Nhà thờ Bùi Chu và “bài toán” hạ giải

Nhà thờ Bùi Chu và “bài toán” hạ giải

Dẫu vậy, “bài toán” hạ giải nhà thờ như thế nào để vừa giữ được kiến trúc xưa vừa đáp ứng được nhu cầu hành lễ của giáo dân vẫn tiếp tục được các chuyên gia kiếm tìm lời giải...

Cần sự bền vững

Những ngày này, giáo dân của nhà thờ Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đang nhộn nhịp với công việc thu dọn nội thất của nhà thờ chính tòa. Theo thông tin từ Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu, chỉ vài ngày tới, nhà thờ này sẽ được hạ giải, xây mới giống như nhà thờ cũ.

Thực ra, việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu đã được đưa ra từ tháng 5 năm 2019. Song đề xuất vấp phải ý kiến của các chuyên gia đánh giá đây là một công trình có kiến trúc độc đáo với “tuổi đời” hơn trăm năm.

Trước thực tế đó, nhà thờ Bùi Chu đã ra thông báo hoãn lại để “lắng nghe ý kiến các linh mục hữu trách và những người thành tâm thiện chí”.

Trong suốt thời gian hoãn lại ấy đã có các cuộc kiểm tra, khảo sát cùng những đề xuất phương án trùng tu nhà thờ này. Trong đó đáng chú ý là đề xuất của Viện Bảo tồn di tích với hai phương án: Trùng tu cục bộ theo nguyên trạng và trùng tu triệt để, hạ giải toàn bộ nhà thờ đến tận nền móng cũ. Như vậy, có thể thấy, công tác chuẩn bị hạ giải nhà thờ Bùi Chu hiện nay được thực hiện theo phương án thứ hai do Viện Bảo tồn di tích đề xuất.

Theo họa sĩ Trần Từ Thành, nhà thờ Bùi Chu đã xuống cấp nghiêm trọng, rình rập những nguy hiểm không thể lường trước được khiến giáo dân ở đó lo ngại. Vậy nên, cũng có thể hạ giải để xây lại nhà thờ này theo bản thiết kế ban đầu để vừa bảo đảm kiến trúc truyền thống, vừa hiện đại, an toàn.

Thế nhưng, ông Thành không khỏi lo lắng khi dẫn ra thực tế ở Việt Nam nhiều năm nay liên tục có những kế hoạch trùng tu, sửa chữa nhiều chùa chiền.

Tuy nhiên, nhiều công trình sửa xong thì nhân dân phàn nàn vì không bảo đảm được bản thiết kế cũ, bị lai căng, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Có những công trình bị phá vỡ không gian, làm hoành tráng, sử dụng và thêm thắt chất liệu một cách thô thiển không phù hợp với kiến trúc cổ.

Vậy nên, ông Thành cho rằng, khi hạ giải nhà thờ Bùi Chu – xuất phát từ nhu cầu của giáo dân rất cần phải nắm chắc và phải bảo đảm 90% hoặc 80% theo bản cũ thì mới nên làm. Có thể khi đó, chất liệu mới hơn, làm đẹp hơn, song về mặt kiến trúc vẫn phải giữ được những nét truyền thống và bảo đảm được tính bền vững của công trình.

Còn nếu việc hạ giải không bảo đảm được những điều đó thì không nên làm. Khi cái cũ bị phá vỡ rồi mới vội vàng làm lại sẽ rất tốn công, tốn của, mất thời gian mà chắc gì đã lấy lại được những gì đã bị phá mất.

“Nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà thờ Bùi Chu của giáo dân là chính đáng, không làm trước thì sẽ phải làm sau. Thế nhưng, làm như thế nào lại là một việc rất cần sự tính toán cẩn trọng, chắc chắn thông qua việc duyệt kỹ để lựa chọn các phương án, các bản thiết kế tối ưu nhất.

Dù chỉ là công trình của một giáo phận song rất cần sự tham gia của kiến trúc sư có tâm có tầm, chứ không phải chỉ là công việc của những người thợ ở địa phương” – họa sĩ Trần Từ Thành nhấn mạnh.

Nên tôn trọng quá khứ

Góp thêm ý kiến về việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu, KTS Hoàng Thúc Hào, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ông chưa trực tiếp tới thực địa tại nhà thờ Bùi Chu song theo ông, việc hạ giải nhà thờ này nên tôn trọng nhất có thể những cái quá khứ đã có.

Cần hạ giải bằng phương pháp xây dựng, công nghệ như thế nào để giữ lại được tối đa những di sản, những ký ức của quá khứ, những giá trị văn hóa hiển hiện ở đó là tốt nhất.

Ông Hào cho rằng, nếu kiến trúc nhà thờ còn tốt thì nên gia cố, gia cường, không nên phá dỡ hẳn nhà thờ. Việc phá dỡ chỉ nên thực hiện khi chứng minh được công trình đó không còn đủ lực, đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập, có thể hỏng bất cứ lúc nào.

Là người học master ở Đại học Bách khoa Turin (Italia) về lịch sử phân tích và bảo tồn những giá trị kiến trúc - văn hóa, nhân đây, KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ thêm về kinh nghiệm bảo tồn di sản của đất nước này.

Theo ông, việc bảo tồn di sản ở Italia được thực hiện rất kỹ lưỡng và khoa học. Các chuyên gia thực hiện công tác bảo tồn qua việc chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán “bệnh” rồi mới tiến hành “phẫu thuật”.

Đấy là việc đưa từng vật liệu (gạch, gỗ...), từng lớp vôi vữa, lớp màu, lớp gạch lát, nền móng... của công trình cũ vào phòng thí nghiệm. Từ đó, các chuyên gia phân tích rất kỹ thành phần lý tính, hóa tính của các loại vật liệu để phát hiện ra những vật liệu tương đồng của ngày xưa với ngày nay cũng như đưa ra các phương án chống thấm, chống nồm như thế nào. Họ làm rất cẩn trọng, công phu, từng tí một, trả giá bằng thời gian rất mất công.

“Theo tôi, nên bảo tồn tối đa nhà thờ Bùi Chu là tốt nhất. Cần học tập cách bảo tồn của Italia – cách bảo tồn tác động, can thiệp một cách rất tinh tế và luôn tôn trọng tối đa hết mức có thể cái cũ. Tất nhiên, sự tôn trọng này cũng phải trên cơ sở an toàn, không được vì khư khư giữ cái cũ mà để kết cấu sập” – kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh.

Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1884 bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận. Theo thông tin từ Viện Bảo tồn di tích, qua đánh giá kiểm định, nhà thờ Bùi Chu đã xuống cấp ở mức báo động (mức C).

Cụ thể, dù nhà thờ vẫn còn lưu giữ được nhiều thành phần trang trí từ thuở ban đầu khởi dựng, song qua hai lần trùng tu vào năm 1974 và 2000 đã làm thay đổi kiến trúc công trình.

Riêng về tình trạng kỹ thuật, kiến trúc mặt ngoài nhà thờ bị biến đổi, tháp chuông bị nghiêng khoảng 2 độ và có nguy cơ sụp đổ, hệ tường bao quanh xuất hiện vết nứt và có hiện tượng nghiêng, vặn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ