(GD&TĐ) - Công tác tiêm chủng mở rộng đã trải qua chặng đường gần 30 năm và có thể nói đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc loại trừ các bệnh phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ số 4 trước 8 năm. Tuy nhiên, trước những tai biến xảy ra trong thời gian vừa qua, không ít người đã quay lưng lại với chương trình, một số khác lại đặt câu hỏi về chất lượng vacxin, quy trình tiêm và bảo quản…
Trên 40 ngàn trẻ được cứu sống
Tại buổi tọa đàm trực tuyến Tiêm chủng mở rộng: “Những vấn đề cần giải quyết” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/8, GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện VSDTTW, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng quốc gia cho biết: Năm 1985, Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên toàn quốc với 6 bệnh phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi. Trong gần 30 năm qua, chương trình TCMR đã triển khai tiêm chủng miễn phí 11 loại vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, với tỷ lệ bao phủ luôn đạt từ 80 - 90%.
Cũng theo GS TS Hiển, nhờ tiêm vacxin, tỷ lệ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần, nhiều bệnh không có ca tử vong nào từ sau năm 2005….
Công tác tiêm chủng tại huyện Krông Bông |
Chờ kết luận cuối cùng
GS Hiển cho biết: Vacxin cũng như thuốc, với một số người khi tiêm sẽ có phản ứng phụ. Khi tiêm vacxin, thông thường người tiêm sẽ bị sưng, đau tại chỗ, sốt nhẹ. Cũng có một số trường hợp do cơ thể quá mẫn cảm nên sau khi tiêm có phản ứng nặng, phải nhập viện. Tuy nhiên, qua theo dõi, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm chủng hiện nay tại Việt Nam, như viêm gan B là 0,50/1 triệu. Với vacxin uốn ván kết hợp với bại liệt thì tỷ lệ phản ứng nặng là 0,90/1 triệu. So với phản ứng mà Tổ chức y tế thế giới thống kê và quy định thì tỷ lệ phản ứng nặng ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Ví như tỷ lệ phản ứng nặng do vacxin viêm gan B mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra là 1 - 2/triệu, vacxin sởi là trên 1/triệu…
Phản ứng phụ sau tiêm là điều dễ hiểu nhưng với hàng loạt vụ tai biến xảy ra trong thời gian vừa qua thì người dân không thể không hoang mang. GS. TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm viêm gan B ở Quảng Trị là sự việc đau lòng. Theo GS Huấn: “Phải tìm nguyên nhân xảy ra khi có sự cố về vacxin. Về cơ bản có 3 nguyên nhân chính là: do vacxin, do quy trình tiêm chủng; do tỷ lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi/1000 trẻ sống còn gọi là hội chứng đột tử của trẻ sơ sinh”.
Hiện nguyên nhân đột tử sơ sinh đã được loại bỏ, Bộ Y tế đã chuyển sang Bộ Công an để tìm ra nguyên nhân do vacxin hay quy trình tiêm chủng. Trong khi chờ kết luận cuối cùng, GS Huấn khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ tiêm phòng các loại vacxin theo lịch bởi trung bình mỗi ngày có 50 trẻ sơ sinh tử vong nên tần suất tử vong trùng hợp với tiêm vacxin là rất lớn. Đối với vacxin phòng bệnh viêm gan B, “không thể vì những tai biến trên mà tạm dừng tiêm”, GS Huấn khẳng định bởi mỗi năm nước ta có 1,2 tiệu trẻ em chào đời, trong số đó, tỷ lệ viêm gan B ở các đối tượng khác nhau là 16 - 20%, tức khoảng 80% các bà mẹ không mắc viêm gan B. Như vậy, không thể xét nghiệm hết 1,2 triệu bà mẹ trước khi sinh bởi quá tốn kém và không cần thiết. Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vacxin cho trẻ mới sinh càng sớm càng tốt.
H.Thu