Nguy hiểm khôn lường khi uống nước sai cách

Mùa hè khiến cơ thể lúc nào cũng cảm thấy khó chịu, luôn trong tình trạng khát nước. Tuy nhiên không phải cứ uống nhiều nước để giải khát là tốt.

Nguy hiểm khôn lường khi uống nước sai cách

Thời tiết mùa hè nắng nóng khiến cho cơ thể chúng ta luôn trong tình trạng khát nước và có thể ghé bất cứ chỗ nào để “giải nhiệt” bằng một ly nước mát nào đó. 

Nhưng uống nước thế nào cho đúng cách, nên uống những loại nước gì để đảm bảo sức khỏe và năng lượng hoạt động cho những ngày nắng nóng thì không phải ai cũng biết.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Bác sĩ Lê Hùng - Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, mùa nắng nóng khi làm việc thân thể thường toát nhiều mồ hôi dẫn đến bị mất nước nên có cảm giác nóng và “khô” người. Cách giải quyết tình trạng này đơn giản nhất là uống nhiều nước để bù lượng nước mất.

Trường hợp làm việc trong môi trường nắng nóng nhiều, chơi thể thao nhiều, lượng mồ hôi mất quá nhiều nên cơ thể vừa mất nước vừa mất thêm các chất muối, các chất điện giải... thì nên pha thêm một chút muối trong một ly nước rồi uống.

Còn theo lương y Trần Nam Hoàn (Hội Đông y quận Tân Bình, TPHCM), nắng nóng làm cho bì phu (da ngoài) nóng, đặc biệt là trẻ con thường nổi rôm sảy. 

Nước mát trong Đông y có vị cát căn (thường gọi bột sắn dây) có tính năng giải nhiệt ngoài da nên uống vị này rất tốt. Hay có thể uống những vị nước đắng có tính năng tả hỏa, giảm nhiệt trong cơ thể như nước ép khổ qua, chanh, cà chua, dưa leo… cũng rất tốt.

Bên cạnh đó, theo BS Lê Hùng, mùa nắng nóng ngoài vấn đề rất quan trọng là phải uống đủ nước còn có một số nước giải khát có thể giúp bồi bổ và làm mát cơ thể. 

Thí dụ các loại nước trái cây (cam, chanh, bưởi, mơ, nho, thơm, dưa hấu...) hay một số loại dược thảo mà người dân thường hay sử dụng để chế biến làm nước mát dùng trong mùa nắng: rễ tranh, mía lau, râu bắp, mã đề, hoa cúc, nha đam, artichoke, nhân trần, sa sâm, huyền sâm... 

Có thể dùng một loại như mía lau hay râu bắp hoặc artichoke... hay có thể kết hợp hai loại với nhau như mía lau và râu bắp hay rễ tranh, mía lau hoặc mía lau với artichoke để nấu nước mát.

Ngoài tác dụng làm mát cơ thể những loại dược thảo trên còn có tác dụng lợi tiểu. Chính vì vậy nên dùng một ngày khoảng 1-2 ly lớn là đủ (khoảng trên dưới 2 lít/ngày). 

Một số người uống nhiều và uống lâu dài có thể bị chuột rút và cảm thấy mệt mỏi do mất các chất điện giải. Một số người tạng hàn (lạnh) không nên uống nhiều nước mát vì có thể làm cho cơ thể bị lạnh và bệnh sẽ nặng thêm khi thời tiết chuyển qua mùa lạnh.

“Uống nước mát cũng nên uống từ từ để cơ thể nạp và đưa ra bì phu một cách thích hợp. Còn ta uống thật nhiều, một hơi hết một ly lớn thì nguy hiểm vô cùng, đặc biệt là người già yếu và trẻ em ít vận động. 

Khi ta thấy đi tiểu dễ, tiểu cũng là bài tiết giải nhiệt, nước tiểu trong, nhiều vừa là chúng ta đã sử dụng vừa đủ. Còn tiểu nhiều và nhiều lần bất bình thường là không tốt” - lương y Trần Nam Hoàn cho biết thêm.

Trao đổi trên VnExpress, Bác sĩ Đồng Văn Thành (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Uống nước hợp lý trong mùa hè rất quan trọng. Bình thường khuyến cáo uống 1-1,5 lít nước, mùa hè thường phải gấp đôi, tùy vào cơ địa từng người. 

Lượng nước này không bắt buộc với ai, có người uống không ra mồ hôi. Uống nước đến ngưỡng thấy không hấp thụ được thì không nên tiếp tục.

Bệnh nhân suy tim mà uống nhiều nước làm tăng khối lượng tuần hoàn, sẽ bị suy nặng hơn. Vì thế, người suy tim nên khống chế lượng nước đầu vào, khi nào khát thì uống. 

Với bệnh nhân mạch vành, huyết áp thì vẫn uống nước như thường. Người không có bệnh tiểu đường thì uống sữa đậu nành, nước hoa quả.

Ở người già, các phản xạ đều giảm không như trẻ, phản xạ khát nước không còn, không phải ai cũng có cảm giác khát nước. Có người cả ngày chỉ uống vài chén nước chè rồi thôi. Vì thế, khuyến khích các cụ đong lượng nước cần uống vào một chai, ngày uống hết chai đấy là được.

Nếu phải lao động chân tay nặng nhọc trong thời tiết nắng nóng thì cần phải uống 4 cốc nước mát mỗi giờ. Không nên uống các loại chất lỏng chứa cồn hay quá nhiều chất đường bởi chúng chỉ làm cơ thể thêm mất nước. 

Vitamin C không làm mát mà làm nóng người, chỉ tạo cảm giác, chưa có căn cứ khẳng định uống C vào làm mát. Thay vào đó người bệnh có thể uống linh chi, râu ngô, bông mã đề vừa mát lại vừa giúp lợi tiểu, bác sĩ Thành cho biết thêm.

Lưu ý nên uống đủ nước:

Nguy hiểm khôn lường khi uống nước sai cách - Ảnh 2

Vào ngày hè nắng nóng, bạn phải đảm bảo uống đủ ít nhất là 1,5-2 lít nước, đối với người lao động nặng, người chơi thể thao thường xuyên bị tiêu hao nhiều nước thì cần phải bổ sung nước cho cơ thể nhiều hơn, ít nhất cũng phải đạt tiêu chí 2-2,3 lít nước mỗi ngày.

Khi thấy khát nước phải uống ngay để bổ sung lượng nước cho cơ thể đồng thời đảm bảo cho các cơ quan làm việc hiệu quả. Nếu bạn khát nước nhưng cứ cố nhịn với hy vọng sẽ làm việc dai sức hơn, hiệu quả hơn thì chính bạn đang làm hại mình, bởi lúc này cơ thể bạn sẽ thiếu nước, máu cô đặc lại ảnh hưởng tới sự co bóp bình thường của tim và đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch.

Bên cạnh đó, cũng nên cẩn thận khi uống nước:

Khi thấy khát, bạn không nên uống một lúc quá nhiều cho đỡ khát bởi như thế sẽ làm tăng khối lượng nước trong cơ thể một cách đột ngột, làm loãng máu, tăng gánh nặng cho hoạt động của hệ tuần hoàn và tim, làm bụng nặng nề, khó chịu, giảm hiệu suất lao động, làm việc. 

Do đó bạn nên uống mỗi khi một ít, uống chậm chậm, từ từ để cơ thể hấp thụ nước hiệu quả, tốt nhất cứ 1-2 tiếng, bạn uống tối đa 200-250ml nước và uống từ từ từng ngụm thôi nhé.

Tuyệt đối không nên uống nước trong khi ăn, nếu vì thời tiết nắng nóng, bạn thấy khát hãy ăn canh thay vì uống nước bởi nước sẽ làm loãng dịch vị ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Đối với những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, phù nề bàn chân, bệnh thận, dù thời tiết nắng nóng làm bạn muốn uống nhiều nước nhưng hãy hạn chế nhé, việc bạn uống nhiều nước sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc điều trị những căn bệnh này, tốt nhất hãy uống nước theo sự chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ nhé.

Nên uống nước ấm, thay vì nước lạnh: Thời tiết nắng nóng, được uống nước lạnh, nước mát sẽ khiến bạn dễ chịu hơn nhưng thực tế các loại nước lạnh sẽ là nguyên nhân gây nên các bệnh về đường hô hấp.

Mặt khác khi cơ thể bạn đang nóng mà uống nước lạnh vào sẽ gây nên những phản ứng không tốt, nhiều người khi uống nước lạnh vào sẽ có cảm giác bị đau nửa đầu, toàn thân ớn lạnh. Chính vì thế hãy uống nước ấm từ 10 - 30oC và hạn chế tối đa nước lạnh nhé.

Một số lưu ý trên hi vọng sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe một cách thật tốt trong mùa hè này.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ