(GD&TĐ) - Đó là thông điệp đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn” với sự tham gia của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp… Buổi giao lưu trực tuyến lần đầu tiên về lĩnh vực sản xuất kinh doanh gas đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của người dân cả nước, cho thấy tính chất “nóng” của vấn đề.
Nhiều năm trở lại đây, gas đã trở thành mặt hàng tiêu dùng quan trọng, không thể thiếu đối với mọi gia đình cũng như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, gas cũng lại trở thành vấn đề gây bức xúc lớn bởi nhiều bất cập đã xảy ra: Thị trường gas gần như bị thả nổi, bát nháo kéo theo sự bất ổn về giá cả và chất lượng.
Về giá cả, suốt hàng chục năm liền, giá gas không khi nào ổn định. Riêng trong năm 2012, giá gas bán lẻ được điều chỉnh tăng 8 lần, giảm 6 lần. Đặc biệt, trong hơn một tháng trở lại đây, giá gas trong nước tăng cao một cách bất thường. Giá gas bán lẻ lên tới 480.000 – 510.000/bình 12kg.
Trong thực tế, trên thị trường gas có quá nhiều thương nhân tham gia kinh doanh nhưng chưa có cơ chế kiểm soát giá gas một cách chặt chẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện nâng giá của các doanh nghiệp. Theo NĐ 107/2009/QĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng LPG (gas), thì cho phép doanh nghiệp tự định đoạt giá bán gas. Lẽ ra, muốn tăng giá bán thì doanh nghiệp phải giải thích lý do tăng giá và phải gửi thông báo giá bán mới đến cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, gần cả trăm công ty đầu mối mạnh ai nấy kinh doanh đã làm cho thị trường hỗn loạn.
Điều đáng lo ngại hơn nữa vẫn là số đông người tiêu dùng không thể biết rõ các bình gas mà mình đang sử dụng có đảm bảo tiêu chí an toàn hay không.
Theo ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng - Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, thì chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, QLTT đã xử lý 400 vụ, phạt hành chính 2 tỷ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 15 nghìn bình LPG, hơn 20 nghìn bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết gas trái phép. Dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng nhìn chung, tình trạng sang chiết gas trái phép vẫn diễn biến khá phức tạp.
Do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là đối tượng làm ăn phi pháp tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động. Cụ thể: Sang chiết gas trái phép ở vùng ven đô, hẻo lánh…, sang chiết bằng dụng cụ tự chế, mua lại vỏ bình trôi nổi, chiếm dụng vỏ bình DN có uy tín cắt quai, sơn lại, mài chữ để làm giả. Có nhiều cơ sở sang chiết bình 12kg sang bình mini; sang bình lớn sang bình nhỏ không đúng quy trình, kinh doanh hàng kém chất lượng; hay đổi thủ đoạn, theo dõi lực lượng chức năng nhằm trốn tránh.
Sang chiết gas trái phép gây tác hại nhiều mặt: Về kinh tế người tiêu dùng bị thiệt thòi, không dùng gas đúng chất lượng; DN làm ăn chân chính bị thiệt hại, nhà nước thất thu thuế… Đặc biệt gây mất an toàn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Như vậy, người tiêu dùng vừa phải bỏ tiền ra mua gas với giá cao lại mua phải gas giả, kém chất lượng, không an toàn.
Đã tới lúc cơ quan chức năng phải thực hiện triệt để và đồng bộ các giải pháp quản lý gas trên thị trường, tránh tình trạng để trôi nổi như hiện nay. Mặc dù là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng việc cấp phép lại quá dễ dàng. Nghị định 107 của Chính phủ về quản lý thị trường kinh doanh gas ra đời nhằm lành mạnh hóa thị trường kinh doanh gas và thị trường chân chính nhưng 4 năm qua đã không phát huy được hiệu quả thì Bộ Công thương cũng nên nghiên cứu để đề xuất có sự điều chỉnh. Nếu không, khi gặp phải những “quả bom nổ chậm” cũng không phải là câu chuyện ngoài lề.
Hồng Thúy