Nhà thơ Tố Hữu: Nửa thế kỷ lĩnh xướng hùng ca

Nhà thơ Tố Hữu: Nửa thế kỷ lĩnh xướng hùng ca

(GD&TĐ) - Nhà thơ Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920 tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ ca Cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp thơ ca của ông đã được khẳng định qua các giải thưởng cao quý như: Giải nhất giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955 cho tập thơ “Việt Bắc”; Giải thưởng Văn học ASEAN của Thái Lan năm 1996 cho tập thơ “Một tiếng đờn”; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt I, 1996). Ông cũng là người có nhiều thơ được sử dụng giảng dạy trong nhà trường, từ bậc học phổ thông đến đại học. 

Tính từ năm Tố Hữu gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản (1936) đến khi ông không tham gia chính trường nữa (1986), gần một nửa thế kỷ. Còn sau đấy dường như mọi việc đã khác. Tố Hữu không chỉ là người sớm giác ngộ Cách mạng, mà còn là người đến với thơ ca Cách mạng từ độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” (17 tuổi). 

“Từ ấy” là tập thơ đầu tay của chàng trai xứ Huế này, gồm 71 bài được chia làm 3 phần tương ứng với ba giai đoạn lịch sử: Máu lửa (27 bài), Xiềng xích (30 bài) và Giải phóng (14 bài), như một bộ phim phóng sự tài liệu 3 tập bằng thơ ghi lại một thời kỳ lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam, qua cái nhìn của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi cộng sản Tố Hữu, kể từ ngày ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản (1936 - 1946). Lần xuất bản đầu tiên (1946) tập thơ có tên là “Thơ”, đến lần xuất bản thứ hai (1959) ông sửa chữa, bổ sung và đổi tên thành “Từ ấy”.

c

Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai nhận định: “Từ ấy” là tiếng nói cáo trạng nhân danh phẩm giá của con người lao khổ; nhân danh chủ nghĩa nhân đạo để chống với một chế độ tàn bạo; nhân danh cái đẹp của thiên nhiên và của nghệ thuật, của chân lý và của công lý để phản kháng với cái xấu, cái giả dối; nhân danh cái mới để chống lại cái lạc hậu. Về phương diện nghệ thuật, “Từ ấy” trở thành một trong những thành tựu của Văn học cách mạng Việt Nam. Tố Hữu đã kết hợp được giữa nghệ thuật và cách mạng, giữa người chiến sĩ và thi sĩ, góp phần vào tiến trình đổi mới thi ca hiện đại Việt Nam”.

Như vậy ngay từ những ngày đầu cầm bút, Tố Hữu đã luôn ý thức rằng phải hát vang bản hùng ca Cách mạng trong thơ. Hai tư cách chiến sĩ và thi sĩ trong ông luôn quện chặt làm một với nhau gần nửa thế kỷ. Ông quan niệm về thơ ca Cách mạng khá rõ: “Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu, cái ác. Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng”.

Ở một góc nhìn khác, nếu không có Cách mạng thì cũng không có nhà thơ Tố Hữu. Người chiến sĩ cách mạng là cái gốc, còn thơ ca chỉ là những phút giây “xao lòng” của người chiến sĩ ấy. Càng về sau, thơ ông càng tỏ rõ là công cụ, là vũ khí tuyên truyền trong đấu tranh cách mạng. Với Tố Hữu không có nhà thơ đứng ngoài người chiến sĩ cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, cũng là hoạt động nghệ thuật của mình, Tố Hữu đã xuất bản các tập thơ: “Từ ấy” (1946), “Việt Bắc” (1954), “Gió lộng” (1961), “Ra trận” (1962-1971), “Máu và Hoa”  (1977), “Một tiếng đờn” (1992), “Ta với ta” (1999). Năm tập thơ đầu gắn chặt với quá trình hoạt động cách mạng của ông, còn 2 tập cuối, gắn chặt với những nếm trải vui, buồn của một con người.

Năm tập thơ đầu, ông luôn là người lĩnh xướng của dòng thơ ca Cách mạng với tư cách là một thi sĩ. Còn với tư cách người chiến sĩ cách mạng, ông lại là người chỉ huy của dòng thơ ca ấy. Với cả hai tư cách, tiếng nói của ông trên chính trường cũng như trên thi trường đều có ảnh hưởng lớn và mang tính quyết định đối với dòng thơ ca Cách mạng trong diễn trình thơ ca Việt Nam hiện đại. 

Nhưng cũng có một thực tế khác không thể phủ nhận được là với hai tập “Một tiếng đờn” và “Ta với ta”, vào những năm tháng cuối đời, thơ Tố Hữu không còn là hiện tượng “hot thi” trong sự đồng vọng của nhiều tầng lớp công chúng, vốn là cái thường xuyên diễn ra đối với các tập thơ trước của ông. 

Có thể thấy khá rõ, sau khi rời nhiệm sở, Tố Hữu cũng thôi luôn vai trò người lĩnh xướng và chỉ huy trong giàn hợp ca Cách mạng, mà ông từng nắm giữ hơn nửa thế kỷ qua. Chính ông tự ý thức được điều ấy nên đã kịp chuyển sang tư thế của người hát đơn ca. Vâng, đơn ca có nghĩa là hát một mình với “Một tiếng đờn”. Thậm chí sau này ông còn là người đối diện với chính mình “Ta với ta”. 

Hăm hở tự buộc mình với nhân dân quần chúng, nguyện làm anh, làm con, làm em nhưng không phải của một người cụ thể nào, mà là với tất cả: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người” (Từ ấy). Để rồi những năm tháng cuối đời, ông tự nhận ra mình ở một chiều kích khác, khi mà cuộc sống hôm nay nói chung và nhất là thi ca không còn thích hợp cho những bản hùng ca. Theo đó, nó cũng không cần người lĩnh xướng cho giàn hợp ca ấy thưở nào, nơi đã đưa ông tới đỉnh của vinh quang. Cuộc sống dựng xây đất nước hôm nay trong xu hướng hội nhập và phát triển, nó cần nhiều hơn sự “tự lĩnh xướng” cho chính mình, thay vì đi theo phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe” của những tháng năm đánh giặc. 

Giọng thơ chùng xuống, đầy suy tư, trăn trở về lẽ đời, lòng người, về sự hữu hạn của thời gian là nét nổi bật của thơ Tố Hữu ở hai tập thơ cuối cùng, trong tư cách con người cá nhân hơn là tư cách người chiến sĩ cách mạng trước đây: Mới bình minh đó đã hoàng hôn/ Đang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn/ Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy/ Khuấy động lòng ta biết mấy buồn/.../ Có khổ đau nào đau khổ hơn/ Trái tim tự xát muối cô đơn/ Em ơi, nghe đó... Trong đêm lạnh/ Đằm thắm bên em, một tiếng đờn. (Một tiếng đờn, 1991). 

Đấy là một thực tế không thể chối cãi được.

Đỗ Ngọc Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ