “tổng kết sự tổng kết”, “đánh giá sự đánh giá”, “phê bình sự phê bình” đã nhắc nhớ đến thơ J. Leiba:

“Quyển sách dày dặn cố ghi lại một thời đại thi ca Việt Nam chẵn mười năm 1932-1942… Thơ ca Việt Nam trong mười mấy năm gần đây đi từ cổ điển (với Tản Đà, Trần Tuấn Khải), trải qua lãng mạn (với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận), sang tưởng tượng (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên) rồi bây giờ đến tả chân (với Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ)…

Trong các cuộc biến thiên lớn của thơ ca Việt Nam ấy, ta vẫn đếm được mấy phong trào nhỏ: Lối thơ hài hước của Tú Mỡ mà tác giả Thi nhân Việt Nam vô tình hay hữu ý đã quên đứt, nhưng được ông Lê Thanh nói đến trong một tập phê bình Tú Mỡ; và lối thơ say của Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tố, Vũ Hoàng Chương (…). Có kẻ chán nản quá, muốn gởi thân vào cửa thiền:

Người đẹp vẫn thường hay chết yểu,

Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai.

Ba xuân, muôn thắm thêu cành biếc,

Bạc mệnh hoa kia đã rụng rồi!...

…Hồn kết gió hương trời Nhược Thủy,

Cánh viền mây thắm động Thiên Thai.

Hóa thành những giọt mưa thơm ấy,

Tưới nở trăm hoa đã héo rồi!

(J. Leiba – Hoa bạc mệnh)

Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá!

Lệ lòng mong cạn chốn am Không.

Cửa thiền một đóng duyên trần đứt,

Quên hết người quen chốn bụi hồng.

(J. Leiba – Bến giác)

…Trên kia, xét cuộc biến thiên của thơ ca Việt Nam hiện đại, ta đã nói đến giai đoạn tả chân của thơ Việt. Rồi từ tả chân, thơ Việt Nam đã bước qua cầu siêu tả chân (surréalisme) mà sang lối thơ tập thể (cubisme)”...

Đương thời Thơ mới 1932-1945, các nhà phê bình ghi nhận thơ J. Leiba như một nỗi niềm in đậm cảm quan Phật giáo, một tiếng chim kêu thảng thốt giữa cõi đời, cõi người.

Thi sĩ Leiba chưa có tập thơ riêng, chỉ mới có thơ lẻ in báo, vậy mà người phê bình vẫn trân trọng, ghi nhớ thơ ông. Mới hay người phê bình một thời thật có tâm, biết cảm nhận, phát hiện, khẳng định những trang thơ của một người thật bình thường chỉ với một tiêu chí duy nhất: Thơ hay!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ