Nguyên tắc thi đua khen thưởng?

Nguyên tắc thi đua khen thưởng?

(GD&TĐ) - Hỏi: Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Trà ở Vĩnh Long cùng một số giáo viên ở Tiền Giang, Thanh Hóa, viết thư hỏi chuyên mục Hộp thư bạn đọc: Nguyên tắc xếp loại thi đua có được ngành giáo dục quy định hay không vì hiện nay chúng tôi thấy các danh hiệu như: Lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua v.v… thường là các đồng chí làm công tác quản lý, còn giáo viên như chúng tôi rất hiếm được?

Ảnh minh họa (ảnh: Đức Trí)
Ảnh minh họa (ảnh: Đức Trí)

Trả lời:

Ngày 3/4/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Giáo dục. Tại điều 3 Thông tư này quy định rất rõ về nguyên tắc thi đua, khen thưởng như sau:

1. Nguyên tắc thi đua

Nguyên tắc thi đua được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Thi đua, Khen thưởng; Điều 3 của Nghị định số 42/2010/NĐ- CP của Chính phủ, cụ thể như sau:

a) Tự nguyện, tự giác, công khai; đảm bảo tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển;

b) Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào kết quả phong trào thi đua;

c) Không bình xét thi đua các cá nhân, tập thể không đăng ký thi đua hoặc đăng ký thi đua không đúng thủ tục, thời hạn.

2. Nguyên tắc khen thưởng

Nguyên tắc khen thưởng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Thi đua, Khen thưởng; Điều 4 của Nghị định số 42/2010/NĐ- CP của Chính phủ, cụ thể như sau:

a) Chính xác, công khai, dân chủ, công bằng và kịp thời trên cơ sở đánh giá đúng hiệu quả công tác của các tập thể, cá nhân; hình thức khen thưởng phải đảm bảo tương đương với thành tích đạt được, không nhất thiết phải khen theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn; một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng;

b) Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất;

c) Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân, đặc biệt quan tâm tới người lao động, người trực tiếp giảng dạy, người công tác tại các vùng khó khăn.

Để động viên khích lệ được các cá nhân và tập thể hăng hái thi đua lao động, rất mong các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng thi đua, khen thưởng trong ngành giáo dục.

GD&TĐ Online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ