Nhà văn Lê Xuân Đức: 6 thập kỷ nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà văn Lê Xuân Đức: 6 thập kỷ nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà văn đặc biệt

Dịch giả Eva Muckova (người Slovakia) từng vui vẻ nhận xét, nhà văn Lê Xuân Đức là một nhà Hồ Chí Minh học đáng kính nhất vì sự dày công nghiên cứu và viết về Bác Hồ. Vậy điều gì khiến nhà văn Lê Xuân Đức từ một giáo viên, chuyển sang làm chính trị gia (nhà văn Lê Xuân Đức từng là Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), và vào những năm tháng chín chắn nhất của cuộc đời, ông lại trở thành một nhà nghiên cứu và viết sách về Hồ Chủ tịch?

Từ năm 1960, khi người thầy giáo trẻ Lê Xuân Đức còn đang giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Vinh (môn Lý luận văn học và văn học nước ngoài), ông đã có ý thức sưu tập, nghiên cứu về Bác Hồ.

Điều đặc biệt hiếm có ở Lê Xuân Đức là ông đã có cơ hội đi hơn 70 nước trên thế giới, và tìm đến tận nơi Bác Hồ từng đặt chân ở đất nước đó, để trải nghiệm trực tiếp cảnh quan, sinh khí đất trời, con người nơi Bác Hồ từng đặt chân trên hành trình tìm đường cứu nước.

Có lẽ, do cái duyên trời định, do ý định linh thiêng đã thấu cả vũ trụ, mà mọi cơ duyên hội tụ, đều giúp nhà văn Lê Xuân Đức thực hiện ý nguyện của mình: Thấu hiểu rõ nhất nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh để viết ra pho sách đồ sộ dành cho người Việt Nam học tập.

Và không chỉ có người Việt Nam được thụ hưởng tinh hoa từ bộ sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà văn Lê Xuân Đức viết, nhiều dân tộc khác trên thế giới cũng muốn khám phá cuộc đời, nhân cách Hồ Chí Minh.

Vào tháng 12/2019, dịch giả văn học Eva Muckova đã lặn lội sang Việt Nam gặp nhà văn Lê Xuân Đức để tìm hiểu thật kỹ tác phẩm của ông, cũng như chính thức đề nghị dịch tác phẩm văn học nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh có tựa đề “Ngục Trung Nhật ký - Thẩm bình” sang tiếng Slovakia và phát hành tại Slovakia, giúp nhân dân nước này có cơ hội tìm hiểu thật kỹ về Bác Hồ.

Nhà văn Lê Xuân Đức cũng từng được mời giảng dạy, trình bày về Nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam tại nhiều trường đại học ở Pháp, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc… và rất được hoan nghênh. Ông cũng từng đến Đại học Columbia của Mỹ, ngạc nhiên khi tại đây có giảng dạy môn Hồ Chí Minh học, với biết bao tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí nhiều hơn cả tài liệu về Hồ Chí Minh tại Thư viện St. Petersburg (Liên bang Nga).

Ngoài những chuyến đi xa để thuyết giảng về Bác Hồ như thế, ông chỉ tập trung thời gian ở nhà và viết sách. Còn biết bao điều cần viết ra về Bác Hồ, còn biết bao trải nghiệm lạ của chính tác giả in dấu ấn Bác Hồ.

Nhà văn Lê Xuân Đức chia sẻ, ông có cảm giác rất rõ ràng rằng, Bác Hồ vẫn ở đâu đó quanh ông, ngầm ủng hộ ông và động viên ông tiếp tục cầm bút. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, dịp tháng 11/2019, do viết quá nhiều, không ngày nào ông đi ngủ trước 12 giờ đêm, nên nhà văn Lê Xuân Đức bị suy tim, phải vào bệnh viện điều trị mất hơn một tháng.

“Lên đến đỉnh cao của sự tuyệt mỹ, ta bắt gặp sự GIẢN DỊ”

5.000 trang viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được tập hợp lại trong 21 cuốn sách mà nhà văn Lê Xuân Đức đã xuất bản. Sau khi Lê Xuân Đức được giải thưởng trong cuộc vận động sáng tác chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đầu tư để Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật tiếp tục in hơn 1.000 trang sách của tác giả Lê Xuân Đức viết về Bác Hồ.

Bộ sách này gồm 3 tác phẩm: Tinh hoa thơ Hồ Chí Minh, Tinh hoa văn hóa Hồ Chí Minh, Tầm nhìn và nhân văn Hồ Chí Minh. Đây là 3 tác phẩm mang tính tổng kết toàn bộ cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có một điều rất lạ trong suốt 6 thập niên nghiên cứu về Bác Hồ mà nhà văn Lê Xuân Đức phát hiện ra, đó là ông chưa biết chắc mình đã nhận thức thực sự đầy đủ về tầm vóc Hồ Chí Minh hay chưa, nhưng ở Hồ Chí Minh, nhà văn Lê Xuân Đức nhận thấy càng ngày càng rõ một đặc điểm, đó là triết lý sống sáng ngời “Lên đến đỉnh cao của sự tuyệt mỹ, ta bắt gặp sự GIẢN DỊ”.

Với bài học đó từ Bác Hồ, trong khi viết về Bác, nhà văn Lê Xuân Đức không dùng mỹ từ, ông dùng từ đơn giản, bình dị nhất. Trong cuộc sống thường ngày, tập trung viết về Bác Hồ, là cách giúp tâm hồn ông thanh sạch, thoát khỏi mọi ỉ eo rối ren bấn loạn của cuộc sống. Và ông chỉ tâm niệm một điều, tên là mệnh danh, ông tên Đức thì sống sao cho có Đức. “Có Đức mặc sức mà ăn” chẳng phải là câu cửa miệng rất minh triết của người Việt đó sao?

Nhà văn Lê Xuân Đức cởi mở tâm sự, hồi ông 60 tuổi, đến tuổi nghỉ hưu, nhưng Chủ tịch Quốc hội lúc bấy giờ là đồng chí Nông Đức Mạnh, nhận thấy ông còn sung sức và làm việc hiệu quả nên trực tiếp mời ông ở lại làm việc thêm một thời gian.

Đồng chí Nguyễn Văn An là Trưởng Ban tổ chức Trung ương lúc đó, nói vui với ông, rằng người nhiều năng lượng như ông hãy “bỏ qua giai đoạn về hưu, tiến thẳng từ phòng làm việc lên bàn thờ”. Nhưng thôi thúc viết và nghiên cứu về Bác Hồ còn mạnh mẽ hơn, nên ông đã từ chối ở lại làm việc, chấp nhận mình có thể sẽ bị thiệt thòi hơn về nhiều mặt. Nếu tiếp tục ở lại làm việc Nhà nước, thời gian của ông sẽ bị xé lẻ ra, chỉ có thể viết được những tiểu luận, chứ không thể thực hiện được những pho sách đồ sộ như ông mong muốn.

Ngay sau khi về hưu, từ năm 2001 - 2003, nhà văn Lê Xuân Đức đã cho ra đời 3 cuốn sách về Bác Hồ. Nhà văn Lê Xuân Đức chỉ sống trong một căn chung cư bình thường, nhưng ông tâm đắc với lối sống “liêm khiết, chí công vô tư” mà Bác Hồ đã dạy. Làm tâm hồn mình thanh sạch bằng viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là bí quyết để ông sống khỏe khi tuổi đã cao.

Nhà văn Lê Xuân Đức cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh, học thuyết Hồ Chí Minh xứng đáng được tiếp tục nghiên cứu, phát triển để không chỉ dân tộc Việt Nam, mà nhiều dân tộc khác được thụ hưởng.

Chỉ có điều, chúng ta nhiều khi quá quan tâm đến hình thức ngôn ngữ, cho rằng phải là những gì hoành tráng, ấn tượng, cao siêu, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dùng ngôn ngữ nói và viết vô cùng giản dị, gần gũi đời thường. Và chính vì thế, mà những điều Người nói, Người viết, dễ dàng đi vào đời sống, đơn cử như “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.