Nhà thơ Nông Thị Hưng: Cất cao tiếng hót giữa đại ngàn xanh

Nhà thơ Nông Thị Hưng: Cất cao tiếng hót  giữa đại ngàn xanh

Chắc hẳn những ai từng đọc tác phẩm của nữ thi sĩ người Tày sẽ khó có thể quên được những vần thơ hết sức mộc mạc, giản dị, chân thành về số phận của người phụ nữ, cuộc sống của người dân tộc thiểu số... 

Cuốn sổ và chiếc radio

Tôi vẫn nhớ như in cuộc trò chuyện với nhà thơ Nông Thị Hưng mà không dưới một lần chị đã phải lấy vạt áo lau nước mắt. Đó là lần chị kể về người mẹ và gia đình nhỏ của mình. 

Mẹ của chị là người Kinh, ở thành phố Bắc Giang. Hồi nhỏ trong một lần chạy giặc, bà đã lưu lạc đến làng Trại Hạ (xã Đồng Vương, Yên Thế, Bắc Giang) nơi không có lấy một người thân thích. 

Bà phải lang thang đi ăn xin và làm người ở cho những gia đình giàu có. Tối đến, bà lại trải lá chuối ngủ nhờ ở hiên nhà người ta cho đến khi lấy bố chị, một người đàn ông dân tộc Tày. 

Nông Thị Hưng sinh ra trong một gia đình nghèo khó như thế. Lớn lên chị lấy chồng là người Nùng cùng xã nhưng khác bản. Cũng như nhiều gia đình khác, ngày ngày chị chỉ quanh quẩn với vài ba sào lúa và tăng gia sản xuất trên những quả đồi nho nhỏ.

Bước ngoặt đã đến và thay đổi cuộc đời chị. Năm 2000, chị tham gia một chương trình biểu diễn văn nghệ do hội phụ nữ xã tổ chức và được nhận phần thưởng là cuốn sổ chép tay. Từ lúc đó, hễ đi đâu, làm gì có điều thú vị trong cuộc sống là chị lại ghi vào sổ như một thú vui tao nhã để tạm quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống. 

Ghi chép nhiều thành mê mẩn để có những hôm lên nương làm việc, chị mải ngắm cảnh núi rừng và viết lách mà quên cả giờ về. 

Trong nhà không có cuốn sách nào, chị chỉ còn biết làm bạn với chiếc radio. Chị là thính giả thân thiết của các chương trình văn nghệ phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Và cũng qua đài, chị đã làm quen được với nhiều nhà văn, nhà thơ và qua những trao đổi thân tình, họ đã gửi cho chị nhiều cuốn sách văn học bổ ích. Đó là những cuốn sách đầu tiên mà chị có được và cũng là “cuốn cẩm nang” quý báu mà Nông Thị Hưng luôn luôn trân trọng, giữ gìn. Đọc sách nhiều, dần dà chị nảy sinh ý định trở thành một cây bút chuyên nghiệp.

“Trút bầu” vào thơ

Nhưng có điều ở vùng núi rừng nghèo khó khi mà cái ăn, cái mặc vẫn chưa đủ thì mọi người cũng không quá mặn mà với thơ ca. Chị lạc lõng ngay giữa chính quê hương của mình. Điều đó đã thôi thúc chị phải rời bỏ bản làng thân yêu, rời xa những đứa con thơ dại để đến một vùng đất khác - nơi chị có thể nuôi dưỡng, phát triển hồn thơ của mình. Và chốn đô thị phồn hoa Hà thành là điểm dừng chân của chị. 

Nhưng cũng không thật dễ dàng, người phụ nữ dân tộc vốn chỉ quen với cái cày, cái cuốc làm gì để kiếm tiền nuôi bản thân cũng như nuôi hai đứa con nhỏ đang ở tuổi ăn, tuổi học? Áp lực nhưng rồi cũng trở thành động lực để chị làm việc hăng say, miệt mài hơn. 

Làm tạp vụ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, công việc nhẹ nhàng lại trong không gian bảo tàng tĩnh mịch, yên ắng khiến hồn thơ của chị được “cất cánh”. Và rồi rất nhiều cảm xúc về cuộc sống cơ cực của những người sống tha hương nơi đất khách đều được chị “trút bầu” vào trong thơ.

Từ sáng tác nghiệp dư đến chuyên nghiệp, những bài thơ của Nông Thị Hưng được nhiều tờ báo, nhất là tờ báo có số lượng độc giả chủ yếu là người dân tộc, người miền núi đón nhận. 

Năm 2014 có lẽ là năm bản lề đánh dấu bước trưởng thành của Nông Thị Hưng khi đón “đứa con” đầu lòng được “thai nghén”, đúc kết trong 14 năm làm thơ của mình. 

Đó là tập thơ “Mười bài” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) viết theo một lối thơ không vần, từ ngữ mộc mạc, giản dị nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, thể hiện sự liên tưởng mới lạ. Tập thơ xoay quanh chủ đề người lính ngày đêm canh giữ từng tấc đất biên cương và cảm xúc mới lạ của người phụ nữ đa cảm mặc dù chị chỉ biết về chiến tranh qua lời kể của bố chồng và những gì tích lũy được qua đọc sách, nghe đài.

Nhưng có lẽ phải đến tập thơ “Men rừng” (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc) Nông Thị Hưng mới “phô diễn” được những thế mạnh của mình. Tập thơ gồm 64 bài thơ tiêu biểu do nhà thơ dân tộc Tày - Mai Liễu tuyển chọn và viết lời giới thiệu. Đây là món quà đầy ý nghĩa mà chị muốn tri ân bản làng, quê hương mình. 

Những vần thơ cũng như con người của chị vậy, chúng không chịu “nằm yên” trên trang giấy mà đã bay bổng vào trong khuông nhạc trữ tình, dạt dào cảm xúc của nhiều nhạc sĩ. Trong đó có thể kể đến bài hát “Nghiêng về phương anh” được nhạc sĩ Thanh Khang phổ từ bài thơ “Tuổi bốn mươi”, như lời thổ lộ, tự tình của chính tác giả - người phụ nữ ở tuổi bốn mươi nhưng vẫn mong chờ tình yêu, hạnh phúc đến với mình. 

Rồi một “Trai Mông” với chất liệu khỏe khoắn mang đậm thanh âm núi rừng của nhạc sĩ Đức Giao. Bài hát đã được tuyển chọn là một trong 9 bài hát được biểu diễn trong dịp giới thiệu những tác phẩm mới vào tháng 11/2017 của Hội Âm nhạc Hà Nội. 

Trong buổi hôm ấy, nhà thơ Nông Thị Hưng đã nhận được nhiều lời thắc mắc từ phía hội đồng giám khảo cũng như khán giả là tại sao người dân tộc Tày lại sáng tác thơ về con trai Mông. Nhưng rồi khi nghe được những lời chia sẻ của chị rằng đã là một nhà thơ thì không nên “thiên vị” sáng tác về dân tộc mình mà phải biết chia sẻ, thấu hiểu, đồng cảm cùng các dân tộc khác khiến cho nhiều người không khỏi xúc động.

Có thể nói, mặc dù sống ở Thủ đô nhưng tâm hồn nhà thơ Nông Thị Hưng luôn hướng về quê hương, dân tộc để rồi những hình ảnh ấy đã thôi thúc, giục giã chị cầm bút sáng tác mạnh dạn hơn, sâu sắc hơn. Được biết trong khoảng tháng 6 tới đây, chị tiếp tục cho mắt tập thơ thứ 3 “Tình núi” (Nhà xuất bản Văn học) với 82 bài thơ chắt lọc trong hàng trăm bài thơ của mình. 

Với sự bền bỉ, nhiệt huyết và đam mê với công việc “gọt giũa” câu chữ, Nông Thị Hưng đang dần khẳng định là một “tiếng chim” mới lạ, độc đáo mang bản sắc riêng của núi rừng Yên Thế anh hùng giữa Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ