Nhà văn Nguyễn Văn Học: Trở trăn với “vết thương” môi sinh

GD&TĐ - Sau khi thành công với những tác phẩm đi sâu vào khai thác số phận người phụ nữ bất hạnh, phê phán thói háo danh trong xã hội, nhà văn Nguyễn Văn Học tiếp tục nổi lên như một “thương hiệu” trong mảng đề tài bảo vệ môi trường. Mới đây, anh ra mắt tập tản văn “Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé” (NXB Văn hóa - Văn nghệ), góp thêm tiếng nói mạnh mẽ giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên.

Tập tản văn “Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé” của Nguyễn Văn Học mới được giới thiệu đến độc giả.
Tập tản văn “Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé” của Nguyễn Văn Học mới được giới thiệu đến độc giả.

1. Tôi may mắn được gặp nhà văn Nguyễn Văn Học vào những ngày đầu thu của 2 năm về trước. Khi ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng có giới thiệu về anh - một người đàn ông với cặp kính cận dày cộp, nụ cười hiền lành, thư sinh, tác giả của nhiều cuốn sách gây được tiếng vang trong lòng đồng nghiệp và công chúng.

Thú thật, ban đầu tôi cũng có chút ngần ngại vì anh là cây bút đã có tên tuổi, thế nhưng sau một vài câu chuyện tôi thấy anh thật cởi mở, thân thiện và dễ gần.

Tôi nhớ trong cuộc nói chuyện cùng anh, không dưới một lần anh từng nói: “Nếu cuộc đời ta trải qua quá êm đềm thì những tác phẩm ta viết sẽ khó có thể hay được”. Đó có lẽ là những lời “gan ruột” mà anh rút ra được từ những bậc tiền nhân và cũng từ chính cuộc đời mình. Ít ai biết rằng người đàn ông với dáng vẻ thư sinh ấy lại có một cuộc đời đầy sóng gió, nhiều chật vật và lắm lo toan.

Anh là con cả trong một gia đình đông con, có bố mẹ làm nghề nông ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Tuổi thơ của anh, ngoài giờ học là những ngày “phơi mặt” trên những luống rau xanh và rồi đêm về là những giấc ngủ chập chờn khi nửa đêm về sáng đã phải thức dậy để giúp mẹ chở rau ra chợ huyện bán.

Lẽ dĩ nhiên, sống trong hoàn cảnh khó khăn ấy Nguyễn Văn Học đã nung nấu ý định đổi đời, nhưng cách “đổi đời” của anh thật đặc biệt, đó là bằng văn chương. Có lẽ dấu ấn đầu tiên đưa anh đến với nghiệp viết là giải Nhất trong một cuộc thi viết truyện ngắn cấp trường khi anh học lớp 12.

Và cũng từ đó, cậu học sinh trường làng càng cháy bỏng tình yêu với thơ ca, văn học cùng hy vọng đó không chỉ là nghề “kiếm cơm” mà sẽ giúp anh giãi bày những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ cá nhân để tri ân ông bà, bố mẹ, người thân và làng quê yêu dấu của mình.

Nhà văn Nguyễn Văn Học
Nhà văn Nguyễn Văn Học 

2. Thế nhưng con đường đến với văn chương của Nguyễn Văn Học không thật dễ dàng. Khác với nhiều cây bút 8X khác, anh va vấp “trường đời” trước rồi mới vào trường học. Đó là quãng thời gian anh làm việc tại một nhà nghỉ, nơi chứa nhiều cô gái hành nghề mại dâm.

Cứ tưởng ở cái nơi tối tăm ấy Nguyễn Văn Học sẽ dễ đánh mất mình nhưng không, anh vẫn giữ được nét hồn nhiên, trong sáng, thật thà vốn có. Và cũng từ những năm tháng ở đây, anh đã thêm hiểu, đồng cảm và thương xót cho những phận đời “bán hoa” để rồi họ là những nhân vật chính trong các tiểu thuyết “ăn khách” sau này của anh như “Gái điếm”, “Những cô gái bất hạnh”...

Đó là những cuốn sách mà anh viết trong những giờ nghỉ trưa ít ỏi, những đêm muộn chong đèn nơi góc bếp chật chội sau khi đã vắt kiệt sức với công việc chân tay thường ngày. Có những hôm ngồi trên ban công nhà nghỉ, nhìn về phía ánh sáng thành phố, anh khát khao có một công việc ổn định và được sống bằng niềm đam mê viết lách.

Có lẽ vì thế mà khi đã tích cóp được một số tiền kha khá cùng một số “ngón nghề” viết cơ bản, anh đã ra khỏi chốn này để bước vào con đường viết chuyên nghiệp. Và Trường Viết văn Nguyễn Du chính là “bàn đạp” đưa anh đến với ước mơ đó.

Dưới mái trường đại học, anh cũng đã phải căng mình học tập, lao động để không những bảo đảm việc học hành mà còn phải viết lách để nuôi bản thân cũng như gửi tiền về phụ giúp bố mẹ nuôi em.

Hồi ấy, anh tích cực đi, tích cực viết và là cộng tác viên thường xuyên cho nhiều ấn phẩm ở các thể loại truyện ngắn, thơ ca, báo chí trong đó có tờ Hà Nội mới Cuối tuần. Anh cộng tác với tờ báo Đảng của Thủ đô ban đầu từ mảng truyện cười với những mẩu rất nhỏ ở góc báo đến mảng truyện ngắn, ký sự chân dung hết cả trang báo.

Mối quan hệ gần gũi, khăng khít giữa anh và tờ báo lại càng được bền chặt hơn khi vào năm 2010, anh đã giành giải Ba trong một cuộc thi viết về Hà Nội do báo Hà Nội mới tổ chức cho vệt bài viết về nhóm ghi-ta nổi tiếng từ sau năm 1972 ở Hà Nội.

Cũng trong năm ấy, anh đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng cho chùm thơ viết về Hà Nội. Đặc biệt, cuối năm 2017, trong cuốn sách tạp văn “Phố chất đầy năm tháng” do báo Hà Nội mới và NXB Văn hóa - Văn nghệ phối hợp xuất bản đã sử dụng đến 5 bài viết của anh.

Trong những ngày đầu năm nay, anh còn vinh dự giành giải Nhì cuộc thi viết về An toàn giao thông Thủ đô do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Thành phố tổ chức. Không dừng ở đó, những tình cảm dành cho Hà Nội còn được anh “thổi bùng” trong cuốn sách “Hoa thở” (NXB Hà Nội, 2017). Trong năm nay, anh sẽ tiếp tục cho ra mắt một tập sách tập hợp những bài phóng sự, ghi chép về Hà Nội.

3. Nhan đề cuốn sách mới nhất của anh, “Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé” lấy cảm hứng từ câu thơ quen thuộc của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính và đây không phải là tác phẩm đầu tiên anh viết đề tài môi trường.

Trước đó anh cho mắt các tập sách như tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng”, tản văn “Chạm cốc với dòng sông”, ghi chép “Đôi mắt xứ Đoài” và khoảng 15 truyện ngắn đã được in báo cũng như 60 phóng sự về sông suối, rừng núi trong những năm qua.

Chính những chuyến đi làm báo xuôi ngược trên nhiều vùng đất đã giúp anh được tận mắt chứng kiến những con sông hiền hòa, thơ mộng xưa kia bị mất đi mà thay vào đó là những con sông ô nhiễm, đen ngòm, bốc mùi. Đau lòng thay khi nguyên nhân không phải do tác nhân xa lạ nào khác mà chính là do ý thức của con người. Là một nhà văn, anh thấy trong đó phần trách nhiệm của mình là phải cầm bút “chiến đấu” với “căn bệnh” vô cảm của con người với thiên nhiên.

Với 39 bài viết kỳ công, tỉ mỉ, Nguyễn Văn Học đã giúp người đọc được trở về ký ức tuổi thơ của mỗi người, đó là hình ảnh của những con sông vừa lãng mạn vừa da diết vừa hoang hoải, đắm đuối nhưng cũng vừa mang nỗi niềm tiếc nuối, xót xa.

Tập sách với hai nguồn mạch cảm xúc gắn kết, hòa quyện vào nhau bởi một nguồn văn hóa chung, đó là con người hôm nay trước những giá trị nhân văn một thời và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Nguyễn Văn Học trăn trở với những vết thương môi sinh, anh đã viết về những điều hết sức bình dị, thân thuộc, gần gũi bằng cả con tim và khối óc của mình.

Giọng văn của anh nhỏ nhẹ, nhưng lại ẩn sâu trong đó là một thái độ cương quyết, thứ “vũ khí” sắc bén, sẵn sàng tranh luận bằng lý lẽ, dẫn chứng cụ thể, chi tiết và sống động. Có thể nói, tập sách đã không chỉ giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ, của những giá trị văn hóa, tinh thần xưa cũ tốt đẹp mà còn là lời chất vấn vào tận lương tri của mỗi người về thái độ cũng như cách ứng xử với môi trường sống xung quanh ta.

Đặc biệt, trong đó Nguyễn Văn Học đã nêu bật được quan điểm thấu tình đạt lý: “Hãy biết lắng nghe và yêu sông như sông đã yêu người. Cuộc sống cần lắm sự cộng sinh mà tự sông không thể thắp xanh cuộc đời nếu con người ở bên ngoài sự cộng sinh ấy”.

Có lẽ khi tôi đang viết những dòng này, anh lại đang xách ba lô mải miết ở một phương trời nào đó để tìm hiểu về một dòng sông hay một con suối. Anh thuộc tuýp phóng viên phong trần vào theo chủ nghĩa “xê dịch”, anh không phù hợp với ngồi phòng điều hòa, máy lạnh.

Nguyễn Văn Học cứ mải miết đi, nghĩ và viết như một ý thức tự thân. Anh như một vận động viên ma-ra-tông trong cuộc đua với thời gian và đích đến là những tác phẩm đầy tâm huyết, ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ