Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe bởi trong những năm đầu đời sức đề kháng cơ thể trẻ yếu và có nhiều thay đổi về thể chất.
Chính vì thế, giai đoạn này mẹ thường khá vất vả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng quá lo lắng, những căn bệnh ốm vặt ở con đều có thể giải quyết nếu mẹ tìm hiểu và biết trước được những mẹo dân gian trị bệnh cho trẻ được ông cha ta truyền lại.
Hạ sốt nhanh cho trẻ khi mọc răng bằng lá hẹ
Theo Đông y, lá hẹ có tính ấm, tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn và có thể dùng trong trường hợp trẻ bị viêm lợi, đau nhức răng.
Cách dùng: Lá hẹ tươi đem về rửa thật sạch, cắt nhuyễn rồi giã nhỏ, vắt nước cốt lá hẹ cho vào chén sạch.
Sau khi trẻ bú được khoảng 30 phút, mẹ rửa tay sạch, quấn gạc tiệt trùng vào đầu ngón tay trỏ. Lấy đầu ngón tay quấn gạc chấm vào chén nước cốt lá hẹ lâu một chút cho băng gạc thấm nước lá hẹ.
Mẹ nhẹ nhàng đưa ngón tay chấm nước hẹ vào miệng trẻ, bắt đầu rà sát vào vùng lợi trên, vùng lợi dưới của bé vài lần.
Theo kinh nghiệm dân gian thì mẹ nên dùng 9 lá cho bé gái và 7 lá cho bé trai, bắt đầu thoa cho bé từ lúc 3 tháng thì khi mọc răng bé sẽ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ và ít đi ngoài hơn bình thường.
Trị rôm sảy bằng dưa chuột và cây lô hội
Lá lô hội có đặc tính kháng viêm, dịu mát. Chỉ cần xoa một vài lát lá lô hội trên vùng da bị rôm sảy của bé sẽ giúp những vết ban đỏ nhanh chóng lặn.
Với dưa chuột cũng tương tự, mẹ có thể xay nhuyễn hoặc thái lát dưa chuột để đắp lên vùng da bị ban đỏ. Nước và các vitamin trong dưa giúp cung cấp nước cho các tế bào da và làm da dịu mát hơn.
Chữa chàm sữa bằng tinh dầu dừa
Chàm sữa thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với những dấu hiệu như nổi mẩn, ửng đỏ, ngứa rát, gây cảm giác khó chịu cho bé. Để giảm thiểu tình trạng này mà không cần dùng đến thuốc mà có thể áp dụng mẹo dân gian đơn giản dưới đây.
Cách làm: Mẹ làm sạch tay, đổ một chút dầu dừa ra lòng bàn tay, xoa vào nhau và bắt đầu massage lên khu vực bị chàm của con. Biện pháp này sẽ hữu hiệu khi áp dụng với những mụn nước đã vỡ.
Điều trị táo bón bằng thực phẩm
Táo bón là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thông thường, bệnh táo bón xảy ra do chế độ ăn uống không hợp lý, dẫn đến khó tiêu. Vì thế, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống thích hợp là có thể giảm thiểu được tình trạng này.
Cho bé ăn nhiều rau xanh và quả chín có tính nhuận tràng như chuối tiêu, cam, bưởi, khoai lang, rau khoai lang, rau mồng tơi... Và đặc biệt là cần uống thật nhiều nước.
Chữa tiêu chảy cho trẻ bằng lá mơ
Lá mơ rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng 5 phút, vớt ra để ráo nước. Sau đó, giã lá mơ thật nhỏ rồi cho vào bát và đập 1 quả trứng gà, đồng thời thêm một chút muối (cho vừa miệng), trộn đều.
Với hỗn hợp này, mẹ có thể đem nướng hoặc rán, trở đều hai mặt cho trứng và rau mơ chín đều, lấy ra cho bé ăn (ngày 2 lần) sẽ điều trị được bệnh tiêu chảy.
Chữa hăm tã bằng nước lá ổi
Trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi có làn da mỏng manh nên dễ bị ảnh hưởng bởi tiếp xúc lâu với các enzyme trong chất thải, gây kích ứng cho bề mặt da, xảy ra tình trạng hăm tã.
Mẹ hãy dùng lá ổi non để điều trị bệnh này cho con. Cách làm vô cùng đơn giản đó là dùng 5-6 chiếc lá ổi non, rửa sạch cho vào nồi nước đun sôi lên. Lấy nước lá ổi đun sôi để ấm lau rửa phần dưới cho bé. Nước lá ổi non sẽ giúp bé không còn cảm giác khó chịu khi bị hăm tã nữa.
Chữa đầy bụng, chướng hơi bằng massage
Khi thấy bụng con thường xuyên phát ra tiếng kêu, đó là những dấu hiệu cho thấy con bị đầy bụng, chướng hơi.
Để giảm cảm giác khó chịu này cho con, mẹ hãy nhẹ nhàng xoa bụng, vuốt lưng cho con dễ chịu hơn.
Những mẹo dân gian trị bệnh cho trẻ trên mang tính chất tham khảo, mẹ chỉ nên áp dụng với những trường hợp bé bị ốm nhẹ. Với trường hợp bé bị ốm lâu ngày, ốm nặng, cha mẹ cần đưa con tới bác sĩ thăm khám để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.