Nhà ở xã hội: "Tàu phá băng" mắc kẹt

Nhà ở xã hội: "Tàu phá băng" mắc kẹt

(GD&TĐ) - Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, với trọng tâm phát triển nhà ở xã hội là một trong những giải pháp đã và đang được Bộ Xây dựng triển khai nhằm “phá băng” thị trường bất động sản. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có những chia sẻ các định hướng để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng như nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội hiện nay.

Nhà ở xã hội dành cho người nghèo mới dừng lại ở điểm xác định được nhu cầu Ảnh: Tuấn Hải
Nhà ở xã hội dành cho người nghèo mới dừng lại ở điểm xác định được nhu cầu                                                          Ảnh: Tuấn Hải

Thiếu trầm trọng

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình đề án để cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược. Trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội hướng vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của 08 đối tượng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở, quy định trong Chiến lược. Tiến hành tổng kết các chương trình phát triển nhà ở xã hội thời gian vừa qua và nghiên cứu, đề xuất thực hiện cho giai đoạn tiếp theo

Từ nửa cuối năm 2012 khi bắt đầu triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng đã khẩn trương chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương rà soát, xác định nhu cầu nhà ở xã hội; xây dựng chương trình phát triển nhà ở của địa phương phù hợp với nội dung Chiến lược và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ký kết hợp tác triển khai Chiến lược với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, từ nay đến năm 2015, trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Trong đó, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn, cụ thể như sau: Hà Nội cần 111.200 căn; TP. Hồ Chí Minh cần 134.000 căn; Đà Nẵng cần 16.000 căn; Đồng Nai cần 95.000 căn; Bình Dương cần 104.000 căn… Riêng nhu cầu nhà ở xã hội của cán bộ, công chức 25 bộ, ngành tại khu vực Hà Nội cần khoảng 30.000 căn.

Mới đáp ứng được… 1/10 nhu cầu

Trước nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu. Theo Bộ trưởng Dũng, đến nay trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng (trong đó có: 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng).

Một số Chương trình phát triển nhà ở xã hội có quy mô lớn đã được triển khai, cụ thể như: Tổng công ty Becamex IDC thực hiện Đề án nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, gồm 37 dự án với tổng mức đầu tư 10.830 tỷ đồng, quy mô 64.000 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 2,7 triệu m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho trên 125.000 người, hiện đã hoàn thành 4.700 căn. Tổng công ty IDICO - Bộ Xây dựng triển khai Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai với tổng mức đầu tư 758 tỷ đồng, quy mô gần 3.500 căn hộ, diện tích xây dựng hơn 170.000 m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho hơn 8.000 công nhân; mục tiêu đến năm 2020 dự kiến đầu tư khoảng 20.000 căn hộ... Dự kiến trong tháng 6/2013 sẽ có 05 dự án nhà ở xã hội mới được khởi công tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Quy Nhơn - Bình Định, TP. Vinh - Nghệ An.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, cái “được” lớn nhất tính cho đến thời điểm này của việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là đã cơ bản xác định nhu cầu về nhà ở xã hội của các địa phương. Các cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội được các ngành, các cấp, các địa phương; doanh nghiệp và người dân rất quan tâm, ủng hộ. Hàng loạt các dự án phát triển nhà ở xã hội được triển khai thời gian qua không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có nhà ở, mà còn góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Bộ trưởng cho biết, hiện một số địa phương trọng điểm có nhu cầu cao về nhà ở xã hội đã lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2012-2015 như: Hà Nội đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 4.700.000 m2 sàn, tương đương với khoảng 100.000 căn hộ, TP.HCM phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng  2.700.000 m2 sàn nhà ở xã hội (mỗi năm khoảng 675.000 m2 sàn) tương đương với khoảng 67.000 căn hộ.


Thiết Lĩnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ