Bác sĩ, Nguyễn Thành Nhân, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết, thoái hóa khớp là một tiến trình tự nhiên của đời sống con người, nên ai cũng có thể mắc phải tình trạng này. Thông thường tình trạng thoái hóa khớp bắt đầu xảy ra ở tuổi trung niên, từ sau 38-40 tuổi trở đi.
Năm 2015, khoảng 94.716 người bệnh đến khám, trong đó 70-80% người bệnh có các triệu chứng liên quan đến thoái hóa khớp và cột sống.
Bệnh nhân hay mắc các chứng đau khớp gối, khớp háng, cột sống cổ, cột sống thắt lưng, các khớp nhỏ ở bàn tay. Do đời sống kinh tế ngày càng phát triển, tuổi thọ ngày càng được nâng cao, dân số già ngày càng nhiều nên số lượng người thoái hóa khớp ngày càng nhiều hơn. Nếu không lưu ý điều trị đau lưng, đau mỏi cổ, đau gối. Nặng có thể gây cứng khớp, đi lại làm việc khó khăn, tê yếu liệt tay chân dẫn đến tàn tật.
Mô hình về các bệnh thoái hóa khớp. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Bác sĩ Nhân cũng cho biết, tổ chức Y tế thế giới (Who) ghi nhận thoái hóa khớp là bệnh lý về khớp thường gặp nhất ở Mỹ có tỷ lệ 10% ở nam và 13% ở nữ từ 60 tuổi trở lên.
Thoái hóa cột sống cũng là một phần của thoái hóa khớp (vì cột sống cũng được xem là các khớp). Tỷ lệ thoái hóa cột sống gia tăng nhanh sau tuổi 45, có triệu chứng thoái hóa cột sống cổ ở 57% người trên 65 tuổi, có bằng chứng thoái hóa cột sống thắt lưng 89% ở độ tuổi 60-69.
Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng số lượng người bị thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống có thể còn cao hơn các nước khác do nhiều các yếu tố nguy cơ hơn. Đến 80% người dân ở nông thôn, phần lớn làm công việc đồng áng nặng nhọc, lao động tay chân. Số còn lại là người dân ở thành thị, đa số là nhân viên văn phòng thì bị ảnh hưởng của lối sống công nghiệp, thói quen lười vận động, làm việc trên máy tính từ 8-10 tiếng mỗi ngày.
Để tránh tình trạng thoái hóa khớp, người làm văn phòng nên thay đổi tư thế khi ngồi sau một tiếng, tập vận động các khớp, tránh ngồi một chỗ quá lâu, tránh đứng nhiều, đứng lâu, mang vác nặng, tránh đi bộ hay leo cầu thang quá nhiều.
Theo nghiên cứu cho thấy, khi leo cầu thang, áp lực lên các khớp gối cao gấp 3 lần khi đi bộ trên mặt phẳng, làm hư các khớp gối. Trong giờ giải lao, những bài tập nhẹ từ 5-10 phút có tác dụng thư giãn rất tốt cho cột sống cổ, thắt lưng.
Bên cạnh đó người có nguy cơ mắc bệnh, cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, sữa để cung cấp vitamin và canxi, tránh thức ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ, tránh bia, rượu, thuốc lá, tránh thức khuya.
Đối với người trên 40 tuổi nên tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục dưỡng sinh, bơi lội, riêng đạp xe đạp tốt cho khớp nhưng không tốt cho cột sống nên cũng hạn chế. Ngoài ra, tinh thần thoải mái, lạc quan cũng là các yếu tố giúp cho khớp khỏe.
Để phổ biến những kiến thức về bệnh thoái hóa khớp cho tất cả mọi người, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện ĐH Y Dược, tổ chức tư vấn cho người có nguy cơ thoái hóa khớp. Bệnh viện sẽ tặng 100 phiếu khám miễn phí cho người dân.