(GD&TĐ) - Đóng góp vào việc tuyên truyền, thực hiện quy định học sinh đi xe đạp điện đội mũ bảo hiểm đến trường chính là công sức không nhỏ của nhiều thầy cô giáo, ban giám hiệu các trường THPT, đại học trên toàn quốc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội Nguyễn Thị Nhâm Huyền, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức an toàn giao thông cho học sinh là công việc thường xuyên của nhà trường trong các năm học. Nội dung học tập này được đưa vào các tiết học đạo đức hàng tuần, và nhà trường còn tổ chức các chuyên đề mời chuyên gia, công an giao thông đến để nói chuyện, trao đổi với các em học sinh.
Được biết, các trường tiểu học, mẫu giáo đã triển khai ngay việc yêu cầu học sinh khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và đề nghị phụ huynh ký cam kết với nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định này ngay từ đầu năm học. Đồng thời, các trường có biện pháp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để duy trì việc thực hiện trong suốt năm học và hình thành được thói quen trong học sinh; có khẩu hiệu trước cổng trường với nội dung: “Học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy”.
Thời gian gần đây, một số trường học trên cả nước cũng đã đưa ra những quy định riêng để học sinh, sinh viên chấp hành tốt luật an toàn giao thông. Như Phòng Công tác học sinh sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo đến sinh viên về việc đeo thẻ sinh viên và đội mũ bảo hiểm khi đến trường, trong đó có yêu cầu tất cả các sinh viên khi đến trường đều phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy (không chở 3 trở lên). Từ ngày 29/3 đến 11/4/2013, nhà trường phát động phong trào và nhắc nhở sinh viên; Ngày12/4 sẽ tiến hành ghi tên sinh viên vi phạm để có biện pháp chế tài. Bắt đầu từ 12/4 thực hiện biện pháp bắt buộc và trừ điểm rèn luyện theo nội quy nhà trường. Danh sách sinh viên vi phạm sẽ cập nhật thường xuyên lên website của trường.
Giải quyết phần việc phát sinh
Khi học sinh đội mũ bảo hiểm đến trường lại phát sinh khâu cất giữ mũ. Thông thường học sinh sẽ gài mũ lại xe đạp. Theo quy định mới, bắt đầu từ năm học 2012-1013, các trường không được thu tiền trông xe của học sinh, nhân viên bảo vệ đã mất công trông giữ xe, lại còn trông thêm mũ bảo hiểm cho các em. Vì thế nên khi yêu cầu học sinh đội mũ bảo hiểm lại phải tìm cách để bảo quản mũ cho các em. Điều này đòi hỏi Ban giám hiệu tìm cách linh hoạt điều đình với bảo vệ và trích thêm một phần quỹ để bồi dưỡng cho họ.
Để tránh nhầm lẫn, có nhiều trường đã yêu cầu viết tên học sinh, tên lớp vào mũ, sau đó gài cố định vào xe. Mỗi sáng lấy vé xe phải ghi kèm “có mũ” hoặc “không mũ”. Có những trường đã sắp xếp cho mỗi lớp có 1 giá để mũ bảo hiểm, mỗi mũ có ghi tên của học sinh. Giải pháp này xem ra hiệu quả, nhưng lại gây mất mỹ quan lớp học và tốn kém và đang được ban giám hiệu các trường nghĩ thêm giải pháp phù hợp.
Mức xử phạt trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy được áp dụng như người lớn. Đối tượng trực tiếp bị xử lý là phụ huynh. Từ nay đến 1/6/2013, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ tập trung xử phạt ở 3 quận trọng điểm là Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy. |
Mỹ Lệ