(GD&TĐ) - Sáng nay ngày 19/12, tại Hà Nội Bộ GG-ĐT đã phối hợp với tổ chức Pháp ngữ (OIF) tổ chức Hội thảo quốc gia Vai trò điều tiết của Nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng và công bằng giáo dục. Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á- Thái Bình Dương (OIF) Anissa Barrak, đại diện Đại sứ quán Pháp, Canada, tổ chức Pháp ngữ cùng gần 100 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các chuyên gia GD trong nước.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo |
Đây là dự án của OIF nhằm hỗ trợ một nhóm gồm 8 nước đầu tiên thảo luận về vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc qui định một số nguyên tắc và xác định các chỉ số đảm bảo chất lượng, công bằng về các dịch vụ GD. Đồng thời tạo ra sự đồng thuận của tất cả các đối tượng thamgia GD đối với mục tiêu chính sách GD tại khu vực đó.
Đặc biệt, ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và xã hội hóa GD, việc xác định hướng đi và cách thức để hỗ trợ các chính phủ xây dựng và duy trì những chính sách quốc gia đảm bảo lợi ích chung trong lĩnh vực GD-ĐT cho mọi thành phần tham gia vào hệ thống GD, dù là công hay tư, đáp ứng được các mục tiêu đề ra của chính sách GD với mong muốn đảm bảo một nền GD có chất lượng cho tất cả mọi người, trên cơ sở vẫn giữ nguyên tắc linh hoạt, hiệu quả và hài hòa giữa sự tự chủ của các cơ sở GD và việc tuân thủ định hướng và tiêu chí của chính sách giáo dục quốc gia.
Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương (OIF), bà Anissa Barrak chia sẻ: Việt Nam là một trong số 8 nước thành viên của OIF. Dự án nhằm làm nổi bật vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực GD, dù là GD công hay tư, tất cả các cơ sở GD phải hướng tới mục tiêu GD cho tất cả mọi người, từ GDMN đến GD trung học. Do vậy, tất cả các cơ sở GD đều phải đáp ứng yêu cầu chung, đảm bảo tiết chế công ích của GD, giúp các chính phủ duy trì chính sách quốc gia, đảm bảo lợi ích chung về lĩnh vực GD-ĐT, góp phần xây dựng các biện pháp điều tiết.
Nhất là hiện nay, nhiều quốc gia trong lĩnh vực GD tư nhân phát triển đem lại hiệu quả cao trong vai trò GD cho mọi người. Vì vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm, có cơ chế kiểm soát chất lượng và công bằng GD, giúp GD tư nhân tham gia và triển khai các chính sách GD của Nhà nước, đưa ra những qui định chung, có quyền thực thi, quyền kiểm soát văn bằng cấp ra.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việt Nam đã đăng ký tham gia dự án nghiên cứu về vai trò điều tiết của Nhà nước trong việc cung cấp một nền GD có chất lượng cho tất cả mọi người.
Sự phát triển của kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập, Việt Nam đứng trước thách thức tăng giãn khoảng cách giàu nghèo. Các dịch vụ GD phổ thông cũng trở nên đa dạng. Bên cạnh trường công lập, có cả trường dân lập, trường tư thục, hệ thống trường PTDTNT, trường chuyên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trường PTDTBT hỗ trợ HS vùng sâu, vùng xa, KT-XH khó khăn nhưng cũng sẽ có trường chất lượng cao đáp ứng nguyện vọng một bộ phận gia đình có điều kiện đầu tư cho con em.
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để có một nền GD có chất lượng cho tất cả mọi người. Cụ thể, Làm thế nào để luôn coi GD là “Dịch vụ công”? Làm thế nào để Nhà nước điều tiết hiệu quả chất lượng và công bằng GD? Làm thế nào để huy động được mọi nguồn lực và sáng kiến, ý tưởng của tất cả các đối tượng tham gia làm GD hướng tới mục tiêu đảm bảo một nền GD có chất lượng cho tất cả mọi người?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển mong muốn thông qua Hội thảo này, nhiều sáng kiến, ý tưởng mới sẽ đưa ra giúp Việt Nam trong thời gian nhanh nhất có được một nền GD có chất lượng cho tất cả mọi người.
Các đại biểu dự Hội thảo |
Hội thảo diễn ra trong ba ngày. Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận nhóm các chuyên đề cơ bản sau: Sứ mạng của hệ thống GD và khung tham chiếu- Khái niệm về công bằng, chất lượng và điều tiết; Xem xét, sửa đổi liệt kê các loại hình cơ sở GD và đặc điểm của từng loại cơ sở GD; Các công cụ điều tiết hiện nay, thành công và hạn chế của các công cụ đó; Các nội dung cần điều tiết ưu tiên, giải pháp, công cụ pháp lý; Ý kiến góp ý của đại biểu.
Việt Hoa