Nguy cơ mù chữ vẫn còn

Nguy cơ mù chữ vẫn còn

(GD&TĐ) - Đầu tháng 5.2013, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” với mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 1,2 triệu người có độ tuổi từ 15-60, nâng tỉ lệ người dân biết chữ đạt 98%. Quyết định trên là vô cùng quan trọng. Thế nhưng không phải ai cũng thấy, thậm chí còn đặt câu hỏi liệu có cần thiết tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng vào việc này không.

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Để trả lời, xin được bắt đầu với câu chuyện trên báo Tuổi Trẻ mới đây viết về lớp học tình thương do một em học sinh lớp 12 tổ chức. Em tên Nguyễn Thị Thu Dâng, học sinh lớp 12B4 Trường THPT ISchool Ninh Thuận. Cách đây bốn năm, em cùng nhóm bạn học cùng lớp âm thầm mở một lớp học tình thương cho hàng chục trẻ em lang thang, cơ nhỡ, bán hàng rong ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Sự việc chỉ được “phát hiện” khi có nhóm phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Thuận đến lớp học làm phóng sự.

Việc làm của em học sinh lớp 12 là đáng khen. Nhưng qua bài báo, một vấn đề khác được đặt ra là trẻ em đường phố trước nguy cơ mù chữ! Đây là vấn đề xã hội phổ biến nảy sinh trong quá trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển. Ở nước ta cũng không là ngoại lệ. Thời gian qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp mới mọc lên đã thu hút hàng triệu lao động nông thôn tìm đến định cư, làm việc, mưu sinh. Nhiều trẻ em phải đi theo cha mẹ đến nơi ở mới, trong đó không ít em phải bỏ học, tham gia lao động để phụ giúp gia đình. Nhiều gia đình do việc làm không ổn định phải di chuyển nhiều nơi, con em họ nay đây mai đó vì vậy càng ít có cơ hội đến trường.

Ngoài trẻ em đường phố, trẻ em ở các vùng đánh cá ven biển, vùng núi, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa do điều kiện khó khăn khách quan cũng ít có cơ hội đến trường, từ đó có nguy cơ mù chữ cao. Cũng như vậy, phụ nữ ở các vùng trên cũng là nhóm đối tượng dễ rơi vào tình trạng mù chữ.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2011, tỉ lệ trẻ em đi học trung học (trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông) đối với nam chỉ đạt 78,3%, với nữ là 83,9%; còn đối với nam thuộc các dân tộc ít người là 66,3% và nữ của các dân tộc ít người là 65%. Nhìn chung, trong các dân tộc thiểu số, cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ em không được đi học trung học (tỉ lệ 33,3%), còn trong nhóm dân tộc Kinh/Hoa cứ 5 trẻ em thì có 1 em không được đi học trung học (20%). Đối với phụ nữ, tỉ lệ biết chữ của phụ nữ ở độ tuổi 15–24 đạt 96,4%. Tuy nhiên, tỉ lệ biết chữ giảm xuống 82,3% đối với phụ nữ các nhóm dân tộc thiểu số. Điều này có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có khoảng 1 phụ nữ sống trong các hộ gia đình dân tộc thiểu số được xác định là không biết chữ.

Xem vậy, nguy cơ mù chữ và tái mù chữ vẫn còn là một thách thức không nhỏ ở nước ta!

Người không may mù chữ thì lối vào đời của họ coi như khép lại; theo nghĩa họ không thể có cuộc sống tươm tất, đầy đủ mà một con người bình thường có quyền được hưởng. Mù chữ còn đẩy đời sống kinh tế của họ đến khó khăn vì thiếu kiến thức để vận dụng trong việc làm ăn. Ở bình diện lớn hơn, mù chữ làm cho đời sống văn hóa, tinh thần thấp kém và kinh tế - xã hội càng chậm phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”!

Tóm lại, bất kỳ ở đất nước nào, nếu muốn phát triển bền vững không thể không tính đến xoá mù chữ. Vấn đề còn lại là làm sao để việc xoá mù chữ ít lãng phí, đạt hiệu quả cao. Có một thực tế, việc vận động người mù chữ ở độ tuổi 15-60 đến lớp là rất khó. Hầu hết họ phải lao động kiếm sống từng ngày, chưa kể nhiều người trong số họ là trụ cột chính trong gia đình. Mặt khác, nhận thức của họ về việc học chữ còn hạn chế, thậm chí lệch lạc theo kiểu “Trời sinh voi thì sinh cỏ”. Xin kể chuyện xóa mù ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền phải phát tiền để khuyến khích người mù chữ đến lớp, còn hết tiền thì họ… ở nhà. Chứng kiến cách làm này, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, từng thốt lên “chúng ta đang tiêu xài quá tốn kém mà ít hiệu quả, vẫn tái mù”. Theo ông, nên có chính sách khuyến khích người dân học theo cách gắn với quyền lợi thiết thực mà họ được thụ hưởng như được chăm sóc y tế miễn phí với trẻ dưới 6 tuổi, phải học hết lớp 9 mới cấp bằng lái xe… Đó là những đề nghị cần được những người làm công tác xóa mù các cấp xem xét.

Qua câu chuyện, rút ra một điều: Biện pháp chống mù chữ ở người lớn hiệu quả nhất là ngay từ bây giờ ngăn dòng nguy cơ bỏ học của trẻ em!

Lê Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ