Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ: Con người cách tân và nổi loạn

GD&TĐ - Nguyễn Vỹ là nhà thơ, nhà báo có tiếng trên văn đàn nước ta từ trước năm 1945. Là người yêu nước mãnh liệt, ông luôn không bằng lòng với những gì bất xứng với nhãn quan của mình, từ đó ông hay lấy báo chí làm phương tiện để chống lại bất công và cũng chính vì thế mà thường bị rơi vào nhiều tình thế oan khổ. 

Phòng làm việc của ông Nguyễn Vỹ tại Sài Gòn năm 1965.
Phòng làm việc của ông Nguyễn Vỹ tại Sài Gòn năm 1965.

Đã vậy, cả với thơ ca, vốn chỉ là bộ môn nghệ thuật, ông cũng luôn muốn cách tân thật mới mẻ và bị (hay được) khen chê cũng nhiều...

Làm báo chống giặc, chống bất công

Nguyễn Vỹ sinh năm 1910 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Thân phụ ông làm tri huyện nhưng sớm từ quan vì ghét Pháp. Là một học sinh dở toán nhưng giỏi văn chương, ông ôm mộng làm thơ, viết văn, làm báo từ thời trung học.

Năm 1927, ông hưởng ứng phong trào bãi khóa toàn quốc do sinh viên Trường Cao đẳng Hà Nội đề xướng để phản đối người Pháp nên bị đuổi khỏi trường.

Bị bắt buộc rời trường, người học sinh yêu nước này nhanh chóng nhảy vào làng báo. Bài viết đầu tiên của ông được chọn đăng trên tờ Tiếng dân của nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng. Ông “sung sướng” vì nhuận bút 4 đồng được tờ báo trả cho tác phẩm của mình.

Tiếp đà đó, ông ra Hà Nội, “là nơi có trường cao đẳng, nơi xuất bản nhiều sách báo, nơi giới cầm bút đông đảo để dễ dàng vẫy vùng” - ông ghi nhận.

Năm 1932, Nguyễn Vỹ đậu tú tài. Với tài văn chương, Nguyễn Vỹ trở thành một cây bút tranh đấu, viết những bài luận thuyết đả phá chính sách thuộc địa của thực dân cũng như đường lối của triều đình bù nhìn trên các báo Văn học tạp chí, Tiểu thuyết thứ Năm, L’ami du peuple (Bạn dân), La Patrie Annamite (Tổ quốc An Nam)…, rồi đứng ra chủ trương tờ Le Sygne (Thiên Nga).

 Chỉ mới ra được 6 số, tờ Le Sygne bị đóng cửa, chủ nhiệm bị đưa ra tòa và lãnh án 6 tháng tù, bị phạt 2.000 quan (tiền Pháp).

Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Vỹ

Năm 1941, Nguyễn Vỹ lại viết những bài chống cả Nhật lẫn Pháp. Năm 1942, ông bị Nhật bắt giam.

Sau 15 hôm ở tù, ông vượt thoát được một ngày thì bị Pháp bắt lại rồi đày vào trại tù Trà Khê thuộc tỉnh Phú Yên. Tròn 3 năm ở tù tại đây đến năm 1945 ông mới được phóng thích.

Ra khỏi tù, ông sáng lập tờ báo Tổ quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo bị đóng cửa. Sau đấy, Nguyễn Vỹ lại cho ra tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Đại.

Chẳng bao lâu, báo Dân chủ cũng chung số phận với báo Tổ quốc. Đến năm 1952, một nhật báo khác cũng do Nguyễn Vỹ chủ trương là tờ Dân ta ra đời và kéo dài được đến năm 1965. Từ 1967 Nguyễn Vỹ chỉ còn chủ trương tạp chí Phổ thông chuyên về văn hóa nghệ thuật.

Ngoài ra, ông còn cho ra các tuần báo Bông Lúa, Thằng Bờm... dành cho bạn đọc trẻ em.

Ngày 4/2/1971, ông đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông để lại nhiều tiếc thương trong lòng bạn đọc cũng như báo giới Sài Gòn.

Nhà thơ cách tân

Ngay từ tập Tập thơ đầu ra mắt năm 1934, Nguyễn Vỹ đã nổi danh với hai bài thơ điển hình: Sương rơiGửi Trương Tửu. Một câu thơ của ông đã gây “sốc” trong toàn bộ làng văn lúc bấy giờ là câu “Nhà văn An Nam khổ như chó”.

Từ năm 1941, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã không chịu sự cách tân thái quá của ông trong thơ. Hoài Thanh viết: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại chưng hửng vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, ta thấy con người ấy không có gì. Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ, táo bạo không đủ đưa người ta ra khỏi cái tầm thường”.

Tuy nhiên, Hoài Thanh cũng thừa nhận hai bài Sương rơiGửi Trương Tửu là tuyệt tác với lời bình như sau: “Một bài như bài Sương rơi được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chầm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ.

Nhưng Gửi Trương Tửu mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Trong lúc say, Nguyễn Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người là cái tật lòe đời. Người dùng một lối thơ rất bình dị, rất xưa... Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người, đó là hạng sống bằng nghề văn…

Nguyễn Vỹ đã làm bài thơ này trong một lúc vô cùng buồn giận vì cái nghiệp văn chương. Những ai cùng một cảnh huống xem thơ tưởng có thể khóc lên được. Trong lời văn còn chút nghênh ngang từ đời xưa lưu lại. Nhưng ta đã xa lắm rồi cái kiêu ngạo phi thường của Lý Thái Bạch chỉ biết có văn chương còn khinh hết thảy.

Với Nguyễn Vỹ, chúng ta đã mất hẳn cái cười kiêu ngạo ấy và ngơ ngác thấy nhà văn xếp hàng cùng với… chó. Cái lối xếp hàng kỳ quái ấy đã làm phật ý Tản Đà.

Một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”. Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?”. 

Năm 1962, Nguyễn Vỹ xuất bản tập thơ thứ hai Hoang vu tại Sài Gòn. Các nhà phê bình Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, trong cuốn Việt Nam thi nhân tiền chiến (NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968) nhận định: “Về tài thơ, ta thấy thơ của ông được cấu tạo dễ dàng, không gò ép... Điều đáng chú ý là ông như muốn đưa những thể mới, có tác dụng gây xúc cảm, có âm điệu du dương, hợp tình để gợi tình và tả chân mạnh hơn.

Về ý thơ, Nguyễn Vỹ đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn táo bạo. Điều này khiến thơ của ông thoát ra khỏi lối thường tình, cổ điển và cũng chứng tỏ ông là con người có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh thiết thực do lòng mình suy tưởng...

Phần đông thi sĩ thường đem khung cảnh lãng mạn, chuyện tình ái vào thi ca, nhưng với Nguyễn Vỹ, có thể nói nhà thơ không lấy tình yêu làm đối tượng, vì thế thơ ông có một đường nét độc đáo riêng biệt.

Luôn mong muốn đem đến những cái mới lạ cho thơ VN, Nguyễn Vỹ đề xướng trường phái thơ Bạch Nga trên tạp chí Tiểu thuyết Thứ Năm ở Hà Nội từ thập niên 1930.

Sau này trên tạp chí Phổ thông xuất bản ở Sài Gòn, ông tiếp tục đề xướng trường phái thơ này, thậm chí thành lập Tao đàn Bạch Nga với thể thơ hình đối xứng, đó là bài thơ mang dạng hình học, các hình ảnh ngộ nghĩnh, khi viết hoặc in trên giấy giống như những bức họa, hoặc có hình lục lăng, tứ giác, hình thoi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.