Nhà giáo phải được ưu tiên hàng đầu

GD&TĐ - “Nhìn chung, dự thảo Luật Giáo dục lần này được đầu tư soạn thảo công phu, triển khai lấy ý kiến rộng rãi…Thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng Luật theo hướng công khai, dân chủ, cầu thị… - PGS.TS Võ Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng theo PGS.TS Võ Văn Minh, một số điểm tích cực về quan điểm đổi mới giáo dục đã được thể hiện trong luật, thể hiện sự tiếp cận giáo dục của quốc tế cũng như phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước. Tuy nhiên, ở các khía cạnh quy định về nhà giáo, người học, nhà trường và sự nhất quán trong triết lý giáo dục cũng còn một số vấn đề cần trao đổi thêm” - PGS.TS Võ Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận.

Góp ý về nội dung đối với nhà giáo, PGS.TS Võ Văn Minh bày tỏ: Dự thảo Luật Giáo dục lần này đã xác định được mấy điểm tích cực như xác định vị trí, vai trò, tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ. Trong đó đặc biệt nâng tiêu chuẩn trình độ đối với giáo viên mầm non… Tuy nhiên với cách diễn đạt như Điều 65 thì nên tách làm 2 ý riêng: “Vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh” và “đóng vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục” để rõ hơn.

PGS.TS Võ Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng)
 PGS.TS Võ Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng)

Về chính sách đối với nhà giáo, Dự thảo Luật cũng đã có đề cập, nhưng vẫn chưa thể hiện được sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự bứt phá trong Luật này. Vẫn chỉ là “có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm điều kiện…” (Điều 65) hay “được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp…” (Điều 75).

Nêu quan điểm về chính sách đối với nhà giáo, PGS.TS Võ Văn Minh nhấn mạnh: Nếu xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước” thì nhà giáo phải được ưu tiên hàng đầu và điều này phải được luật hoá để chứng tỏ sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước.

Tất nhiên, khi quan tâm đến nhà giáo thì phải quan tâm có tính hệ thống như chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm, điều kiện bảo đảm chất lượng của các trường đào tạo giáo viên, chế độ chính sách, điều kiện làm việc của nhà giáo, đồng thời cũng quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn (trình độ, phẩm chất đạo đức, thể chất…); quy định về những quyền và trách nhiệm.

Trước hết về quyền, nhà giáo phải có quyền quyết định về phương pháp dạy và đánh giá, có quyền sáng tạo trong dạy học, không bị áp đặt kiểu khuôn mẫu hành chính. Theo đó cũng quy định trách nhiệm rõ ràng, nếu vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẵn sàng sử dụng chế tài mạnh nhất đối với viên chức. Muốn để xã hội tôn vinh, gia đình, người học tin tưởng, Nhà nước đầu tư thích đáng thì cũng phải sử dụng biện pháp mạnh nhất đối với các nhà giáo không đạt chuẩn (về đạo đức, về trình độ).

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, trong số các nhóm nhà giáo, cần đặc biệt quan tâm giáo viên mầm non và giáo viên các trường chuyên biệt. Thực trạng giáo viên mầm non trên diện rộng, còn nhiều bất cập cả về tiêu chuẩn nhà giáo, đến điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ cũng như sức khoẻ tâm thần và thể chất. Nếu để đất nước phát triển bền vững, nguồn nhân lực của Việt Nam vươn xa hơn trong tương lai, thì đội ngũ giáo viên mầm non phải được đặc biệt chú trọng!

Ngoài ra, trong bối cảnh chung của thế giới cũng như Việt Nam, số lượng trẻ em khuyết tật gia tăng, Nhà nước và xã hội cũng quan tâm nhiều hơn đến các trường chuyên biệt và đội ngũ giáo viên ở các trường này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đào tạo, bồi dưỡng cũng như điều kiện làm việc, giảng dạy của giáo viên chuyên biệt còn nhiều hạn chế, khó khăn, nhất là chế độ đối với các nhà giáo…

Từ những phân tích đó, PGS.TS Võ Văn Minh đề nghị quan tâm nhiều hơn đến “Chương IV - Nhà giáo” - vấn đề hạt nhân, mấu chốt của đổi mới giáo dục.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ