Nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa

GD&TĐ - Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tạo động lực khai thác và phát huy tiềm năng nguồn lực của đất nước, góp phần tích cực vào thành tựu tăng trưởng. Tuy nhiên, cho đến nay quá trình này đã xuất hiện một số hạn chế cần phải khắc phục nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa.

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Lo ngại tình trạng lợi dụng cổ phần hóa

 Việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp bé, nhiều doanh nghiệp sau khi được yêu cầu phải cổ phần hóa chỉ chia cổ phần nội bộ và tìm kiếm cổ đông chiến lược. Nhưng thực chất các cổ đông chiến lược cũng là người nhà của bộ phận điều hành doanh nghiệp. Điều này giảm tính minh bạch trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
 Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ 

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ - đoàn Hà Tĩnh, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn, qua đó sớm chấm dứt đầu tư dàn trải và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tuy nhiên quá trình này còn một số bất cập.Hiện một số doanh nghiệp xác định giá trị tài sản chưa đúng với giá trị thực, có nhiều doanh nghiệp sở hữu nhiều mảnh đất vàng, giá trị hiện tại của những tài sản trên đất đó lớn hơn rất nhiều so với giá trị ghi sổ.

Nhưng trong các báo cáo của một số doanh nghiệp về giá trị tài sản của các doanh nghiệp vẫn theo giá trị ghi sổ. Điều này dẫn đến tình trạng lợi dụng cổ phần hóa và mục tiêu là khu đất doanh nghiệp đang sở hữu, lũng đoạn giá trong việc mua, bán tài sản đất công như trong thời gian vừa qua, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa không đạt hiệu quả và mục tiêu như mong đợi.

Đại biểu Thơ dẫn chứng: Theo Báo cáo số 27 báo cáo Chính phủ, tại trang 25 ngoài xác định có 17 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả với tổng mức lỗ lũy kế là 17.099 tỷ đồng thì các doanh nghiệp hợp nhất khác đều kinh doanh có lãi.

Riêng năm 2016, tổng số lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nhà nước là 139.658 tỷ đồng. Các chỉ số như: hệ số, khả năng thanh toán vẫn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, nghĩa là tài sản hệ số nợ tổng quát đều ở trong ngưỡng cho phép. Các số liệu trên về bản thân tiêu chí thì tốt, doanh nghiệp vẫn đảm bảo khả năng thanh toán quản lý vốn an toàn.

"Còn nhớ vụ Vinashin năm 2010 tổng tài sản có của Vinashin là 103.000 tỷ, tổng tài sản nợ ghi trên sổ sách kế toán là 86.000 tỷ. Nếu tính theo hệ số khả năng thanh toán tổng quát bằng tổng tài sản chia tổng số nợ phải trả là 1,2 thì có nghĩa là Vinashin vẫn đảm bảo khả năng thanh toán.

Vậy tại sao Vinashin lại phá sản không có khả năng tự cân đối dòng tiền. Thực chất hệ số khả năng thanh toán hay hệ số nợ chỉ là các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn về vốn để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp" - đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nói.

Cũng theo Đại biểu Thơ, trong thực tế nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng rất khó tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, làm chậm quá trình cổ phần hóa so với kế hoạch đề ra, hoặc nếu có thì các nhà đầu tư này lại yêu cầu mua một số cổ phần lớn, nắm giữ cổ phần ưu thế để kiểm soát và điều hành doanh nghiệp.

Điều này có thể không đúng định hướng phát triển đối với một số doanh nghiệp công ích, đặc biệt tại các địa phương có thu nhập thấp, thu nhập của người dân còn thấp, cần có sự hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ giá, ví dụ như công ty cung cấp nước sạch.

Theo đại biểu Thơ, bên cạnh giải pháp thoái vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, đối với các doanh nghiệp thuần túy cung cấp dịch vụ công ích chỉ nên cổ phần hóa trong mức độ hạn chế, nhà nước vẫn phải kiểm soát và nắm giữ cổ phần ưu thế.

Bởi lẽ các doanh nghiệp này còn có các mục tiêu là kiểm soát chất lượng, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như thực hiện các trách nhiệm của nhà nước.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ: Hiện một số doanh nghiệp xác định giá trị tài sản chưa đúng với giá trị thực

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ: Hiện một số doanh nghiệp xác định giá trị tài sản chưa đúng với giá trị thực

Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Thực tế một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không có tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá thì giá trúng cao hơn nhiều so với giá khởi điểm.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn

Liên quan đến xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn - đoàn Tiền Giang cho rằng, đây là vấn đề được quan tâm trong quá trình cổ phần hóa thời gian qua.

Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, hầu hết các tập đoàn tổng công ty nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp.

Theo đại biểu Sơn, thực tế cho thấy việc xác định giá đất tại một số địa phương còn lúng túng, bộ máy và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc xác định giá đất chưa đáp ứng yêu cầu thông tin về giá đất trên thị trường, còn thiếu và độ tin cậy chưa cao.

Như vậy, thông số quan trọng để xác định đơn giá thuê đất là tỷ lệ % và giá đất cụ thể đều không thể hiện hết tính hiệu quả trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất của doanh nghiệp cổ phần.

Do đó kiến nghị Chính phủ, cần xem xét lại quy định liên quan đến xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất và giá trị doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước và phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp.

Thẳng thắn nêu quan điểm về cổ phần hóa doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - đoàn Thái Bình băn khoăn: Hiện nay, chúng ta không cổ phần hóa một cách tràn lan và bằng mọi giá.

Cổ phần hóa không cẩn thận là chúng ta lại bán doanh nghiệp tốt, mua và đầu tư vào các doanh nghiệp không hiệu quả, không tốt.

Theo Đại biểu Xuyền, nếu như nhà nước không cần nắm giữ thì cũng phải cổ phần hóa và căn cứ vào phương hướng sắp xếp doanh nghiệp.

Cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng được một kế hoạch, doanh nghiệp nào cần nắm giữ vốn nhà nước chủ đạo, doanh nghiệp nào cần nắm giữ vốn đặc biệt, vốn thấp, hoặc có thể nhà nước không nắm giữ vốn nữa, cổ phần hóa 100%?.

"Đây là vấn đề cần phải đánh giá rõ, chúng ta hiểu đúng tinh thần của nghị quyết và như vậy thì xác định rõ được trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian vừa qua nếu chậm trễ trong việc cổ phần hóa" - Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền nêu vấn đề.

"Đối tượng cổ phần hóa ở đây là những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn và không phụ thuộc vào tình trạng thực tế của doanh nghiệp, kể cả là doanh nghiệp làm ăn tốt đi chăng nữa" - đại biểu Bùi Văn Xuyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ