Nhà giáo trong cảm thức Hoàng Phủ Ngọc Tường

GD&TĐ - Trước khi trở thành nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường có một thời gian khá dài làm nghề dạy học. Trong nhàn đàm Bài học vỡ lòng của tôi, nhà văn nhắc đến thời thơ ấu được khai tâm từ một ông giáo già nghiêm nghị ở một trường học được gọi là “trường thầy Toại”.  

Trường Quốc học Huế, nơi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng dạy học trước năm 1975
Trường Quốc học Huế, nơi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng dạy học trước năm 1975

Hình ảnh người thầy khai trí hiện lên trong hồi ức của học trò khi đã cập kề lên lão: “Đó là một cụ già nghiêm nghị mà dịu dàng và dù môn đồ chỉ vài chục đứa nhóc lên sáu lên bảy, bao giờ thầy cũng mặc áo dài đen, đội khăn đóng và mang giày hạ, khiến bọn trẻ chúng tôi thấy phải tự khép mình vào khuôn phép ngay lập tức”.

Bài học vỡ lòng thầy dạy con trẻ không phải là những chữ cái mà chính là bài học làm người bằng một bài văn vần nôm na có tên gọi “Yêu ai?”:

“Trò đi học để yêu ai?/ Thưa tôi đi học để yêu người gần xa/ Gần là yêu mẹ yêu cha/ Trước thì anh chị, sau ra họ hàng/ Sau rồi tới kẻ lân bang/ Tôi yêu, yêu hết kẻ sang người hèn/ Bao nhiêu kẻ lạ cùng quen/ Cùng nhau đã có mặt trên hoàn cầu/ Là tôi yêu chẳng xiết đâu/ Ấy tôi đi học chỉ cầu thế thôi”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi ở độ tuổi trung niên Ảnh tư liệu

Bài học đầu đời ở trường chính là tâm nguyện về lòng nhân ái. Phải biết yêu từ những người, những điều thân thương, gần gũi nhất rồi mới mong yêu đến những gì cao xa, rộng lớn hơn như quê hương, Tổ quốc.

Đứng trước thông tin ngày càng nhiều về chiến tranh, bạo lực xảy ra trong quan hệ giữa con người với nhau, lòng nhân bị xâm thực và tình người chao đảo, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thiết tha mong mỏi: “Ước chi UNESCO cho dịch bài giáo khoa mộc mạc của thầy tôi ra mọi thứ tiếng để dạy trẻ con trên toàn thế giới”.

Ngay trước Cách mạng tháng Tám 1945, cũng có một ngôi trường hết sức đặc biệt, tồn tại không đầy hai tháng nhưng có một vị trí lịch sử quan trọng, đó là Trường Thanh niên Tiền tuyến.

Mục đích của nó là đào tạo sĩ quan phục vụ cho chính phủ Trần Trọng Kim nhưng lại trở thành một cơ sở cách mạng đắc lực, là một chiếc nôi đào tạo nên nhiều tướng lĩnh thành danh, nhiều trí thức yêu nước nổi tiếng. Học viên đặc biệt bởi nhiều người “trâm anh thế phiệt”.

Ví như Tôn Thất Hoàng con của Thượng thư Tôn Thất Đằng, Võ Sum con Án sát Võ Chuẩn, Đặng Văn Việt con Tổng đốc Đặng Văn Hướng, Lê Thiệu Huy con giải nguyên Hán học Lê Thước…

Ấy vậy từ ngôi trường “xanh vỏ đỏ lòng” này, nói theo kiểu bây giờ là tạo nên một nguồn nhân lực, nhân tài hết sức có ích cho Tổ quốc.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ghi nhận công tích của “thế hệ vàng” với những cống hiến nổi bật như: Kéo cờ độc lập trên kỳ đài Ngọ môn (Huế) năm 1945, bắt nhóm biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ (Thừa Thiên-Huế), tham gia Nam tiến kháng chiến chống Pháp từ tháng 10/1945.

Những tướng lĩnh, chỉ huy tài giỏi như Cao Pha, Phó Tư lệnh Đặc công; Cao Văn Khánh, Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN; hay Đặng Văn Việt -“vua đường số 4” đánh cho giặc Pháp thất điên bát đảo… Đó là nhờ vai trò to lớn của những người thầy như GS Tạ Quang Bửu, thành viên sáng lập trường cùng luật sư Phan Anh hay Phan Tử Lăng, Giám đốc Trường Thanh niên Tiền tuyến, một sĩ quan xuất sắc được Pháp đào tạo với lòng yêu nước nhiệt thành đã hướng ngôi trường về với cách mạng.

Nhà văn hào hứng ghi nhận: “Dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi để thu thập kiến thức quân sự, nhưng nhờ trí thông minh tính trời hòa nhập với trí khôn đánh giặc của nhân dân, các sinh viên Trường Thanh niên Tiền tuyến đã lập nên những chiến công kỳ lạ ngay từ những phút mở màn lịch sử giành chính quyền cách mạng” (Trường Thanh niên Tiền tuyến và Thế hệ giải phóng quân Huế đầu tiên).

GS Tạ Quang Bửu, một trong những người sáng lập Trường Thanh niên Tiền tuyến.
  • GS Tạ Quang Bửu, một trong những người sáng lập Trường Thanh niên Tiền tuyến.
Trong bút ký Rất nhiều ánh lửa, tác giả có nói đến một đoạn đời dạy học của mình rất đáng nhớ trước năm 1975 tại Trường Quốc học Huế.
Giữa thời thế nhiễu nhương, loạn lạc, nhiều người tử tế chọn nghề thầy giáo không chỉ vì mưu sinh qua ngày, mà quan trọng hơn là giữ lấy thiên lương trong bản thân mình, ít nhiều giúp ích cho đời thông qua con đường giáo hóa. Bởi dù thế sự có biến cải đến đâu, những nhà giáo đúng nghĩa ở thời nào cũng được coi là hiện thân của văn hóa và đạo lý.
Nhà văn nhớ lại một thời trên bục giảng giữa những biến động chiến chinh, tao loạn khiến cho tâm trạng người thầy còn giữ lấy lương tri cũng phải nhiều phen chao đảo: “Nghề dạy học trong những năm ấy đến bây giờ vẫn còn vang vọng trong ký ức của tôi như một niềm hối tiếc dai dẳng. Bom đạn ở ngoại ô, lính Mỹ đầy phố, lệnh gọi lính, những cuộc biểu tình đổ máu, những người bị bắt.
Mỗi giờ dạy tôi phải đối diện với sáu, bảy chục khuôn mặt uể oải, đăm chiêu, lơ đãng, đôi khi ẩn hiện một nỗi khinh bỉ thầm lặng. Những khuôn mặt ấy đều hiện ra như một dấu hỏi, không thực chính xác về vấn đề gì, tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy một cách rõ ràng là nó được đặt ra cho tôi và tôi thường sợ hãi, lẩn tránh câu trả lời…”.

Người thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường nói như một lời nhắc nhở và nhắn nhủ kín đáo trong nỗi âu lo về số phận học trò: “Dạy học chỉ là cách trình bày lại một số kiến thức cần nhớ, để các anh tự mình chọn lấy. Công việc của tôi chỉ có như thế. Các anh hoàn toàn tự do để trách nhiệm lấy cuộc đời của mình. Không thể trông cậy vào bất cứ ai, kể cả thầy giáo, trong đó có tôi. Tôi sẽ không có trách nhiệm nào khác đối với các anh”.

Đọc lại đoạn này nhớ đến một câu nói nổi tiếng của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, đại ý: Chính kiến có thể thay đổi nhưng đạo lý thì không thể xa rời. Nhất là đạo lý người thầy.

Trong bài nhàn đàm Thầy Đào Duy Từ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tôn vinh tài năng quân sự và chính trị của danh nhân Đào Duy Từ, tên tuổi ông gắn liền với một công trình quân sự tên gọi “Lũy Thầy” ở Quảng Bình. Ông đúng là nhà quân sự giỏi, là người thầy tài đức của bậc đế vương muốn an dân trị quốc. Ông là trợ thủ đắc lực cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mở mang cơ nghiệp xứ Đàng Trong.

Tác giả viết về ông: “Điều khiến cho mãi đến ngày nay chúng ta vẫn có lý do để giữ lòng ngưỡng mộ đối với ông chính là nhân cách kẻ sĩ của Đào Duy Từ. Kẻ sĩ đem tài ra giúp vua chúa trong sự nghiệp an dân, nhưng không bao giờ xu nịnh, luồn cúi trước quyền lực”. Và ông kết luận xác đáng: “Người ta quên đi tước lộc của ông, quên đi cả tài năng quân sự của ông; chỉ nhớ đến ông như một bậc thầy của mọi người: Thầy Đào Duy Từ”.

Tìm trong lịch sử những nhân vật văn tài, khí tiết đều hơn người như Cao Bá Quát vốn cũng là người thầy từng dạy học, Hoàng Phủ Ngọc Tường phát hiện những điều thú vị.

Đó là thơ Cao thi sĩ luôn tụng ca những con chim bay cao, bay xa thể hiện khát vọng cao cả của mình, một kẻ sĩ luôn trăn trở trước thời cuộc và luôn muốn cải biến hiện thực, không cam chịu cảnh sống tầm thường theo phường giá áo túi cơm. Đó là chim hồng, chim phượng và chim hạc.

Nhà văn nhận xét người xưa: “Giấc mơ đầy hùng tâm tráng chí đó rốt cuộc đã vỡ ra thành vị đắng của hiện hữu vướng vất trong văn chương Cao Bá Quát. Có lẽ trong những năm làm ông đồ dạy trẻ ở núi rừng Sơn Tây, Cao Bá Quát đã nhìn thấy hình ảnh của ba con chim nói trên hiện lên trong tầm mắt. Và nếu Cao Bá Quát đã không làm được con chim hồng hạc bay cao chín tầng mây, thì ông cũng không bao giờ là con chim hoàng điểu kiếm ăn bên cây gia, bên cây dâu” (Chim huyền hạc).

Cựu học sinh về thăm lại ngôi nhà xưa của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế Ảnh: Nhà thơ Ngô Minh.
 Cựu học sinh về thăm lại ngôi nhà xưa của Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế Ảnh: Nhà thơ Ngô Minh.
***

Người thầy trong quan niệm của Hoàng Phủ Ngọc Tường có vẻ không chỉ giới hạn trong vị thế cụ thể của những người đứng trên bục giảng.

Suy rộng ra người thầy trong văn chương của ông còn là những con người tài, đức, khí tiết, ưu dân ái quốc dù trực tiếp dạy học hay chưa hề lên lớp buổi nào. Những bậc như thế là thầy của thiên hạ. Ví như “vạn thế sư biểu” Chu Văn An hay “sao Khuê” Nguyễn Trãi, “người ham chơi” Nguyễn Công Trứ…

Tài năng, học vấn, đạo đức, chí khí của họ có sức lan tỏa sâu rộng, là bài học sinh động trao truyền cho nhiều người, cho cả cộng đồng, không chỉ lúc họ đang sống, mà ngay cả khi đã chết, ngay cả với nhiều đời sau. Bởi cuộc đời họ chính là bài học lớn dù nhiều khi họ không phải là thầy và không có duyên với nghề dạy học.

Nếu đọc những bài viết về những con người như thế sẽ cảm thêm nhiều điều thú vị, bổ ích. Học theo Nguyễn Trãi mà làm được như ông, văn chương có khi mạnh hơn cả đạo quân chỉ vì Ức Trai là bậc thầy trong việc “mưu phạt tâm công”, lấy đại nghĩa và chữ nghĩa để phá tan quân xâm lược. Dù kết cục đời ông bi đát bởi bàn tay của bọn gian thần thì tên tuổi vẫn sáng ngời như “sao Khuê” để hậu thế sau mấy trăm năm vẫn đến Côn Sơn, nói như Hoàng Phủ là “mượn đá để ngồi”.

Hay chơi được như Nguyễn Công Trứ thì thiên hạ xưa nay cũng được mấy người, vì đó là “người ham chơi” thứ thiệt theo cách định danh và tôn vinh của nhà văn. Nguyễn Công Trứ là một văn nhân tài tử phóng túng đời mình, để lại cho đời nhiều bài học và giai thoại về sự chơi. Chơi như thế mới khó, thậm khó. Nhưng mặt kia của con người này thì sự làm của ông, chỉ nói riêng chuyện khai khẩn đất đai, chiêu mộ dân nghèo an cư lạc nghiệp cũng đủ được người đương thời nghiêng mình và đời sau thờ phụng.

Những người thầy đúng nghĩa, dù tầm vóc và cống hiến khác nhau, ở mọi thời đều xứng đáng được tôn vinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ