|
280 nhà giáo từ 24 tỉnh thành cùng hội ngộ. Ảnh: gdtd.vn |
“Nhà giáo đi B”, có lẽ chỉ Việt Nam mới có danh xưng đặc biệt này. Đó là lực lượng nhà giáo ở miền Bắc đã được Đảng, Nhà nước điều động vào miền Nam chi viện, hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp giải phóng đất nước.
Nhiều nhà giáo trong số đó đã hi sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ. Một lực lượng nhà giáo cách mạng của Miền Nam ở vùng giải phóng và trong vùng địch tạm chiếm đã ngoan cường, dũng cảm duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn gian khổ. Hiện nay, thế hệ nhà giáo đó hầu hết đã nghỉ hưu, là những cựu giáo chức vẫn tâm huyết với ngành, sống mẫu mực.
Trong buổi gặp mặt đầy ý nghĩa và xúc động, những mái đầu bạc với nhiều chục năm cống hiến cho ngành Giáo dục đã cùng ôn lại những kỷ niệm kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng. Đồng thời, bày tỏ niềm mong mỏi tiếp tục được cống hiến thời gian còn lại sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Thầy Quốc Bảo, người đã 3 lần vượt Trường Sơn vào Nam tâm sự: Chúng tôi vào Nam từ năm 1964 và đây có lẽ là đoàn nhà giáo vào Nam hy sinh nhiều nhất. Tôi đã công tác giáo dục ở miền Nam hơn 10 năm và gần như đi khắp các chiến trường. Các thầy cô giáo lúc bấy giờ không hề ngại hy sinh, không ngại gian khổ, một lòng vì nước, vì Đảng, vì sự nghiệp giáo dục.
Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng thầy Quốc Bảo vẫn tha thiết mong mỏi, khi nào còn sức khỏe còn mong được góp sức cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
|
Đại diện nhà giáo đi B đoàn TP.HCM gắn lưu niệm cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: gdtd.vn |
Ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng, các nhà giáo cũng bày tỏ những trăn trở đối với sự nghiệp giáo dục như vấn đề giá trị đạo đức, lòng tự tôn dân tộc của giới trẻ hiện nay; việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT cho những nhà giáo đi B…
Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên đang công tác, học tập nhiệt liệt chào mừng các thầy cô giáo một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" về thăm Thủ đô trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Bộ trưởng cũng thay mặt lãnh đạo ngành, tiếp nhận ngọn lửa của các thầy cô đi trước, tiếp tục học tập, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, với nhân dân và sự nghiệp giáo dục. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ mong mỏi, các cô bác ở cương vị của mình tại các địa phương với các kinh nghiệm sẵn có tiếp tục có những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: gdtd.vn |
Tri ân với các thầy cô giáo thế hệ đi trước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ làm hết sức mình, trên cơ sở phân tích, lắm rõ các quy luật chi phối hoạt động giáo dục, bám sát thực tiễn, phát huy sáng kiến để góp phần giúp đất nước ngày càng phát triển dựa trên nền tảng là con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Về băn khoăn của các nhà giáo về việc xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT, Phó Thủ tướng cho biết, quy chế công nhận danh hiệu NGND, NGƯT đã có từ trước, nhưng trong 3 năm qua, Bộ GD&ĐT kiến nghị và bước đầu có những đổi mới, đặc biệt, với những nhà giáo đi B, đã xác định, 1 năm đi B bằng hai năm đóng góp cho ngành giáo dục…
Còn trước trăn trở về đạo đức lối sống của học sinh hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, đây cũng là băn khoăn trăn trở của những người làm giáo dục. Điều này đã được ngành lưu ý thực hiện và bước đầu có kết quả qua phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện – Học sinh tích cực” 2 năm qua.
Phó Thủ tướng khẳng định, ngành Giáo dục đang cùng với xã hội đưa các em trở về với cội nguồn và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện – Học sinh tích cực” với sự phối kết hợp của nhiều bộ ngành là nỗ lực đầu tiên để thiết lập cơ chế xã hội ổn định đồng bộ giúp giáo dục đạo đức, truyền thống văn hóa cho học sinh.
| Cô Phạm Thị Hải Ấm. Ảnh: gdtd.vn | Cô Phạm Thị Hải Ấm - Giáo viên khu Trung Nam Bộ (1969-1975): Những ký ức thời máu lửa Ngày 5-3-1969 Đoàn cán bộ giáo viện chi viện cho miền Nam rời Hà Nội. Trời se lạnh trong cơn mưa xuân lất phất. Chúng tôi ngồi trên xe tải kê ghế được nguỵ trang bít bùng. Lòng se buồn... Tuổi trẻ buồn cũng không lâu, chúng tôi bắt đầu hát, hát cho quên nỗi nhớ nhà, cho quên say xe… những bài hát đã chắp cánh và tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi.
Trải qua những ngày đi bộ vượt Trường Sơn vô cùng vất vả, những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Chiếc ba lô nặng trĩu, chúng tôi vẫn đem theo những bộ sách giáo khoa miền Bắc viết cho vùng giải phóng. Đó là vũ khí của giáo dục- chúng tôi không dám bỏ đi. Lễ tiễn chúng tôi Thứ trưởng Lê Liêm đã căn dặn: “Các đồng chí hãy đem những gì ưu việt nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào miền Nam”. Đến R Đoàn chúng tôi về khu Trung Nam Bộ, nơi các tỉnh kết nghĩa của Vĩnh Phúc - Bến Tre, Phú Thọ - Long Châu Sơn (cũ)
“Trong đoàn giáo viên chi viện cho Trung Nam Bộ có chị Mỹ Dung (phát âm chệnh thành “Vung”), chị Cúc Son (phát âm chệch thành “Soong”) chị Lê Thị Sanh và Ấm là tôi. Thế là mọi người vui đùa gọi bốn chúng tôi là bộ đồ nhà bếp. Từ R về Nam Bộ, đồng nước mênh mông…”, chúng tôi hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Phải tập bơi xuồng để thích nghi với 6 tháng mùa nước, những ngày ở khu - khu Láng Nghể, chú Bảy Kim, anh Tám Nghinh, Tư Mậu, Ba Đàm, Bảy Mai, chị Tám Hà, chú Sáu, chị Bảy Huệ và các cháu đón chúng tôi như những người con ruột thịt. Những tháng ngày gian khổ đã gắn bó chúng tôi, những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời. Những ngày ở căn cứ, tôi được phân ngồi viết “bạch” – viết nội dung sách giáo khoa miền Bắc phần xã hội vào những túi xi măng đựng đồ khô, những chiếc túi đó khi đến vùng Mỹ - nguỵ giáo viên thoa một lớp hoá chất chữ viết sẽ hiện lên (viết bạch bằng mực hoá chất, viết xong sẽ khô ngay).
Rồi những ngày về trường Nguyễn Văn Bé, anh Phạm Hứa làm Hiệu trưởng, anh bị bắt năm 1970, bị đày đi Côn Đảo, hiện nay anh đã mất. Anh Trương Lương lên thay, những ngày đầu xây dựng trường, thanh niên trong khu vực chặt cây rừng dựng lớp học, cắt cỏ lợp nhà. Có lần tôi và chị Tám Hà đi vào đất Campuchia mãi chưa thấy về, tưởng đã bị Miên bắt, cả cơ quan đi tìm. Lúc hai chị em về nghe kể lại mới hú vía. Nếu bị Miên bắt bây giờ xẽ ra sao? Hai chị em ôm nhau không ngủ được. Năm 1970, trường Nguyễn Văn Bé dời lên đất bạn Campuchia, thêm chị Tám Hồng phụ trách y tế. Trường đang xây dựng thì bị trận càn Đông Dương, Mỹ - nguỵ càn quét căn cứ của ta. Trên bầu trời máy bay trực thăng các loại đen kịt, dưới mặt đất xe tăng ầm ầm lao đến. Hôm đó chúng tôi làm món thịt chó hầm nước cốt dừa, chưa kịp ăn thì nghe dân kêu to “xe Jép đến”, tất cả chỉ kịp xách ba lô bỏ chạy. Tôi quăng cả ba lô vào bụi rậm cùng Tám Hồng chạy theo dân vào rừng. Mệt và đói, hai đứa ngồi thu lu trong bụi cây bàn nhau nếu địch đến bắt thì khai thế nào? Tôi bảo cứ khai là Việt Kiều ở Campuchia đi ở bế em, đừng khai là biết chữ nhé. Đêm đã yên tĩnh, chúng tôi quay lại nhà thì thấy cả cánh rừng nhiều cây cao to đã bị bừa nát nằm rạp tất cả. Trông thật khủng khiếp. Thật may mơi chúng tôi chốn, xe tăng không bừa đến. Cả trường đều an toàn, bữa thịt chó bị lính nguỵ ăn hết. “Ở dòng Duối, chúng tôi được bà con Việt kiều và bà con Capuchia tận tình đùm bọc che chở giúp đỡ nhiều. Thiếu vật liệu, chúng tôi đi vào phum, sóc của Campuchia xin tre về làm lớp học. Họ còn cho gạo, gà, bánh thốt nốt, các chị em còn kết nghĩa với chúng tôi làm chúng tôi rất cảm động”.
Tôi tham gia chi viện cho giáo dục miền Nam thời chống Mỹ từ những ngày chiến tranh còn ác liệt nên đã phải vượt qua bao gian khổ hiểm nguy. Nay hồi tưởng lại những năm tháng ấy có biết bao điều muốn viết về những người còn sống và những người đã hy sinh. Những điều trên đã in sâu trong trí óc tôi, không dễ gì làm tôi quên được. |
Hiếu Nguyễn