Các vụ rò rỉ thông tin mật không có gì là mới ở thủ đô Washington, nhưng theo các chuyên gia lần này có hơi khác. Hầu hết các vụ rò rỉ thông tin không nhắm vào các chính sách của Tổng thống Trump, mà nhắm vào cá nhân ông.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tục gặp rắc rối vì thông tin mật bị rò rỉ ngay cả trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức.
Ông Louis Clark là giám đốc điều hành của Dự án giám sát trách nhiệm Chính phủ, một nhóm phi lợi nhuận có chức năng bảo vệ những người tiết lộ thông tin bí mật cho quần chúng về các vụ lạm dụng trong guồng máy chính quyền.
Ông nói với VOA rằng điều mới lạ là động cơ của người cung cấp thông tin, thường là cho các nhà báo.
Ông Clark nói những vụ rò rỉ thông tin từ một chính phủ Mỹ có mục đích "thúc đẩy để đi đến một chính sách cụ thể hay quyết định chính trị nào đó." Ông Clark nói điều khác biệt về các vụ rò rỉ thông tin đến từ chính quyền ông Trump là nhằm mục đích gây ấn tượng nơi nhiều người rằng những thông tin được tiết lộ ấy có mục đích phương hại tới tổng thống Trump và uy tín của ông.
"Chỉ trích trực tiếp một tổng thống theo cách đó là chưa có tiền lệ" - ông Clark nói.
Bà Jesselyn Radack, cựu luật sư thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết: "Thông thường, chính quyền rò rỉ thông tin để thăm dò, thúc đẩy các ý tưởng về chính sách. Rò rỉ thông tin của chính quyền ông Trump có thể nguy hiểm hơn nhiều. Rò rỉ ở tất cả mọi nơi. Các vụ tiết lộ thông tin ấy dường như không mang tính chiến lược".
Những vụ rò rỉ thông tin trong tuần này đã tăng sức ép đối với cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, tướng Michael Flynn, đến mức ông bị buộc phải từ chức.
Trong một loạt các tin nhắn trên twitter vào sáng thứ Tư, ông Trump nói những vụ rò rỉ nhắm vào ông Flynn, cũng tương tự như những chiến thuật được sử dụng ở Nga, và ông tố cáo "truyền thông tung tin giả " bằng cách sử dụng thông tin bí mật để châm ngòi cho"lý thuyết âm mưu và lòng hận thù mù quáng" của họ.