“Bác Hồ của nhân dân” - tập bút ký tiểu luận, tập hợp có chọn lọc những bài viết suốt 60 năm của ông theo chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh.
Nguyễn Uyển nhập cuộc vào đời báo, đời văn từ nghề giáo không phải chỉ bằng nhiệt tình đắm say mà bằng cả tư tưởng của ông. Đọc sách của ông, thấy hiện lên một nhà tư tưởng, bởi ông không chỉ minh họa tư tưởng của Đảng, của Bác mà còn phát biểu cả tư tưởng của mình! Không chỉ phản ánh hiện thực một cách sinh động mà trong khuôn khổ cho phép ông đã nghiền ngẫm về hiện thực, khám phá hiện thực bằng con mắt và trải nghiệm của bản thân.
Trong điều kiện đó, ông có sự thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân trong suy nghĩ và sáng tạo. Với lòng nhiệt tình cách mạng, nhiệt tình công dân, ông đã hăng hái sáng tạo, tạo nên những tác phẩm có nhiều tìm tòi về hiện thực, về Bác, về con người với nhiều phương diện phong phú, đa dạng.
Những trang viết của ông đã lấy hiện thực cuộc sống tác động lại sự sống, tạo ra sự sống và cái đẹp. Tác phẩm của ông luôn tiếp sức cho bạn đọc cháy lên từ lò lửa của chủ nghĩa nhân văn, nó khởi phát từ tư tưởng, tình cảm, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vĩ đại!
Vượt qua thời gian, “Bác Hồ của nhân dân” cứ lặng lẽ tan thấm, hằn sâu trong trái tim người đọc. Ông đã góp phần cổ xúy cho cán bộ, đảng viên, nhân dân Việt Nam học tập và làm theo Bác, làm cho mình tốt thêm, đẹp lên, biết đồng cảm với nhau, biết xích lại gần nhau, biết chung sức đồng lòng xây dựng xã hội Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc…!
“Đọc tiểu sử của Người không thể không suy ngẫm, không thể không vận vào mình để tự vươn lên, để sống cho đẹp, để nêu gương ít nhất là với con cháu mình” (tr.7). Mỗi lần viết về Bác, ta thấy Nguyễn Uyển tin yêu, biết ơn đến cháy dạ, cháy lòng, đã tạo nên sức mạnh lớn lao cho toàn Đảng, toàn dân!
Nguyễn Uyển là người lữ hành không biết mệt mỏi, mang trái tim Đan Cô rực cháy nặng tình trọn nghĩa với Đảng, với Bác Hồ, với nhân dân, đất nước bằng những trang bút ký, tiểu luận nồng nàn sâu sắc. Đi nhiều, viết khỏe lúc nào cũng say mê, ngắm nhìn, liên tưởng bởi con mắt tinh đời.
Những trang viết của ông ngồn ngộn cái thật của đời sống, được chưng cất bởi một người từng trải, nặng lòng với nó. Ông đã đến với thực tế cuộc sống, va đập và cọ xát tận cùng với cuộc đời, chứng kiến biết bao sự đổi thay của đất nước, ngòi bút của ông luôn mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, ngồn ngộn cái thật của cuộc sống…
Nguyễn Uyển đã đưa vào bút ký của mình những con người bình dị mà cao quý, những phận đời gian khó nhưng nghị lực phi thường. Ông kể về cuộc đời họ không chỉ ngợi ca mà để lan tỏa, gợi mở về một nhân cách sống, cách làm người.
Mở những trang bút ký của Nguyễn Uyển, người đọc thấy cuộc sống lắm gian truân nhưng thật ý nghĩa. Một Y Vêng, người dân tộc Xê Đăng giữa đại ngàn Tây Nguyên nói câu tưởng giản đơn nhưng biết bao sức nặng của cái tâm, cái tầm và tư tưởng tiên tiến trong đó; việc Đảng giao cần làm cho tốt.
Chị Y Vêng đến với cách mạng trình độ chỉ lớp 3, được cử đi học trung cấp chính trị ở Đà Nẵng, ban đầu các thầy cô không nhận, bởi theo tiêu chuẩn học viên ở miền núi phải lớp 4, chị xin thầy cô cho học thử một tuần, chị phấn đấu và được học chính thức, khi tốt nghiệp đạt loại giỏi.
Từ đó chị cứ học lên và tự học, trải qua nhiều chức vụ, chị vượt lên, được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh, rồi UVTW Đảng hai khóa IX, X, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, 15 năm Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII.
Ở chị, ngoài cái tâm, cái tầm phải có ý chí, nghị lực cực lớn. Đọc những trang viết của Nguyễn Uyển về chị, tôi càng cảm phục, như tác giả giải bày “Mỗi khi nhắc đến Kon Tum thì cái tên Y Vênh như lại vang lên, ngân lên” (tr.193).
Rồi biết bao con người bình dị như nhà báo Nguyễn Vân Chương, giữa trời Tây Bắc gian khó mà cứ say nghề “rất say, say mấy chục năm giời…” (tr.350). Lầu A Vàng - nhà báo cắm bản, giúp dân xóa đói giảm nghèo; Nguyễn Chí Ninh chiến sĩ quân y nơi “cửa gió” Tây Trang; Nguyễn Thị Mây - mẹ hiền của dân bản y tế Chà Nưa… cứ tỏa sáng, rạng ngời, níu kéo tôi say sưa đọc không dứt ra được!
Các chân dung mà Nguyễn Uyễn viết trong “Bác Hồ của nhân dân”, người đọc như được đi giữa vườn hoa đẹp ngan ngát mùi hương. Thật diệu kỳ! Có những bông hoa đẹp ta đã biết rồi, ngắm nhiều rồi nhưng vẫn phát hiện ra cái hay, cái mới. Vẻ đẹp ở đây không phải hình thức bề ngoài mà nó ngát hương từ nhân cách, đức độ, tài năng, bản lĩnh… của các nhân vật.
Đó là nhà báo Hà Đăng “đôi mắt sáng trong, hiền hậu, nụ cười chân tình, khuôn mặt phúc hậu…” (tr.194), trải lòng về nghề báo: “Phải luôn có cách nhìn đúng, nhìn thẳng, nói rõ sự thật, không đưa tin thất thiệt… tài năng nào thì cũng phải lao động cật lực mới làm nên” (tr.198).
Ông Lê Huy Ngọ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú “là người am tường công việc nông nghiệp, nông dân và nông thôn… hiểu lòng dân, hiểu việc một cách chuyên sâu như chuyên gia nên anh ấy có cách truyền cảm hứng và động lực cho họ” (tr.204-205). Giáo sư Phong Lê “tư duy mới mẻ, sắc sảo, đắm say với nghề, kỹ càng chữ nghĩa đến lạ lùng. Say văn chương như lẽ sống “Trời còn cho sống thì còn viết, viết đều, viết nữa, viết như lẽ sống ở đời” (tr.212).
Giáo sư Hoàng Chí Bảo “thấu hiểu sâu sắc về tri thức, kiến thức, say đắm truyền cảm cho người nghe bằng sự “thấu cảm” về tình người nồng ấm, chân tình” (tr.214). Trần Quang Bình (Nguyễn Văn Dĩ) Tổng Giám đốc Nha thông tin và Tổng cục trưởng đầu tiên của ngành Bưu điện “nói ít làm nhiều, đối với công việc và đồng chí thì chu đáo đến từng li từng tí” (tr.243).
Hồ Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng “là tấm gương trong” (tr.258). “Phan Quang là nhà văn - nhà báo tài năng, lãnh đạo giỏi và sáng tạo” (tr.260), ông như ngọn đèn Thần dẫn dắt nhiều thế hệ nhà báo và đã từng quan niệm “Báo chí theo loại hình nào cũng chỉ một chức năng: Phục vụ con người (tr.263).
Phan Hoàng Oanh (Bảy Oanh) cựu tù Côn Đảo “tận tụy với công việc, nhiệt tình truyền lửa khí phách cách mạng cho mọi người” (tr.267), coi Côn Đảo như máu thịt của mình; sau ngày miền Nam giải phóng, đã vận động gia đình ra chốn linh thiêng này sinh sống, chỉ vì “Côn đảo là nơi biết bao chiến sĩ, biết bao đồng đội vĩnh viễn nằm trong cát bụi, thiếu vắng người hương khói” (tr.269-270).
Một Hữu Thọ “nổi danh là cây viết ngồn ngộn lượng thông tin. Viết chân thực, chắc chắn, sắc sảo” (tr.299); thích đối thoại hơn đăng đàn, bởi đối thoại để học nhau, hiểu nhau, để mọi người cùng sáng tạo “đi theo cái hay, cái tốt, cái thiện là tâm sáng, lòng trong” (Tr.301)… và biết bao chân dung khác được Nguyễn Uyển dày công khắc họa.
Họ là những giáo sư, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, cựu tù Côn Đảo, làm công tác kiểm tra hay chính khách… ngoài tài năng, tầm nhìn sắc sảo, nhạy bén về chính trị và cao hơn là đạo lý và nhân cách làm người!
Ở họ, đã vượt lên chính mình để tu dưỡng về văn hóa, học thuật, rèn luyện về đạo đức, nhân cách tài năng. Nếu viết về họ, Nguyễn Uyển không thấu cảm, không xúc động thì làm sao tác động sâu xa đến người đọc vậy?
Nếu trái tim Nguyễn Uyển không thực sự rung động thì làm sao rung động trái tim bạn đọc mạnh đến thế? Nhân vật của Nguyễn Uyển cảm hóa con người bằng sự chân thành, giản dị, thực tài; bằng tình cảm đầy lòng vị tha, thấm đẫm chất nhân văn của tính người, tình người!
Xuất phát từ một nhà giáo, Hiệu trưởng cấp II, học làm báo tại Trường Đại học Tuyên giáo, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành nhà báo, nhà văn, nhà quản lý báo chí, Nguyễn Uyển trải lòng trong từng trang báo, trang văn. Ông thử sức đủ thể loại và thể loại nào cũng thành công.
Với ông, từng trang bút ký, tiểu luận có sức hấp dẫn, thuyết phục, lay động bạn đọc! Cái tài của ông là ở trình độ quan sát, bóc tách hiện thực; tài ở khả năng nghiên cứu, ở khả năng biểu đạt, ở ý tưởng mới mẻ và sâu sắc trong mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh, cá nhân và môi trường.
Bút ký chân dung, tiểu luận của ông thể hiện sức hiểu biết, nhạy cảm và sự từng trải, chiêm nghiệm sự đời; đi nhiều, tiếp xúc nhiều, hiểu nhiều, ghi chép tỉ mỉ và những phát hiện bất ngờ đầy thú vị.
Lật từng trang bút ký chân dung cũng như tiểu luận của ông, ta thực sự bị ám ảnh, ấn tượng bởi một người nhiều trải nghiệm. Những trang viết của ông đã mang đến cho người đọc một cái nhìn chân thực, thấu đáo, toàn diện, đa chiều và sâu sắc về cuộc sống và con người!
Thu Hà Nội, năm 2021