Nguồn lực địa phương phát triển Giáo dục Tiểu học

Nguồn lực địa phương phát triển Giáo dục Tiểu học

(GD&TĐ) - Tại Ninh Thuận, Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Giáo dục tiểu học(TH) với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các Sở GD-ĐT trên cả nước. Tại hội nghị các hoạt động nhằm hướng đến việc phát triển giáo dục TH bền vững như: công tác phổ cập giáo dục TH, chương trình dạy tiếng Anh từ lớp 3 cho học sinh TH, chương trình tăng cường công tác dạy 2 buổi/ ngày, công tác dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, cũng như những khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục TH tại các địa phương đã được các đại biểu thẳng thắn chia sẻ. 

Lộ trình đã có, khó khăn cũng còn nhiều 

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục TH cho rằng công tác đổi mới, định hướng phát triển giáo dục TH theo hướng toàn diện, hướng vào việc tiếp cận phát triển năng lực thay cho trang bị kiến thức, kỹ năng như hiện là việc bắt buộc phải làm để hướng đến sự phát triển giáo dục theo hướng bền vững. Trong đó, quan trọng nhất là hướng giáo dục TH đến việc tiệm cận và thực hiện các biện pháp giảng dạy cho học sinh bằng những phương pháp giáo dục tiên tiến, mang tính tích hợp trong dạy học, với việc nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc tăng cường dạy học 2 buổi/ ngày. Mà để làm được điều đó thì các địa phương phải thực hiện tốt các mục tiêu phát triển trọng tâm của giáo dục TH, cũng như hoàn thành tốt các chính sách phát triển giáo dục.

Theo đánh giá của Vụ Giáo dục TH, giai đoạn vừa qua, Bộ GD-ĐT cùng các địa phương đã có bước “chạy đà” hết sức ổn định và bền vững trong việc xây dựng và phát triển những mục tiêu trọng tâm của giáo dục TH thông qua các hoạt động xuyên suốt ở bậc TH như: công tác huy động trẻ ra lớp nhằm thực hiện phổ cập GD bậc TH. Duy trì và đảm bảo chất lượng giáo dục TH, đảm bảo công tác nâng cao chất lượng giáo dục TH bằng việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và chất lượng đội ngũ GV.

Quang cảnh hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục TH
Quang cảnh hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục TH

Mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2020 của giáo dục TH là hết sức rõ ràng, toàn ngành quyết tâm hướng đến năm 2015 sẽ đạt được tỉ lệ 70% học sinh học 2 buổi/ ngày, đến năm 2020 cơ bản là 100% học sinh TH được học 2 buổi/ ngày. Công tác dạy học tiếng Anh cho học sinh TH sẽ tăng đều 10% mỗi năm, với lộ trình tăng dần từ việc dạy tiếng Anh 2 tiết/ tuần lên 4 tiết/ tuần rồi 8 tiết/ tuần để đến năm 2015 sẽ có tỉ lệ học sinh lớp 3 được học tiếng Anh đạt 60-70%. Và đến năm 2020 cơ bản 100% học sinh lớp 3 sẽ được học tiếng Anh. Mục tiêu và lộ trình phát triển bền vững giáo dục TH đã có và được thông qua với từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, công tác triển khai ở các địa phương vẫn còn không ít vướng mắc. Đặc biệt là công tác triển khai việc dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 và việc tổ chức dạy 2 buổi/ ngày vẫn khiến nhiều địa phương ở các vùng sâu, vùng cao, vùng khó khăn lo ngại khi đội ngũ GV dạy tiếng Anh còn đang thiếu hụt, công tác dạy 2 buổi/ ngày vẫn chưa có những chế độ đãi ngộ phù hợp cho GV.

 Ông Đặng Xuân Trường, trưởng phòng GD TH Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho rằng: khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện việc dạy học 2 buổi/ ngày chính là kinh phí hỗ trợ GV, đội ngũ GV dạy tăng tiết môn tiếng Việt và Toán một số nơi vẫn chưa thật sự đủ khả năng cho các hoạt động dạy học ngoài giờ, biên soạn các bài học rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Công tác đào tạo và nguồn tuyển giáo viên các môn nhạc, họa vẫn rất khó khăn, với sự bế tắc trong nguồn tuyển và đào tạo. Ông Trường nói: “ Toàn tỉnh chúng tôi có 395 trường TH với 6.340 lớp. Tuy nhiên, số trường dạy 2 buổi/ ngày chỉ chiếm khoảng 40%. Trong đó, GV thì thiếu hụt rất lớn khi chỉ đạt tỉ lệ 1,2 chỉ tiêu biên chế so với tỉ lệ chung cần phải đạt là 1,45 đến 1,5. Chính vì thế để đạt được những mục tiêu theo lộ trình Bộ GD-ĐT cần phải có những hỗ trợ và những giải pháp cụ thể tháo gỡ những vướng mắc trên cho các trường”.

Bà Đặng Minh Hằng, trưởng phòng giáo dục TH, Sở GD-ĐT TP Hải Phòng thì đề nghị Bộ GD-ĐT, Vụ Giáo dục TH cần phải nâng chỉ tiêu biên chế 1,45 theo thông tư liên bộ từ 1,45 như hiện nay lên 1,7 thậm chí 1,8 mới phù hợp yêu cầu hiện nay. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần phải sớm có những hướng dẫn trong việc tăng cường XHH GD trong việc dạy tiếng Anh, sớm có văn bản hướng dẫn cho các địa phương thu thêm khoản thu phụ trợ để hỗ trợ cho GV dạy 2 buổi/ ngày. Trong đó, Bộ cũng nên tham khảo và nên khuyến khích việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày theo sở trường, sở thích của từng học sinh nhằm phát triển khả năng, năng khiếu cá nhân. 

Các đại biểu xem những bộ sách giảng dạy của chương trình giáo dục TH mới.
Các đại biểu xem những bộ sách giảng dạy của chương trình giáo dục TH mới.

Sớm tháo gỡ và linh hoạt trong tổ chức cho các vùng khó 

Đây là điều không chỉ các địa phương yêu cầu mà Bộ GD-ĐT cũng ý thức được khi triển khai các mục tiêu trọng tâm nhằm phát triển giáo dục TH. Việc dạy học 2 buổi/ ngày cũng như việc triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh TH theo đánh giá của các đại biểu thật sự đã đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong giai đoạn hiện nay, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục học sinh toàn diện. Tuy nhiên, nếu không sớm có những tháo gỡ trong việc gia tăng định biên, chế độ đãi ngộ bên cạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ GV thì mục tiêu mà ngành giáo dục TH muốn hướng đến vào năm 2020 sẽ khó bền vững.

Theo Vụ trưởng Lê Tiến Thành, nguồn vốn mà Chính phủ duyệt chi cho đề án dạy tiếng Anh cho học sinh TH trong 10 năm lên tới 9.000 tỉ đồng. Nhưng nếu các địa phương không huy động nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh việc thực hiện XHHGD mà chỉ dựa vào nguồn vốn của Chính phủ thì sẽ rất khó để đáp ứng các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững theo từng lộ trình. Chính vì thế, theo vụ trưởng Thành việc phát huy nguồn lực thực tại của các địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm của ngành. Đặc biệt là hai nhiệm vụ lớp đó là hướng đến việc sớm đạt được tỉ lệ 100% học sinh được học 2 buổi/ngày và học sinh lớp 3 được học tiếng Anh vào năm 2020. Những khó khăn mà các địa phương đang phải đối mặt như: thiếu hụt đội ngũ GV, trường lớp các vùng miền chưa đồng đều, kinh phí…đối với các TP lớn, vùng thuận lợi theo nhiều đại biểu thì không quá nan giải. Nhưng với các địa phương thuộc diện khó khăn, vùng cao, vùng sâu thì việc tạo điều kiện thuận lợi và tạo các cơ chế phù hợp là điều cần phải được Bộ GD-ĐT, Vụ Giáo dục TH nghiên cứu để có những đánh giá phù hợp, công tác triển khai hiệu quả hơn.

Đóng góp ý kiến để công tác phát triển giáo dục bậc TH được bền vững, ông Dương Hồng Minh, trưởng phòng TH Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GD-ĐT, Vụ Giáo dục TH cần sớm cho các địa phương vùng núi, vùng dân tộc được chuyển đổi loại hình trường ở các vùng khó sang mô hình bán trú dân nuôi để tạo điều kiện cho học sinh được học tập tốt hơn, đảm bảo công tác phổ cập. Đồng thời nhanh chóng rà soát, kiện toàn đội ngũ GV dạy tiếng Anh, dạy các môn nhạc, họa để sớm ổn định bộ máy, thực hiện những mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục TH. Đồng tình với đại biểu của Lạng Sơn, đại biểu của Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho rằng: Bên cạnh những ưu đãi trong cơ chế như trên cho các tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số thì Bộ GD-ĐT cần tạo mọi điều kiện cho số GV dân tộc thiểu số chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời yêu cầu GV người Kinh công tác ở vùng dân tộc thiểu số học thêm tiếng dân tộc để tạo sự gần gũi, gắn bó với cộng đồng giúp công tác phổ cập bền vững.

Riêng đại biểu đại diện cho Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang thì cho rằng: Ngoài nguồn lực tài chính của Chính phủ, sự đầu tư của địa phương, ngành giáo dục cần phải có chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú là người dân tộc, ở các vùng khó khăn, hiểm trở để các em ăn trưa và tham gia học tiếp buổi học thứ 2. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho các trường TH vùng khó tổ chức dạy 2 buổi/ ngày cần sớm triển khai, song song với các chế độ phụ cấp đối với GV dạy 2 buổi/ ngày.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ