NGƯT 16 năm bồi dưỡng HS giỏi tiếng Anh quốc gia

NGƯT 16 năm bồi dưỡng HS giỏi tiếng Anh quốc gia
(GD&TĐ)- Dạy học theo phương pháp nào thì người thầy cũng cần phải kết hợp những nội dung của bài học với thực tiễn cuộc sống, với nhu cầu của xã hội, dạy những gì cuộc sống và xã hội cần thông qua dạy chữ để dạy người. 
Hơn thế nữa nhiệm vụ của nhà giáo là góp phần chủ đạo trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho học sinh, nên ngoài việc dạy kiến thức môn chuyên chúng tôi cũng rất coi trọng giáo dục toàn diện cho các em để các em có đủ năng lực, phẩm chất, xứng đáng là những học sinh giỏi, là hiền tài-nguyên khí của quốc gia.
images53778_04.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao học bổng Vừ A Dính cho các HSG vượt khó của trường. Ảnh, LHP
Đó là quan niệm của Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Minh Hạnh-Tổ Ngoại ngữ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong- TP.Nam Định trong suốt thời gian giảng dạy và nhiều năm dẫn dắt, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) môn tiếng Anh của trường. Hơn 16 năm qua, đội tuyển tiếng Anh của trường Lê Hồng Phong luôn giành thành tích cao, nhiều năm trở lại đây luôn đứng đầu về thành tích thi HSG toàn quốc mà công đóng góp vào thành tích đó của cô giáo Hạnh là không nhỏ. Cô đã vinh dự được ngành GD-ĐT Nam Định cử đi dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII lần này.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ năm 1977, Cô giáo Hạnh được Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định phân công giảng dạy tại Trường THPT Trần Hưng Đạo. Sau khi tốt nghiệp cao học (9/1991) nhận công tác tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. 
Không ngừng nâng cao kiến thức để theo kịp những đổi mới về phương pháp giảng dạy
 NGƯT Phạm Thị Minh Hạnh.
 NGƯT Phạm Thị Minh Hạnh.
Cô Hạnh chia sẻ: công tác bồi dưỡng HSG không chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ chung mà còn là nhân tố thúc đẩy phong trào học tập-giảng dạy của GV-HS. Thông qua giảng dạy, bồi dưỡng HSG mà năng lực của GV-HS được nâng lên. Và chính những kết quả thi HSG đã góp phần khích lệ GV cũng như HS tự tin hơn vào năng lực bản thân, mạnh dạn và năng động hơn trong giảng dạy và học tập. Đặc biệt là giúp HS khối 12 vững tin hơn khi tham gia kỳ thi tuyển sinh vào đại học.
Khoá chuyên Anh đầu tiên (năm1993) không có bài thi tiếng Anh mà  kiểm tra các kỹ năng bằng tiếng Việt. Không có chương trình cũng như giáo trình dành riêng cho lớp chuyên vì thế nhóm GV tiếng Anh (ban đầu có 2 người) vừa dạy tiếng Anh cho các lớp trong trường vừa dạy lớp chuyên mới tuyển.
Thực sự chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm tài liệu phù hợp. Tự bỏ tiền tìm mua rất nhiều sách nhưng có nhiều quyển chỉ dùng được một phần nhỏ, mà chi phí khá tốn kém. Việc soạn giảng cũng gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian do số giờ của lớp chuyên một tuần gấp 2 lần số giờ các lớp thường chưa kể mấy buổi chiều rèn luyện phải soạn rất nhiều bài mà chủ yếu viết tay, Cô Hạnh cho biết.
Trình độ HS tuyển vào lớp chuyên Anh những năm tiếp theo ngày một khá hơn kéo theo việc soạn giảng của GV cũng phải liên tục nâng cao và theo kịp những đổi mới về phương pháp giảng dạy cũng như các yêu cầu của các kỳ thi HSG tỉnh, Quốc gia và đại học. Việc xây dựng một chương trình tổng thể cho 3 năm của lớp chuyên và được bổ sung cập nhật thường xuyên là điều chúng tôi coi trọng. Ngoài ra việc tổ chức chọn lựa chính xác và thành lập  đội tuyển học sinh giỏi sớm, có kế hoạch cụ thể cho việc bồi dưỡng đội dự tuyển, rồi đội tuyển chính thức cũng là khâu hết sức quam trọng.
Tóm lại: Muốn đạt được kết quả tốt thì người giáo viên tham gia dạy lớp chuyên phải thường xuyên học hỏi, tự trau dồi nâng cao trình độ, phải liên tục cập nhật nâng cao kiến thức để theo kịp những đổi mới về phương pháp giảng dạy cũng như các yêu cầu của các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, Quốc gia và thi vào các trường đại học. Cô Phạm Thị Minh Hạnh chia sẻ
Kinh nghiệm giảng dạy
Ngoài hai yếu tố quan trọng trên ra thì việc chăm lo cho các HS từ khi các em vào lớp chuyên cho đến khi vào đội tuyển cũng đóng góp không nhỏ vào thành công của các kỳ thi. 
Chúng tôi  thường xuyên chăm lo đến đời sống của HS, liên hệ với gia đình nhất là những HS có gia đình ở xa, những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và cả những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt cần sự động viên thường xuyên của thầy, cô giáo và các bạn bè trong lớp để các em yên tâm học tập.
Đặc biệt những HS mới vào đội tuyển, ngoài sự chăm lo chung của nhà trường và các chế độ mà các em được hưởng thì GV phụ trách đổi tuyển cũng các thầy cô giáo tham gia giảng dạy thường xuyên quan tâm đến tâm tư nguyện vọng, sức khoẻ, động viên các em tập trung cao cho học tập.
Kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy
Một lớp tập huấn về kinh nghiệm bồi dưỡng HSG của trường chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh, LHP
       Một lớp tập huấn về kinh nghiệm bồi dưỡng HSG của trường chuyên Lê Hồng Phong.                Ảnh, LHP
Cô Phạm Thị Minh Hạnh cho biết về kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy của mình đã đúc rút trong quá bồi dưỡng HSG: huy động tối đa năng lực của tổ chuyên môn và các GV trong tổ chuyên môn tham gia giảng dạy các chuyên đề, chọn lựa bài tập, ra đề kiểm tra để học sinh giỏi tự rèn luyện.
Xây dựng được môi trường lớp học mang đặc thù riêng, hiệu quả. Phân loại được từng đối tượng HS để tập trung giáo dục cá thể. Lập hồ sơ đánh giá trong từng giai đoạn  để theo dõi quá trình học tập, sự tiến bộ của HS.  
Các GV phụ trách đội tuyển hoặc dạy môn chuyên phải hướng dẫn cho HS cách học môn chuyên, từ việc chọn loại từ điển cần thiết, các loại sách tham khảo phục vụ cho các chuyên đề trong chương trình đến cách học các nội dung ngữ pháp hay từ vựng. 
Chúng tôi rất coi trọng việc hướng dẫn HS tự học, vì theo tôi con đường ngắn nhất để một HS đạt được kết quả học tập tốt là phải tự học, tự nghiên cứu. Nhưng động lực để giúp các em tự học, tự nghiên cứu chính là niếm say mê, hứng thú đối với môn học, cô Hạnh cho biết.
Để giúp các em có được niềm say mê này không ai khác chính là người thầy trực tiếp giảng dạy. Hơn nữa trong quá trình tự tìm tòi, học hỏi các HS càng được củng cố và tăng cường thêm niềm say mê và sự hứng thú. Ngoài việc học và làm các bài tập GV yêu cầu HS phải thường xuyên tự đọc và nghiên cứu các loại sách mà GV đã giới thiệu  hoặc hướng dẫn cách sưu tầm có sự kiểm tra đánh giá thường xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau. 
Hàng năm nhà trường đều tổ chức dạ hội cho các lớp chuyên Anh có các nội dung như hùng biện bằng tiếng Anh, hát, diễn kịch, đố vui và trả lời các câu hỏi tìm hiểu về nước Anh cũng là một cách tạo sự hứng thú và sự say mê môn học cho HS. Bên cạnh đó việc giới thiệu cho HS những địa chỉ, những trang web tin cậy để các em có thể học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ là viêc mà HS cần làm trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.
Những thành quả ngọt ngào
7 năm liền cô Hạnh làm lãnh đạo đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh Quốc gia, nhiều năm làm chủ nhiệm các lớp chuyên Anh và liên tục tham gia bồi dưỡng cho đội tuyển đến nay; thành tích của đội tuyển Tiếng Anh đã ngày càng ổn định nhiều năm đạt 100% số giải. 
4 năm trở lại đây (từ năm học 2006-2007), đội tuyển tiếng Anh của trường Lê Hồng Phong đều đạt tối đa các giải thưởng của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. 12 năm trước đó, đội tuyển cũng liên tiếp giành các giải cao và nhiều năm đạt tối đa các giải. Năm học 2009-2010 tỉnh Nam định có 84 em dự thi Quốc gia có 82 em đạt giải. Đội tuyển Tiếng Anh mà cô Hạnh tham gia giảng dạy đã đạt 8/8 giải.
Với những đóng góp của mình, nhà giáo Phạm Thị Minh Hạnh đã vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý:  Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt nam... và nhiều phần thưởng cao quý khác. Gần đây nhất là danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Giang Đông