Nhà giáo và những "cung đường học"

Nhà giáo và những "cung đường học"

(GD&TĐ) - “Cặp đôi của những cung đường” là câu nói vui của bạn bè và đồng nghiệp về thầy Nguyễn Xuân Ích và cô Hoàng Phương Ngọc, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Thầy dạy Lý, hiện là Phó hiệu trưởng nhà trường, cô dạy Hóa, giữa họ không chỉ có sự tương đồng về chuyên môn, hai người còn chung một niềm đam mê chinh phục những cung đường.

Nhấn nút F5!

Cùng với các đồng nghiệp, hai thầy cô thường dành những ngày nghỉ lễ, ngày phép hiếm hoi để tổ chức những chuyến đi, vừa làm tươi mới lại sức sống, vừa để hiểu biết thêm về quê hương đất nước. Ít khi thuê tour trọn gói, cô giáo Ngọc thường mày mò tự tìm cung đường, thuê xe, tìm kiếm nhà trọ tốt, quán ăn ngon cho cả đoàn. Nhanh nhẹn, đảm đang và tháo vát trong các chuyến đi, cô giáo Ngọc đã trở thành “chuyên gia” tổ chức từ lúc nào không biết.

Các thầy cô trên nóc hầm tướng De Castries ở Điện Biên Phủ
Các thầy cô trên nóc hầm tướng De Castries ở Điện Biên Phủ

Ngoài hai thầy cô, nhóm các nhà giáo kề vai sát cánh “trên từng cây số” của Trường THPT Việt Đức khá đông. Thầy Tiến dạy Lý, cô Hoa dạy Địa, cô Tính dạy Giáo dục công dân, cô Hiền dạy Văn, cô Vân dạy Địa… là những người luôn có mặt trong các chuyến đi của nhóm, kể cả những chuyến đi kéo dài 5, 6 ngày. Những chuyến đi ngắn ngày lại càng có đông người tham gia hơn. Từ Hà Nội, nhóm các nhà giáo đã chinh phục khá nhiều cung đường phía Bắc, như Hà Giang với các điểm đến Đồng Văn, qua Thiên hạ đệ nhất đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ với dòng Nho Quế bé xíu như một sợi chỉ xanh vắt ngang những dãy núi đá tai mèo hiểm trở, sang Mèo Vạc, cửa khẩu Thanh Thủy; đi Cao Bằng thăm hang Pắc Bó, ngỡ ngàng trước Thác Bản Giốc đổ từ độ cao 30 với ba luồng nước tung bọt trắng xóa như một đàn ngựa bờm trắng dũng mãnh trên sông Quây Sơn, sững sờ trong động Ngườm Ngao với vô số nhũ đá to nhỏ mọc từ dưới lên, đổ từ trên xuống đan xen… đi Yên Bái với Mù Cang Chải mù sương, hồ Thác Bà mênh mông nước biếc; Lai Châu với Tam Đường, Phong Thổ; rồi Điện Biên với Mường Lay, Mường Nhé…

Phóng tầm mắt nhìn xa, rộng!

Kỳ công nhất là chuyến đi Lào – Thái Lan. Nói là “kỳ công” bởi phải khéo léo lắm, mọi người trong đoàn mới có thể thu xếp công việc để cùng tham gia chuyến đi kéo dài suốt 6 ngày 5 đêm. Từ đêm, xe khởi hành từ trước cổng Đại sứ quán Lào tại Hà Nội, 3 giờ chiều hôm sau đã đến Viêng Chăn, “Thành phố mặt trăng” - thủ đô nước Lào. Ngay ngày hôm sau, cả nhóm thuê ô tô sang Udon, Thái Lan, shopping thỏa thích tại các siêu thị Big C, Lotus. Chiều cùng ngày, cả nhóm quay về và dành cả ngày hôm sau để khám phá Viên Chăn, chiêm ngưỡng Khải hoàn môn Patuxay – biểu tượng chiến thắng của người Lào, được xây dựng theo mô hình Khải hoàn môn ở Paris, nhưng với motip trang trí truyền thống của Lào như nữ thần Kinnari nửa người nửa chim và những phù điêu mô tả trường ca Rama…; thăm đền Thạt Luổng được xây dựng từ thế kỷ 16 - kiến trúc tiêu biểu của văn hóa Phật giáo Tiểu thừa Lào. Cách thành phố khoảng 25km là Công viên Phật Salakeoku, được xây dựng vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, với hàng trăm tượng Phật trong nhiều tư thế khác nhau, miêu tả các truyền thuyết Phật giáo Hindu. Kỳ lạ nhất là điểm du lịch Si Mương, nơi có một ngôi mộ cổ và một đôi hạc trắng ngày ngày về đậu nơi đây từ không biết bao nhiêu năm. Người địa phương nói đó là những “cụ hạc” thiêng, bảo trợ cho cả vùng đất nơi này...

Huấn luyện “tay lái mới” trên đường Hà Giang
Huấn luyện “tay lái mới” trên đường Hà Giang
Chuyến đi Lào – Thái Lan hoàn toàn tự túc, với chi phí khoảng 8 triệu đồng mỗi người (trong đó có 2 chặng di chuyển bằng đường không). Với nhiều chuyến đi trong nước ngắn khoảng 3 ngày, thì chi phí tối đa chỉ hơn 2 triệu đồng/ người.

Tạm biệt Viêng Chăn nhỏ bé, dịu dàng, thanh bình và mến khách, với những bữa cơm giản dị, đúng kiểu Lào với thịt gà và xôi ống nứa, 4 giờ chiều, cả đoàn ra sân bay đi Luông Pha Băng. Nép mình bên sông Nậm Tha và Mekong, trong ánh hoàng hôn, cố đô mang một vẻ đẹp vô cùng tĩnh lặng, thanh khiết, với khu phố cổ rêu phong bình yên bên những cụm cây cối um tùm, với hoàng cung Luông Pha Băng cổ kính, những ngôi chùa, tượng Phật một màu vàng trầm mặc… Với các thầy cô, điểm thú vị nhất, nguy hiểm nhất, nhưng cũng ấn tượng và thỏa mãn nhất trong chuyến đi chính là lần mạo hiểm vượt thác Khuang Sy bằng thuyền. Ngọn thác hùng vĩ được bao bọc bởi vùng rừng nguyên sinh rậm rạp, với làn nước xanh như đá ngọc do chứa một lượng tảo khổng lồ. Dòng nước cuồn cuộn như muốn nuốt chửng những con thuyền mong manh. Sang đến bên kia, mọi người mới nhìn nhau “hú vía”, nhưng ai cũng hả hê vì đã chinh phục được một dòng thác dữ… Từ Lào, đoàn trở về Việt Nam bằng đường hàng không.

Cô giáo Ngọc cho rằng, với những giáo viên có hoàn cảnh gia đình ổn định, con cái đã lớn, dành dụm kinh phí cho một chuyến đi như trên không phải là quá khó, nhất là khi đoàn chủ động tự túc và tiết kiệm triệt để. “Nghề giáo luôn gắn bó với một môi trường tĩnh, trong khi giáo viên ai cũng muốn tìm hiểu, khám phá, học hỏi, nên đi được là sướng lắm… Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, nhà giáo càng phải học”, cô cười hóm hỉnh. Và thế là, với các thầy cô, những “cung đường học” cứ nối dài mãi…

Tour tham khảo

Tour Du lịch Lào – Đông Bắc Thái 6 ngày 5 đêm từ Hà Nội (đường bộ)          

Giá từ: 10,578,000 VND

Các điểm đến: Thành Cổ Quảng Trị, Thánh Địa La Vang, Cầu Dakrong; Savanakhet: That Ing Hang, chùa Xayaphum… Thái Lan: Nakhon Phanom; Viêng Chăn: Wat Xieng Khuon, tượng đài chiến thắng Pattuxay, chùa Si Mương, That Luang, chùa Sisaket…

Tour du lịch Lào – Đông Bắc Thái 5 ngày 4 đêm từ TP. HCM (đường bộ)

Giá từ: 8,840,900 VND

Từ TP. HCM đi Đà Nẵng hoặc Huế, rồi đi Thái Lan với các điểmThánh địa La Vang, cầu Dakrong, Làng Vây…; Đến tham quan và nghỉ ngơi tại Nakhon Phanom; Khởi hành đi Viêng Chăn ghé thăm công viên Tượng Phật Sala Keocu, nhập cảnh vào Lào tham quan: Tượng đài chiến thắng Patuxay, Viếng chùa Si Mương, chợ Sáng… Tham quan That Luang, Sanavakhetthăm Chùa Xayaphoum…

Trần Kiều Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ