(GD&TĐ) - Hành trình của một phụ nữ đơn độc qua những miền đất “trong mơ” của tiềm thức, một hành trình nội tâm dai dẳng, để cuối cùng ngộ ra rằng: Nỗi sợ hãi bất hạnh là một sự phí phạm nhất trong cuộc đời con người. Bất hạnh là một tài sản.
Một cuộc ra đi “thử”
Theo lời kể của bà Nguyễn Hồng Đức, mẹ của nhà văn Phan Việt |
Vốn đã ấp ủ một “vùng trời Âu” từ lâu với những trang sách của Victor Hugo và những tác phẩm văn học khác, việc tham dự lễ nhập học của người cháu ở Đức trở thành lý do “chính thống” cho chuyến đi một mình của Phan Việt sang châu Âu, đặc biệt là Paris.
Nói chuyến đi một mình không chỉ là một mình về thực thể vật lý. Cái sự “một mình” của Phan Việt là ở trong nội tâm, ngay cả những khi chị đang giữa chỗ đông người. “Tất cả chúng ta suy cho cùng đều một mình. Đó là một gánh nặng, nhưng cũng là một tài sản. Chuyến đi cũng là cuộc ra đi thử khỏi cuộc hôn nhân của chính mình”, Phan Việt nói.
Có lẽ sự xung đột nội tâm là một trong những yếu tố làm nên một cây viết có sức hút như Phan Việt. Thừa nhận rằng không có thói quen mong chờ hoặc đoán định trước những gì sẽ xảy đến với mình, chị nghĩ mình sẽ mở lòng đón nhận Paris như những gì vốn có. Thế nhưng với những bộn bề, những dấu ấn mà văn chương ghi khắc trong tâm khảm nhà văn từ thuở bé thơ, Phan Việt vẫn ngóng tìm về một Paris của những ngày xa thẳm. Đến Paris, không để tìm một Paris đương đại, mà trong thâm tâm, chị chỉ mong cảm nhận được một Paris đầu thế kỷ. Lại nữa, chị cũng chỉ là một du khách ghé qua miền đất huyền thoại trong vài ngày ngắn ngủi nhưng Phan Việt tỏ ra thất vọng khi Paris tràn ngập những người du lịch... giống mình. Chị có phần nuối tiếc vì hình ảnh của một thành phố du lịch làm mờ đi phần nào hình ảnh của một kinh đô văn hóa, với những huyền thoại gắn liền với nó.
Đi tìm điều mình muốn
Nhà văn Phan Việt không coi “Một mình ở châu Âu” là sách du ký, mà là phần mở đầu cho bộ 3 cuốn sách với tên chung “Bất hạnh là một tài sản”. Với những ghi chép khá thú vị về cảm nhận cá nhân và những sự kiện xảy ra trong chuyến đi, “Một mình ở châu Âu” do NXB Nhã Nam phát hành đã thu hút bạn đọc trẻ - những người khát khao được nhìn ra thế giới bên ngoài. Sách đã tái bản 3 lần trong vòng vài tháng, trở thành một hiện tượng văn học đáng chú ý trong thời gian gần đây. |
Không thể phủ nhận hiện tượng một phần giới trẻ Việt Nam sống theo những gì đã định sẵn, theo những quy chuẩn, quy ước, để làm vừa lòng gia đình, hợp chuẩn xã hội. Học hết phổ thông, họ theo những ngành học do gia đình lựa chọn, hoặc tự lựa chọn, nhưng chỉ vì nó phù hợp với mình, chứ không phải vì đó niềm đam mê cháy bỏng. Cuộc sống cứ thế trôi đi, rồi họ tìm một việc làm để tồn tại, chứ không phải để thực hiện khát vọng của mình. Với Phan Việt, nếu không biết mình muốn gì, điều gì mình không thể thỏa hiệp, đó chính là bất hạnh. Cuộc sống sẽ vô cùng mệt mỏi và nhiều sợ hãi. Qua chuyến đi của mình, chị đã “ngộ” ra rằng: Bất hạnh cũng chính là một tài sản, nếu bạn đối mặt với nó, vượt qua nó, kể cả khi bạn phải trả giá, thì bạn mới hạnh phúc.
Tính đến nay, nhà văn Phan Việt đã ở nước ngoài 13 năm. Với chị, ngoài việc được học tập, làm việc trong môi trường tiên tiến, chuyên nghiệp, cùng những thuận lợi khác, thì “cái được” lớn nhất của chị khi ở nước ngoài, là việc chị được sống như mình muốn, như những gì bản thân mình sẵn có. Ở Việt Nam, cảm giác “chưa đủ” luôn theo đuổi Phan Việt. Chị tâm sự: “Dù tôi có cố gắng đến đâu, có tốt đến mấy, có hiền đến thế nào, thì vẫn luôn có người hỏi chị sao không thế này, không thế kia…; dường như tôi không thể sống một cuộc đời của chính tôi, cũng chưa bao giờ đáp ứng hết được mọi điều người khác mong muốn đối với mình”. Sống ở “tây”, Phan Việt mới thấy mình là phiên bản tốt nhất của chính mình, được sống cuộc đời hoàn hảo của riêng mình, dù đó có thể chỉ là ảo tưởng đi chăng nữa.
“Tên thật của Phan Việt là Nguyễn Ngọc Hường, là con thứ 2 trong 3 cô con gái của gia đình. Ngọc Hường sinh ra đã ốm yếu, được mệnh danh là “nhạc trưởng” bởi đi nhà trẻ hay khóc làm cả lớp khóc theo. Tôi làm việc ở thư viện tỉnh nên hồi nhỏ, Hường đi theo lê la đọc sách suốt ngày. Ngọc Hường thông minh, học giỏi, từng đoạt giải nhất Văn toàn quốc khi học lớp 9. Tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam, Hường sang Mỹ học Thạc sĩ Truyền thông và sau đó là Tiến sĩ Công tác Xã hội ở ĐH Chicago (Mỹ). Khi thăm Hường, tôi cũng được đến thăm nhà giáo sư Ngô Bảo Châu ở ĐH Chicago. Hôm đó thấy 2 chiếc xe tăng đỗ ở hai đầu khu nhà gần đó, hóa ra đó là nhà của Tổng thống Mỹ Obama Barack”. |
Kiều Trinh