Nguyên nhân học sinh Nhật Bản từ chối đến trường

Nguyên nhân học sinh Nhật Bản từ chối đến trường

Hiện tượng futoko

Mùa xuân năm ngoái, cậu bé Utah Ito 10 tuổi chờ đến ngày Tuần lễ vàng hằng năm để thông báo cho bố mẹ biết em không đi học nữa. Ở trường, cậu bị bắt nạt, thường xuyên đánh nhau với các bạn cùng lớp, tuy nhiên, trong mấy tháng đầu, bố mẹ vẫn thuyết phục được cậu đến trường.

Bố mẹ phải đối mặt với một sự lựa chọn: đưa cậu đi điều trị rối loạn tâm lý, dạy cậu học ở nhà hay gửi cậu tới cái gọi là trường tự do. Họ đã chọn phương án thứ ba. Bây giờ Utah muốn học gì thì học và cậu tỏ ra sung sướng hơn nhiều.

Utah là một trong nhiều futoko mà Bộ Giáo dục Nhật Bản định nghĩa là những đứa trẻ bỏ học hơn 30 ngày vì những lý do không liên quan đến tình trạng sức khỏe hoặc tài chính. Theo nghĩa rộng, futoko có nghĩa là học sinh trốn học, sợ đi học hoặc bỏ học.

Ngày 17/10/ 2019, chính phủ Nhật Bản thông báo, số lượng học sinh trốn học ở trường tiểu học đạt mức kỷ lục: 164.500 em (năm 2018) và 144.000 em (2017).

Mô hình “nhà trường tự do”

Phong trào “nhà trường tự do” ra đời ở Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ trước nhằm đáp lại sự gia tăng số lượng futoko. Đây là những ngôi trường thay thế dựa trên các nguyên tắc tự do cá nhân và phương pháp tiếp cận cá nhân. Cùng với việc giáo dục tại nhà, các trường này được chính phủ công nhận là một giải pháp thay thế cho giáo dục phổ thông bắt buộc, nhưng không cấp chứng chỉ cho học sinh sau khi học xong. Số lượng học sinh các trường này tăng từ 7.400 năm 1992 lên 20.300 năm 2017.

Việc bỏ học ở trường phổ thông có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho thế hệ trẻ. Nhiều bạn trẻ sau này sẽ hoàn toàn tách khỏi xã hội và giam mình trong bốn bức tường. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ học sinh phổ thông tự tử gia tăng. Năm 2018, đã có 332 vụ quyên sinh. Số vụ tự tử gia tăng đã buộc chính phủ Nhật Bản ban hành luật phòng, chống tự tử vào năm 2016 với các khuyến nghị đặc biệt cho các trường học.

Đâu là nguyên nhân?

Học sinh ở Trường tự do Tomagawa
 Học sinh ở Trường tự do Tomagawa

Theo một khảo sát của Bộ Giáo dục, các nguyên nhân chính gồm hoàn cảnh gia đình, mâu thuẫn với bạn bè và sự bắt nạt của bạn bè cùng lớp. Thông thường, những học sinh này viện cớ là quan hệ xấu với các học sinh hoặc giáo viên khác. Như trường hợp đã xảy ra với nữ sinh 12 tuổi Tomoe Morihashi.

“Em không cảm thấy thoải mái. Đi học chán vô cùng” - Tomoe nói. Ngoài ra, Tomoe còn rất ít nói khi ra khỏi nhà. “Em không thể trò chuyện với ai ngoài phạm vi ngôi nhà và gia đình mình” - Tomoe nói tiếp.

Tomoe rất khó thực hiện tất cả các nội quy nghiêm ngặt được đề ra trong trường phổ thông Nhật Bản. Ví dụ, không được nhuộm tóc, dây buộc tóc chỉ được một màu...

Nhiều trường phổ thông Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ ngoại hình của học sinh. Trong một số trường hợp, nội quy nhà trường thậm chí quy định màu đồ lót.

Các nội quy nghiêm ngặt của nhà trường xuất hiện vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước để đối phó với nạn bắt nạt của học sinh. Các nội quy này được gọi là “nội quy nhà trường đen”.

Tomoe và Utah hiện đang học tại Trường Phổ thông tự do Tomagawa. Học sinh ở đây không mặc đồng phục và tự chọn môn học mình yêu thích. Kế hoạch học tập do nhà trường cùng với học sinh và bố mẹ các em xây dựng. Học sinh ở đây được khuyến khích phát triển các kỹ năng và sở thích cá nhân. Trường có phòng máy tính cho các lớp học tiếng Nhật, toán và thư viện truyện tranh manga Nhật Bản. Bầu không khí ở trường thân mật như trong một gia đình.

“Mục tiêu của trường chúng tôi là phát triển các kỹ năng xã hội”, - Hiệu trưởng Takashi Yoshikawa nói. Điều quan trọng là học cách không hoảng hốt ở chỗ đông người, cho dù lúc đang học, chơi hay chơi thể thao. Gần đây, trường chuyển đến một tòa nhà mới, mỗi ngày có khoảng mười người đến trường.

Yoshikawa mở trường tự do đầu tiên vào năm 2010 trong một tòa nhà ba tầng ở khu dân cư Fuchu của Tokyo.

“Tôi chờ đợi những học sinh từ 15 tuổi trở lên, nhưng chỉ gặp những học sinh từ 7 - 8 tuổi. Đa số các em không trò chuyện và không làm gì”- ôngYoshikawa nói . Ông Yoshikawa cũng cho biết, những khó khăn trong giao tiếp chính là nguyên nhân gây ra việc học sinh bỏ học. Ông nhận thấy học sinh thường dằn vặt vì sự nghèo khổ hoặc bạo lực gia đình, và điều này được thể hiện ở kết quả học tập của các em.

Giáo sư Ryo Uchida, chuyên gia về giáo dục tại Đại học Nagoya, cho rằng, vấn đề trở nên khó khăn hơn bởi số lượng học sinh trong lớp ngày càng đông. “Nếu trong lớp có 40 học sinh buộc phải sống cả năm với nhau, thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra” - ông nói.

Giáo sư Uchida cho rằng, mối quan hệ là yếu tố quan trọng trong sự sống còn của người Nhật vì mật độ dân số rất cao. Nếu không hòa đồng và không phối hợp với người khác, bạn sẽ không sống nổi. Nhưng đối với nhiều học sinh, đây là một đòi hỏi khó khăn. Các em không cảm thấy thoải mái trong những lớp học quá đông. Ở đó, trong một không gian hạn hẹp, các em phải làm đủ thứ với các bạn cùng lớp.

Hơn nữa, ở Nhật Bản, học sinh học cùng một lớp từ năm này sang năm khác, nếu có nạn bắt nạt xảy ra, các em không biết chạy đâu cho thoát và đến trường trở thành một khổ nạn.

“Xét về mặt này, sự hỗ trợ của các trường tự do là rất quan trọng - Giáo sư Uchida nói. Các trường tự do ít quan tâm đến sĩ số lớp học và coi trọng suy nghĩ, cảm xúc của mỗi học sinh”. Nhưng mặc dù có các trường tự do thay thế, những khó khăn của hệ thống giáo dục vẫn không thay đổi.

Theo Giáo sư Uchida, việc nhà trường không phát triển những kỹ năng khác nhau của học sinh là xâm phạm quyền lợi của các em. Ý kiến này được nhiều người đồng thuận. Trong nước, các nội quy nghiêm ngặt của nhà trường phổ thông Nhật Bản và bầu không khí trong đó nói chung thường bị chỉ trích. Một bài báo gần đây trên tờ “Tokyo Shimbun” gọi những nội quy đó là vi phạm nhân quyền và là trở ngại cho sự phát triển của học sinh.

Tháng 8/2019, phong trào xã hội “Đả đảo nội quy của nhà trường đen!” đã gửi một bản kiến nghị lên Bộ Giáo dục với lời kêu gọi điều tra các nội quy quá nghiêm ngặt trong các trường học. Bản kiến nghị thu thập được chữ ký của hơn 60.000 người.

Giáo sư Uchida nói rằng Bộ Giáo dục hiện nay hình như coi việc bỏ học không phải là một hiện tượng bất thường nữa, mà là một xu thế. Ông coi đây là sự thừa nhận ngầm rằng, trẻ em futoko không phải là một vấn đề phức tạp, mà là một phản ứng đối với hoạt động của hệ thống giáo dục không thể tạo cho các em những điều kiện học tập thuận lợi.

Theo BBC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ