(GD&TĐ)-Nguồn nhân lực ngành cơ khí vừa thiếu, vừa hạn chế về trình độ. Số chuyên gia đầu ngành, cán bộ kỹ thuật lành nghề thiếu; nhân công lao động được đào tạo chiếm tỷ lệ chưa cao; đội ngũ kỹ sư cơ khí, sau đại học chuyên ngành cơ khí không tăng kịp so với nhu cầu tăng lên của các cơ sở sản xuất...
Đó là một trong những vấn đề được nêu ra tại Hội nghị khoa học toàn quốc về cơ khí do Viện Cơ khí (ĐH Bách khoa Hà Nội) phối hợp với các đơn vị đào tạo và nghiên cứu trong nước tổ chức diễn ra hôm nay (13/10).
Hội nghị khoa học toàn quốc về cơ khí. Ảnh: gdtd.vn |
Đến tháng 12/2009, cả nước có khoảng 80 trường ĐH và CĐ đào tạo ngành cơ khí. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020 ghi rõ, nhà nước ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí và hỗ trợ kinh phí cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài theo các chương trình, dự án được phê duyệt.
Tuy nhiên, theo TSKH Phan Xuân Dũng (ĐH Bách khoa Hà Nội), hiện năng lực khoa học công nghệ, trình độ khoa học công nghệ cơ khí của nước ta còn thấp. Các doanh nghiệp chỉ nhập máy móc, sản xuất chủ yếu gia công những giai đoạn thông thường, thiếu phương tiện kiểm định, chưa có ngành mũi nhọn, nhà máy cũ, lạc hậu, sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hóa, liên thông, liên kết...
Nguyên nhân yếu kém, theo các chuyên gia, là do việc đầu tư cho ngành cơ khí quá nhỏ, dàn trải, thiếu tập trung nhưng trùng lặp; Doanh nghiệp cơ khí không có đủ nhân lực có tay nghề cao. Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của doanh nghiệp, trình độ của đội ngũ nhân lực có hạn. Doanh nghiệp quen sản xuất, ít nghiên cứu sáng tạo. Công nghệ quá lạc hậu so với thế giới (hàng nửa thế kỷ). Việc tổ chức sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hóa, liên doanh, liên kết. Nghiên cứu KHCN chưa được chú trọng đúng mức...
Để phát triển ngành cơ khí cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ: Cơ chế chính sách của Nhà nước, chiến lược về đào tạo, chiến lược đầu tư, chiến lược làm chủ khoa học công nghệ và hợp tác, liên thông liên kết trong và ngoài nước.
Riêng chiến lược về đào tạo, sẽ phát triển mạnh nguồn nhân lực ngành cơ khí. Đảm bảo đủ nhân lực phục vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tạo bước chuyển đột phá về chất lượng đào tạo. Năm 2015 đạt 30%, 2020 đạt 50% SV tốt nghiệp có đủ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ làm chủ KHCN và có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Đảm bảo đủ, đúng nhu cầu của doanh nghiệp trong tất cả lĩnh vực thuộc công nghiệp cơ khí. Đảm bảo CSVC, kỹ thuật giảng dạy và học tập, thí nghiệm, thực hành; tiệm cận với trình độ khu vực và thế giới.
Cùng với đó, xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực ngành cơ khí với sự phối hợp của các trường đại học, các viện nghiên cứu về cơ khí, các Bộ ngành, các doanh nghiệp, các tỉnh thành. Đến năm 2015, đảm bảo tỷ lệ 15 sinh viên trên một giảng viên; đội ngũ giảng viên đạt 70% có trình độ thạc sỹ, 45% có trình độ tiến sĩ.
Nghiên cứu cơ chế ưu tiên tuyển dụng và chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút, tuyển dụng các sinh viên giỏi, gửi đi đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo giảng viên cơ khí. Tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp cơ khí, ưu tiên chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở ở xa các trung tâm đào tạo lớn, chú trọng khu vực miền Trung và miền Nam...
Việc đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lĩnh vực cơ khí cũng cần được chú trọng. Khuyến khích các trường sử dụng chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước có nền công nghiệp cơ khí mạnh và đăng ký kiểm định chương trình đào tạo với các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế. Đến 2010, đảm bảo 100% các môn học đều có giáo trình; đến năm 2015, tất cả các môn học phải có giáo trình điện tử. Chú trọng việc đào tạo lại, bồi dưỡng định kỳ cho giảng viên ngành cơ khí trong và ngoài nước, đào tạo nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu khoa học cho giảng viên,...
Hiếu Nguyễn