Vợ chồng ông Phạm Minh |
(GD&TĐ) - Nói về sự học hành của con em các hộ gia đình ở địa phương, ông Phạm Doãn Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) tự hào: “Xã này tuy còn nghèo, nhưng người dân rất coi trọng chữ nghĩa, nhiều gia đình là tấm gương hiếu học. Trong đó, gia đình ông Phạm Minh ở thôn 3, gia cảnh rất khó khăn nhưng đã nuôi dạy 6 con học đại học và thành tài…”
Chông chênh vạn nẻo mưu sinh
Trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 nhỏ thấp, chật chội; phía trước nhà là một cái quán nhỏ - chiếc “cần câu” để gia đình này kiếm sống qua ngày và gom góp từng đồng tiền lẻ ít ỏi để lần lượt cho 6 đứa con vào Đại học của vợ chồng ông Phạm Minh.
Khi biết PV phỏng vấn viết báo, ban đầu ông Minh muốn từ chối. Người nông dân quê miền Trung này vốn không thích nói về mình bởi nhiều lẽ họ không nhiều chữ nghĩa, khiêm tốn và thấy việc lo cho con cái ăn học là việc bình thường của các bậc cha mẹ trước nay….
Ông Minh bùi ngùi kể lại, quê cũ của hai vợ chồng ông ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Do điều kiện sản xuất ở quê quá khó khăn, nhà lại đông con; để có cơ hội nuôi sống gia đình và cho các con ăn học, năm 1975 vợ chồng ông Minh quyết định đi xây dựng KTM và đến lập nghiệp tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm - một huyện mới được tách ra từ thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Sau 5 năm sinh sống trên quê mới dù lao động cật lực vẫn cứ nghèo, năm 1979 vợ chồng ông Minh chuyển về xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai sinh sống. Tại đây, ông Minh tham gia công tác tại UBND xã, còn vợ làm thuê cuốc mướn và làm rẫy, nuôi dạy các con học hành.
Mười năm sau đó (năm 1989), ông Minh thôi không làm việc ở xã, cuộc sống gia đình tiếp tục khó khăn, vợ chồng ông một lần nữa “bồng bế” đưa nhau về thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai sinh sống và bám trụ cho đến bây giờ…
Học tập “phương kế” thoát nghèo
Thu nhập từ nương rẫy, chăn nuôi, từ việc bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ (kể cả đi làm thuê…) và dù chắt chiu đến mấy cũng không đủ chi tiêu trong gia đình và việc học hành của các con; Song, vợ chồng ông Minh suy nghĩ: “Muốn các con sau này thoát cảnh đói nghèo như đời cha mẹ chúng không cách nào khác là phải cho chúng ăn học thành tài…”.
Sau nhiều đêm suy tính, trăn trở ông Minh đã bàn với vợ: Phải xoay xở mọi cách và vay mượn nhiều nơi để cho con học tập đến cùng. Nhờ các đoàn thể ở địa phương quan tâm lập dự án vay vốn Ngân hàng CSXH hỗ trợ cho học sinh, sinh viên (theo chủ trương của Chính phủ) và sự thương yêu giúp đỡ của bà con trong thôn, trong xã đã cho mượn, cho vay…
Đến nay, cả 6 người con của vợ chồng ông Minh đều bước vào cổng trường đại học; Trong đó, có 4 con hiện nay đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm tại một số doanh nghiệp có tên tuổi ở TP Hồ Chí Minh với mức thu nhập khá cao, ổn định.
Với những năm tháng nỗ lực vượt nghèo, nuôi dạy 6 con đều ăn học thành đạt, nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Minh đã được các cấp chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Đạ Huoai và tỉnh Lâm Đồng tuyên dương “Gia đình hiếu học tiêu biểu”.
Ông Minh tâm sự: Các con của ông đều có chí, hiếu học và học giỏi; vợ chồng ông thường động viên các con phải xác định rõ động cơ của việc khổ cực trong học tập hôm nay là để ngày mai có việc làm, có thu nhập tự vươn lên bằng chính sự nỗ lực của mình; không có kiến thức thì suốt đời sẽ nghèo đói…
Thanh Dương Hồng