Nhà thơ Trinh Đường và lần về thăm phố Hiến-Hưng Yên

Nhà thơ Trinh Đường và lần về thăm phố Hiến-Hưng Yên

(GD&TĐ) - Nhà thơ Trinh Đường, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, sinh năm 1919 tại Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Mất năm 2001 tại Hà Nội. Trong hoạt động văn học nghệ thuật, sáng tác, phê bình, nhà thơ Trinh Đường đã làm việc hết sức mình cho học thuật. Biệt lập phong cách sáng tạo và đào tạo lớp người kế tục. Ông đã xuất bản các cuốn sách: Hoa gạo, Hạt giống, Thuỷ triều, Giao mùa, Quán trọ...(thơ), Làm cầu La Kham (ký), Ngày và đêm một lứa đôi (truyện ngắn), Ngày hội thơ, Những gương mặt thơ mới, Một thế kỷ thơ Việt, Thơ thế kỷ XX (Lý luận, phê bình)...

Giữa tháng 6-2001, nghĩa là chỉ trước cái ngày ông từ giã cõi nhân gian 3 tháng, nhà thơ Trinh Đường về thăm và làm việc với Hội văn nghệ Hưng Yên. Chuyến đi ấy của ông chủ yếu để chuẩn bị làm một tuyển tập thơ 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng mà ông dự định lấy tên là “Thơ vùng văn hoá Sông Hồng”. Trong buổi gặp gỡ các văn nghệ sĩ Hưng Yên tại khách sạn Phố Hiến, sau phần bàn luận về nội dung tuyển chọn, nhà thơ Trinh Đường yêu cầu mỗi người đọc từ một đến hai bài thơ. Chúng tôi đều đọc hai bài, Trinh Đường là “trưởng lão” người chủ trì buổi toạ đàm thì chúng tôi yêu cầu ông đọc ba bài liền. Ông vui vẻ chấp nhận. Trao đổi với chúng tôi về thơ, ông quan niệm: “Thơ hay là phải có nhạc điệu, có phát hiện...”.

Bữa ấy, tôi đọc hai bài thơ viết cho thiếu nhi: “Cánh diều và mùa thu” và bài “Trăng của mỗi người”. Ông khen cả hai bài của tôi đều hay, nhưng bảo chọn bài hay nhất thì ông chọn “Trăng của mỗi người”. Ông nói: “Nội dung bài Trăng của mỗi người nêu năm nhân vật trong một gia đình, tuổi tác, ngôi thứ khác nhau. Nhưng chỉ có 6 câu thôi mà Thiện đã nêu được 5 sở trường, nghề nghiệp của bốn người và đều lấy hình ảnh vầng trăng đầu tháng để liên tưởng, ví von công việc của ông bà, bố mẹ và cháu:

“Mẹ bảo: Trăng như lưỡi liềm

Ông rằng: Trông tựa con thuyền cong mui

Bà nhìn: Như hạt cau phơi

Cháu cười: Quả chuối vàng tươi ngoài vườn

Bố nhớ: Khi vượt Trường Sơn

Trăng như cánh võng chập chờn trong mây”.

Tôi thầm cảm ơn nhà thơ Trinh Đường đã phát hiện những ẩn ý trong bài thơ của tôi. Hình ảnh ví von  trăng và cách nhìn của mỗi người, mỗi nghề đó là chủ ý của tôi khi sáng tác. Nhưng theo Trinh Đường “Năm nhân vật, năm sở thích mà nói được trong sáu câu”. Điều đó quả thực tôi chưa nghĩ tới. Tôi cảm ơn và thán phục tài thẩm thơ của ông.

Ảnh minh họa/Internet
Ảnh minh họa/Internet

Sáng hôm sau, ngày 17/6/2001, nhà thơ Trinh Đường bất ngờ đến thăm gia đình tôi (cách trụ sở Hội văn nghệ Hưng Yên 2 km). Thật tiếc vì hôm đó tôi lại đi đọc báo ở thư viện, không ở nhà trực tiếp đón tiếp ông, để được trò chuyện về thơ, về đời.  Tôi bất ngờ bởi buổi tối hôm trước ông không hẹn tôi.

Cùng đến nhà tôi hôm đó có cán bộ Sở Văn hoá Thể thao và Du Lịch Hưng Yên và nhà thơ Ngô Hoàng Anh- Trưởng Ban thơ Hội văn nghệ tỉnh. Khi về, được vợ tôi kể lại rằng: Khi vào thăm nhà thờ thân phụ sinh ra tôi, nhà thơ Trinh Đường đã đọc các câu đối trên những bức hoành phi khảm chữ Hán cứ vanh vách. Sau đó ông sang thăm phòng sáng tác của tôi, ông tỏ ra rất vui mừng được biết phòng viết khang trang của tôi  được trang bị từ tiền nhuận bút của các tập thơ, bài thơ viết cho các em.

Vợ tôi mời mọi người cùng đi thăm quan và thưởng thức vườn nhãn. Ông hỏi về lịch sử từng cây nhãn. Nhãn nào là nhãn lồng, hình dáng của nó khác các loại như đường phèn, nhãn cùi ở chỗ nào? Nghe vợ tôi trả lời rành rọt, ông mỉm cười nói: - Đúng là con gái xứ nhãn!

Sau này tôi mới biết, chuyến đi về Hưng Yên lần ấy sức khoẻ nhà thơ Trinh Đường rất yếu, ông vẫn phải tiếp nước. Nhưng ông vẫn cố gắng đi để thu thập tư liệu cho tuyển tập “Thơ vùng văn hoá Sông Hồng”.

Sáng hôm sau tôi mang quà và tập thơ xuống tặng và cám ơn ông, nhưng ông đã về Hà Nội ngay chiều hôm đến thăm gia đình tôi. Và thật không ngờ... chỉ ba tháng sau, ngày 28/9/2001 nhà thơ Trinh Đường từ giã nhân gian về cõi vĩnh hằng.

Chuyến đi thăm Hưng Yên lần ấy là chuyến đi thực tế cuối cùng của nhà thơ Trinh Đường. Trước khi mất ông đã bàn giao bản thảo tuyển tập “Thơ vùng văn hoá  sông Hồng” cho Hội nhà văn Việt Nam để hoàn thiện và xuất bản.

Thoắt đó đã 11 năm. Viết lại những kỷ niệm này về ông- như  một nén tâm nhang, tỏ lòng thành kính nhân kỷ niệm 11 năm ngày mất của ông.

Lê Hồng Thiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.