Nguyên tắc “học gì thi nấy” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

GD&TĐ - Nội dung trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (sáng 11/6) về những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 và phương hướng các kỳ thi tiếp theo. 

Nguyên tắc “học gì thi nấy” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

LTS: Vừa qua,  tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, phần trả lời chất vấn từ đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời rất thẳng thắn, tự nhận trách nhiệm về mình những công việc còn yếu kém của ngành GD - ĐT, đồng thời đưa ra những phương hướng, giải pháp khá rõ ràng và đầy đủ”.

Đáp ứng nguyện vọng của các cơ sở giáo dục muốn có toàn văn nội dung trả lời của Bộ trưởng tại kỳ họp, đặc biệt là về vấn đề đổi mới công tác thi cử - khâu được chọn là đột phá để thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT; bên cạnh đó, có một số nguồn tin đăng tải không chính xác và đầy đủ về nội dung này, có thể gây hiểu lầm trong xã hội, báo Giáo dục và Thời đại trân trọng đăng tải toàn văn nội dung này nhằm cung cấp thông tin chính xác nhất tới bạn đọc.

Nội dung trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn của Quốc hội (sáng 11/6) như sau:

Trước kỳ thi năm nay, số lượng môn thi tốt nghiệp THPT bao gồm 6 môn, trong đó có 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ là bắt buộc; 3 môn còn lại do Bộ GD&ĐT chọn trong số các môn: Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Vật lý và Sinh học.

Trong quá trình phân tích, đánh giá thực trạng giáo dục để xây dựng Đề án đổi mới, chúng tôi đã phân tích rất kỹ việc này và thấy như sau:

Với việc quy định 3 môn bắt buộc như vậy, và trên thực tế, cùng với các môn sẽ thi đại học, các cháu học rất cẩn thận, đầy đủ; nhà trường cũng tổ chức dạy chu đáo. Với các môn do Bộ GD&ĐT lựa chọn, tâm lý thường vừa học, vừa chờ đợi.

Khắc phục việc này, Bộ đã quy định ngày 31/3 hàng năm mới công bố môn thi, đề phòng công bố sớm thì việc dạy, việc học không ổn, dẫn đến tình trạng đối phó: Trò đối phó với thầy, thầy đối phó với Hiệu trưởng, Hiệu trưởng đối phó với Sở, với Bộ. Đó là một thực tế.

Thực tế thứ hai, các đại biểu Quốc hội chưa đặt vấn đề, nhưng qua dư luận thấy rằng có lo lắng học sinh không học môn Lịch sử. Tôi xin nói luôn vấn đề này: 

Theo cách thi cũ, nếu năm nay quy định thi môn Lịch sử, học sinh sẽ biết chắc sang năm không thi môn Lịch sử nữa. Như vậy dẫn đến tình trạng đối phó, học lệch cả khóa học.

Trước thực trạng này, chúng tôi đề nghị khắc phục bằng cách vận dụng quan điểm của Nghị quyết 29 là chú trọng sự phát triển của học sinh để hình thành nhân cách một cách thực chất.

Những thay đổi của kỳ thi năm nay có những đổi mới sau:

Thứ nhất, quán triệt Nghị quyết 29, trong đó có một đoạn ghi rõ phải kết hợp đánh giá quá trình với kết quả thi, chúng tôi đã thiết kế để xét tốt nghiệp THPT dựa vào hai thông số:

Thông số thứ nhất là kết quả toàn bộ các môn học của học sinh trong năm lớp 12.

Thông số thứ hai là kết quả thi tốt nghiệp 4 môn.

Như vậy, không phải xem xét việc tốt nghiệp chỉ có 4 môn mà chúng tôi áp dụng nguyên tắc “học gì thi nấy”, chỉ khác là quốc gia tổ chức thi 4 môn, còn địa phương và cơ sở đánh giá các môn còn lại. Cách làm này chính là để khắc phục chuyện học -  dạy đối phó và học lệch.

Thứ hai, thay vì Bộ GD&ĐT chọn môn thi sẽ để cho học sinh tự chọn. Điều này cũng quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 là chú trọng giáo dục toàn diện nhưng đến hết bậc THCS. Sang THPT là chú trọng phát triển năng lực học sinh và phải định hướng được nghề nghiệp.

Như thế, các cháu yêu Lịch sử, muốn đi học những ngành nghề liên quan đến Sử, Văn, các cháu sẽ lựa chọn môn Lịch sử, Ngữ văn. Các cháu yêu thích khoa học tự nhiên sẽ lựa chọn Toán, Lý, Hóa. Các cháu yêu thích những môn khác có sự lựa chọn khác theo định hướng nghề nghiệp. 

Cách làm như vậy vừa chú trọng giáo dục toàn diện, vừa tôn trọng và phát huy được năng lực, sở trường của các cháu ở ngưỡng cửa bước vào cuộc đời với tư cách là những con người lao động trong tương lai rất gần của đất nước.

Năm nay, các phương tiện truyền thông có nói đến một hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện, đó là có những hội đồng thi chỉ có 1 học sinh. Chúng tôi sẽ phải tính toán, cân nhắc việc này sao cho hợp lý, hiệu quả, nhưng đây là một biểu hiện của việc quá trình dạy và học đã thay đổi: Từ chỗ dạy cho số đông sang dạy và chú ý sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh.

Nói nôm na: Trước đây nếu hỏi cô giáo dạy thế nào, cô trả lời: “Tôi dạy một lớp 40 cháu”, thì nay câu trả lời sẽ là: “Tôi dạy 40 cháu trong một lớp”. Có nghĩa là chú ý dạy từng cháu để vừa phát triển toàn diện, vừa chú ý hình thành năng lực phẩm chất.

Trả lời câu hỏi: Kỳ thi tốt nghiệp này có tiếp tục đổi mới, thay đổi gì không? Như chúng tôi nói ban đầu, bên cạnh việc thiết kế chương trình mới để làm mới hoàn toàn theo phương án phát triển năng lực, thì học sinh đang học tại các trường phổ thông vẫn học chương trình cũ. 

Nhưng cần phải thay đổi theo hướng mới, nên sẽ có điều chỉnh tiếp để nội dung đề thi kiểm tra năng lực và phẩm chất người học càng ngày càng đậm đặc hơn.

Năm vừa rồi làm một bước, sau tiếp tục sâu hơn. Thầy sẽ thay đổi cách dạy, trò sẽ  thay đổi cách học qua tác động của kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi. Càng chuyển động mạnh ở quá trình dạy học thì quá trình thi sẽ càng thay đổi. 

Nhưng sẽ thay đổi phù hợp, thay đổi không tạo bất ngờ, không gây sốc, không tạo sự lo lắng của cả xã hội, cho nên sẽ sâu thêm theo hướng thi và kiểm tra phát triển năng lực và phẩm chất.

Với câu hỏi: Có tiến tới một kỳ thi không? Việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nằm trong lộ trình tiến tới có một kỳ thi quốc gia làm cả hai nhiệm vụ là đánh giá tốt nghiệp THPT và tuyển lựa học sinh vào đại học và cao đẳng.

Chúng tôi đang trao đổi, tính toán và đã báo cáo sơ bộ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc này. Chúng tôi cũng sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi của xã hội, trên cơ sở chuẩn bị chu đáo, kỹ càng hơn việc này. 

Mời bạn đọc xem thêm video:

* Đầu đề do báo Giáo dục & Thời đại đặt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.