(GD&TĐ) - Trạm y tế luôn trống không, phòng trông giữ trẻ không một bóng người, nhiều ngôi nhà của các hộ gia đình trẻ bỏ hoang cho cỏ dại xâm lấn… là những hình ảnh đáng buồn tại Làng thanh niên lập nghiệp (LTNLN) Sông Chàng (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa). Còn quá nhiều điều bất cập khiến các hộ dân chưa thể an cư, dù dự án được kỳ vọng giúp thanh niên vững vàng làm giàu trên vùng kinh tế mới.
Bỏ làng lập nghiệp đi làm thuê
Dự án LTNLN Sông Chàng do Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư vào 10/2007 được Tỉnh Đoàn Thanh Hóa khởi công năm 2008 tại xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân). Làng được xây dựng ven đường Hồ Chí Minh, trên diện tích 600 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là thu hút khoảng 150 hộ gia đình trẻ đến đây sinh sống, phát triển kinh tế. Theo như dự án Làng có nhà văn hóa, nhà trẻ - mẫu giáo, trạm y tế...
Phòng trông trẻ bỏ hoang trong khi trẻ em phải đi học nhờ xã khác |
Mỗi đoàn viên thanh niên (hoặc gia đình đoàn viên thanh niên) định cư ở LTNLN Sông Chàng sẽ được cấp 400m2 đất ở, được cấp đất trồng mía, cao su… Dự án được kỳ vọng không chỉ giúp thanh niên đến ở Làng thoát nghèo mà còn có thể làm giàu ngay trên vùng đất mới. Tuy nhiên, đến LTNLN Sông Chàng vào thời điểm này người ta không khỏi lo lắng, bởi các gia đình nơi đây chưa thể an cư trên vùng đất mới. Khoảng hai mươi căn nhà vắng bóng chủ nhân, cửa khóa im ỉm. Trong số đó, nhiều ngôi nhà có lẽ đã không có người ở khá lâu nên cỏ dại đã mọc bao kín đường đi lối lại, sân vườn chỉ toàn cỏ dại. Vài căn nhà ngay khu trung tâm, mối mọt đã bắt đầu xâm hại lên phần cửa gỗ, vách nhà. Cũng có không ít nhà đang xây dựng dang dở, chưa hoàn thiện cũng chịu chung số phận… hoang phế. Mấy ngôi nhà này, cái thiếu cửa, cái chưa lợp mái, cái thì mới xây xong phần tường. Nhìn những cảnh ấy chỉ thấy sự hoang tàn, lạnh lẽo.
Ngay phía sau căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Hương, quê cũ ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa là một căn nhà thuộc diện bị bỏ hoang lâu nhất, cỏ dại đã sắp phủ kín ngôi nhà. Cửa chính của ngôi nhà này như chỉ chực chờ để rơi ra khỏi bản lề sắt hoen gỉ, ụ mối ngay trước nhà bắt đầu bám lấy cánh cửa. Em trai chị Hương cho hay: “Ở đây khá lâu rồi nhưng em cũng không biết tên hàng xóm nhà mình là gì, quê ở đâu, từ khi xây xong căn nhà ấy là không thấy chủ nhà đến nữa.” Ghé thăm nhà anh Quách Văn Hùng (quê xã Yên Lễ, huyện Như Xuân). Ngôi nhà nằm ở góc đồi cao nhất Làng. Cả anh Hùng và vợ, chị Nguyễn Thị Hà đều đi vắng. Trong căn nhà tuềnh toàng chỉ có bà Nguyễn Thị Lệ (mẹ anh Hùng) và hai đứa trẻ nhỏ tự chăm sóc nhau. Bà Lệ cho biết: “Hai vợ chồng chúng nó dắt nhau đi làm thuê từ sáng sớm, hai đứa nhỏ ở nhà với tôi. Đứa lớn học lớp 1, đứa nhỏ mới năm tháng tuổi. Sáng sớm mẹ cháu cho đứa nhỏ bú rồi đi làm thuê cùng chồng, đến trưa mẹ nó về ăn cơm, cho con bú, đầu giờ chiều hai vợ chồng lại đi làm tối mịt mới về. Tôi thương đứa nhỏ mới mấy tháng tuổi mà mẹ đã phải bỏ ở nhà để đi làm thuê, nhưng không làm không có tiền chi tiêu nên đành phải chấp nhận”. Cạnh nhà bà Lệ cũng có hai căn nhà khác bị bỏ hoang nằm san sát nhau. Bà Lệ bảo: “Tôi cũng chỉ biết căn nhà gỗ của chủ nhà tên Vốc, nhà xây cấp bốn là của cô Diệu. Lâu lắm chẳng thấy ai ghé về đây”.
Bỏ con nhỏ ở nhà, vợ chồng anh Quách Văn Hùng phải đi làm thuê kiếm sống |
Không chỉ có nhà ở của các gia đình trẻ, các công trình hạ tầng cơ bản tại LTNLN Sông Chàng cũng đang bị bỏ không và đang xuống cấp. Khu nhà được xây làm trạm y tế tại LTNLN Sông Chàng khá khang trang nhưng có đầy đủ 3 không: Không hề có hoạt động khám chữa bệnh; không thấy một cán bộ nhân viên y tế nào có mặt; không hề có bất kỳ phương tiện, vật tư y tế nào.
Do bị bỏ không từ lâu nên trạm y tế cũng không phải ngoại lệ: Nước mưa ngấm vào tường nhà tạo ra những khoảng rêu bám xanh rì. Vì trạm y tế không hoạt động nên dân LTNLN Sông Chàng mỗi khi ốm đau đành phải chuyển đến trạm y tế của các xã lân cận. Chung số phận với trạm y tế, phòng trông giữ trẻ mầm non cũng xây dựng xong rồi bỏ đó mà không đưa vào sử dụng. Chưa có lớp học nên con em của Làng muốn đi học phải lịch kịch từ sáng sớm vào học nhờ tại các khu trường của hai xã Xuân Hòa và Xuân Quỳ.
Chưa thể an cư
Được biết, đất sản xuất bàn giao cho các hộ dân tại làng đang còn thiếu so với dự định ban đầu. Nhiều hộ gia đình nhận đất làm nhà nhưng chưa được phân bổ đất sản xuất. Những hộ được phân đất sản xuất lại chưa đủ diện tích, mới chỉ có đất trồng mía. Ngoài đất trồng mía, đất trồng cao su (chưa được bàn giao đủ), dân không có đất để canh tác lúa, hoa màu, để tự chủ nguồn lương thực.
Trạm y tế bỏ hoang, xuống cấp |
Cũng vì chỉ “độc canh” trồng mía nên thời gian nhàn rỗi bất đắc dĩ của các hộ thường kéo dài, nghề phụ lại không có nên nhiều hộ đã đóng cửa nhà mà đi làm thuê. Chịu chung cảnh giá mía thấp trong vụ 2012 - 2013 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cư dân Sông Chàng càng gặp khó khăn và điêu đứng hơn. Nguồn thu nhập duy nhất đều trông chờ vào cây mía lại cho “quả đắng”, như dội một gáo nước lạnh vào “sức sống” của dân làng.
Một khó khăn nữa đối với các hộ gia đình đến LTNLN Sông Chàng sinh sống là nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất để an cư. Theo các hộ dân, khi lên Làng họ một lô đất thổ cư 400m2. Tuy nhiên, để xây được một ngôi nhà trên phần đất được giao không hề đơn giản. LTNLN Sông Chàng nằm trên triền đồi khá dốc, sau khi nhận đất các hộ dân phải tự bỏ vốn san lấp mặt bằng để xây nhà. Ai nhiều tiền thì xây nhà to, ít vốn thì dựng tạm căn nhà nhỏ, có gia đình đã bỏ ra gần 100 triệu đồng mà căn nhà gạch ba gian vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều căn nhà đang xây dựng thì hết tiền nên đành bỏ dở công trình, chủ nhà chấp nhận đi làm thuê nơi khác. Người về quê gốc, kẻ tìm việc phương xa, người thì tranh thủ vào các khu dân cư trong vùng bán sức lao động. Tình trạng trên khiến nhiều ngôi nhà ở LTNLN Sông Chàng luôn trong tình trạng vắng chủ nhà, cửa khóa im ỉm.
Anh Lê Văn Trung - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa cho biết hiện nay đã có 141 hộ gia đình trẻ đến sinh sống tại LTNLN Sông Chàng. Theo anh Trung thì có khoảng 10% số hộ tại LTNLN Sông Chàng đang bỏ hoang nhà ở. Liên quan đến trạm y tế, phòng trông giữ trẻ bị bỏ hoang, anh Trung cho rằng dự án chỉ cấp tiền xây dựng phòng mà không cung cấp trang thiết bị, kinh phí duy trì hoạt động nên xảy ra tình trạng trên. Được biết, các hộ dân ở LTNLN Sông Chàng vẫn chưa được nhập khẩu vào xã Xuân Hòa dẫn đến nhiều vướng mắc trong các thủ tục hành chính. Hiện tại các hộ dân cũng chưa có sổ đỏ bởi việc giao đất cho các hộ chưa hoàn thành. Đây là một cản trở lớn khi các hộ muốn thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng lấy vốn phát triển kinh tế.
141 hộ gia đình trẻ đến với LTNLN Sông Chàng để định cư, làm ăn sinh sống, mang sức trẻ đi khai phá vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, những ngôi nhà bỏ hoang là minh chứng chua xót cho hiệu quả của dự án. Hơn lúc nào hết những gia đình trẻ ở LTNLN Sông Chàng cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ có trách nhiệm hơn nữa từ nhiều phía. Có như vậy tình trạng bỏ hoang nhà sẽ không phát sinh thêm nữa và các hộ gia đình trẻ vững vàng “an cư lạc nghiệp” trên vùng kinh tế mới.
Hoàng Dũng