Nhà giáo Nguyễn Minh Bích: Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp trồng người

GD&TĐ - Ở tuổi ngoại thất tuần nhưng nhà giáo Nguyễn Minh Bích, người con của quê hương Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội) đã có thâm niên hơn 40 năm đứng trên bục giảng. Dù dạy ở bậc phổ thông, rồi làm giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hay tham gia công tác quản lý, ở cương vị nào ông cũng là một nhà giáo tâm huyết, cháy hết mình với sự nghiệp trồng người.

Vợ chồng nhà giáo Nguyễn Minh Bích hạnh phúc bên con cháu
Vợ chồng nhà giáo Nguyễn Minh Bích hạnh phúc bên con cháu

Duyên gắn bó với nghề

Bên ly cà phê đãi bạn hiền, mái đầu bạc trắng như cước, nhà giáo Nguyễn Minh Bích bồi hồi kể cho tôi nghe rành rọt quãng thời gian gần 50 năm thầy gắn bó với nghề giáo. Đặc biệt hơn cả, đây lại là nghề cha truyền con nối trong gia đình của thầy.

Thầy Bích tâm sự: “Cũng như bao thanh niên, học xong phổ thông tôi chọn nghề sư phạm. Năm 1968, sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp sư phạm 10+2, tôi về dạy học ở trường phổ thông huyện nhà được một năm thì đi học chuyên tu Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội, hệ 4 năm”. Vậy là hơn 20 năm trời gắn bó với giáo dục phổ thông huyện Đông Anh, thầy luôn là giáo viên dạy giỏi, được đồng nghiệp kính trọng, tin yêu, bầu chọn làm hiệu phó, hiệu trưởng.

Điều mà đồng nghiệp luôn ngưỡng mộ thầy giáo Bích đó là ở bất cứ cương vị nào, cũng cháy hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Không chỉ dạy tốt, tìm tòi phương pháp dạy học hay cho học sinh, thầy Bích còn là một tấm gương nghị lực, luôn trau dồi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho bản thân. Chính vì thế, dù ở cương vị đầu tầu giáo dục huyện Đông Anh, thầy vẫn dành thời gian theo học lớp sau đại học tại Học viện Nguyễn Ái Quốc, khóa 1989 – 1992.

Học xong, thầy được ở lại học viện làm chuyên viên nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lê nin Tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 2008 nghỉ hưu nhưng nhà giáo Nguyễn Minh Bích có gần 20 năm là chuyên viên, giảng viên chính Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Chí Minh).

Cả cuộc đời nhà giáo Nguyễn Minh Bích gắn bó với giáo dục với gần 50 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Từ vị trí giáo viên, thầy lần lượt khẳng định chuyên môn của mình ở những cương vị mới như Hiệu phó Trường Phổ thông, Hiệu trưởng Trường Sư phạm huyện Đông Anh, làm Phó phòng, Trưởng phòng Giáo dục huyện, Ủy viên Ban chấp hành huyện Ủy, Phó hoặc Bí thư Chi bộ Viện Xây dựng Đảng.

Đến nay nhà giáo Nguyễn Minh Bích đã có 46 năm tuổi Đảng. Với những thành tích đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người, nhiều năm là giảng viên dạy giỏi của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thầy Nguyễn Minh Bích vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Huy hiệu vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Dạy học - Nghề truyền thống của gia đình

Luôn đồng hành và là điểm tựa tinh thần vững chắc của nhà giáo Nguyễn Minh Bích không thể không kể đến người vợ hiền, đảm đang và cũng làm nghề dạy học. Từ những ngày đầu tiên tốt nghiệp Trung cấp sư phạm cô giáo Hằng đã về dạy học ở quê chồng Đông Anh. Khi chồng chuyển công tác về Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, người vợ hiền cùng con lại theo chồng về nội công tác ở Trường Phổ thông cơ sở, Tiểu học Cầu Giấy. Nghỉ hưu, cô được trao tặng Huy hiệu vì sự nghiệp giáo dục Thủ đô.

Nhưng với vợ chồng nhà giáo Nguyễn Minh Bích, hạnh phúc lớn nhất có lẽ đó là sự thành đạt bằng con đường học vấn của con cái. Cô con gái lớn Nguyễn Phương Nga sau khi tốt nghiệp đại học, Khoa Báo chí, Học viện báo chí và Tuyên truyền đã về giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện Phương Nga cùng hai con và chồng đang sinh sống và học tập tại Ukraine. Nga đã học xong Thạc sĩ, đang làm nghiên cứu sinh, thuộc diện học viện cử đi học.

Mỗi lần kể lại cho con cháu nghe về nghề của mình, thầy Bích luôn tâm đắc, dạy học đã trở thành sự nghiệp cha truyền con nối, chính vì thế, đã giữ được nếp gia phong và cốt cách của nhà giáo. Bởi bố mẹ là nhà giáo, con của thầy cũng gắn bó với giáo dục.

Khi con gái lớn đang cùng chồng con ở Ukraine làm nghiên cứu sinh thì ở Việt Nam, con trai út Nguyễn Hoàng Sơn của vợ chồng thầy cũng không hổ danh là con nhà giáo khi cầm tấm bằng Đại học loại giỏi, vinh dự là thủ khoa khóa 32, Khoa Nhà nước - Pháp luật (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), được nhà trường cho học chuyển tiếp cao học.

Và sau mấy năm đèn sách, Hoàng Sơn lại bảo vệ luận văn Thạc sĩ với số điểm xuất sắc. Đặc biệt, “quý tử” Nguyễn Hoàng Sơn vốn là sinh viên xuất sắc, nhiệt tình trong các phong trào Đoàn thanh niên nên đã được Học viện kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ cuối năm thứ 3 đại học.

Nhìn khuôn mặt đầy nếp nhăn và mái đầu trắng bạc của thầy rạng rỡ hẳn lên tại lễ bảo vệ tốt nghiệp của con trai, nhà giáo Nguyễn Minh Bích đã siết chặt tay tôi, cảm động nhấn nhá từng câu: “Đấy là lộc của trời – lộc của đời ban phát cho mình đó!”.

Giờ đây, tuy đã ở tuổi ngoài 70, nhưng thầy Nguyễn Minh Bích vẫn nhớ rất kỹ, chia sẻ rành rọt những ước mơ, khát vọng … cùng những cung bậc thăng trầm, nhưng ắp đầy tâm huyết với nghề “trồng người” trải dài suốt hơn 40 năm.

Giọt cuối cùng của ly cà phê rơi xuống tách, bất giác tiếng chuông điện thoại của thầy Bích rung lên. Thì ra, đó là tin nhắn của cậu học trò Phạm Ngọc Lợi, công tác ở Trường Đào tạo cán bộ của TPHCM, vợ là Phạm Thị Ngọc Duyên, ủy viên Ủy ban kiểm tra Thành ủy TPHCM, vốn là học trò của thầy.

Với giọng trầm ấm, nhà giáo Nguyễn Minh Bích đã đọc cho tôi nghe toàn bộ dòng tin nhắc của học trò: “Thầy ơi! thầy khỏe không thầy ơi? miền Bắc đang lạnh lắm phải không thầy!? Em mong được gửi nắng miền Nam ra để thầy ấm áp hơn! Em bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ hôm qua tại Học viện khu vực II rồi thầy ạ. Em báo cáo để thầy biết và chung vui với hai em… Hai chúng em luôn rất hạnh phúc và hãnh diện vì được làm học trò của thầy! Em cảm ơn thầy nhiều lắm thầy ạ! Hai chúng em kính chúc thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và nhiềm niềm vui thầy ơi!!!”.

Đọc xong tin nhắn, tôi thấy mắt thầy rưng rưng ngấn lệ. Tôi hiểu, đây là những giọt nước mắt hạnh phúc của người thầy khi thấy những học trò của mình thành đạt, đem lại quả ngọt cho đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ