Người vợ “vượng phu” theo tiêu chuẩn xưa là người như thế nào?

GD&TĐ - “Làm vợ cho phải đạo!” hay “Làm con dâu cho phải đạo!” là câu nói của người xưa về phẩm hạnh của người vợ, người con dâu trong gia đình. Tại sao người xưa lại coi trọng việc người phụ nữ cần sống sao cho “phải Đạo” đến thế?

(Hình minh họa: Qua kknews.cc)
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Người phụ nữ xưa không chỉ gánh vác công việc gia đình, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, giúp chồng tạo dựng công danh sự nghiệp, dạy con mà còn gánh vác cả việc quốc gia, đại sự.

Một người vợ giúp gia đình hưng thịnh, vượng phu phải hiểu được đạo làm vợ, đạo làm con dâu trong gia đình. Ngày nay đạo lý ấy vẫn còn giá trị, nên người ta hay có câu nói: “Giàu vì bạn, sáng vì vợ” là có hàm ý như vậy. 

Hãy xem người xưa trau dồi phẩm hạnh về đạo làm con, làm vợ thế nào để khiến gia đình hưng thịnh.

Đạo của người vợ theo tiêu chuẩn xưa

(Hình minh họa: Qua pinterest)

1. Người vợ là người mẹ, là người phụ nữ của một gia đình, cho nên người vợ phải luôn dịu dàng nhu hòa, niềm nở tươi cười và là trung tâm, nhân duyên của cả gia đình.

2. Người vợ phải giống như nước “ở vào vật chứa hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì là hình tròn”. Ý nói, người vợ phải thích ứng được mọi hoàn cảnh, giàu nghèo, cao thấp. Người vợ giống như nước, có thể nuôi dưỡng được vạn vật mà lại không cùng vạn vật tranh chấp, luôn ở chỗ chũng nhất, khi đến chỗ thấp thì chảy xuống giống như đức tính nhường nhịn và bao dung của người phụ nữ.

3. Trong gia đình mà người vợ nhiều chuyện thì người chồng sẽ không làm được việc và sẽ trở nên trầm lặng. Người vợ không nhu mềm thì gia tài không hưng vượng.

4. Người vợ đừng là người vừa cứng vừa hung bạo, đừng nóng nảy, đừng dài dòng nhiều chuyện, lại càng không nên quản lý việc của chồng, thay vào đó nên trợ giúp chồng chứ không nên gây phiền lụy cho chồng.

5. Người vợ trước hết phải có “tính theo thiên lý”, “tâm theo đạo lý” và “thân theo tình lý” mới có thể định trụ được vị trí của mình và trợ giúp chồng hoàn thiện phẩm chất, đạo đức.

“Thân theo tình lý” là việc mình nên làm thì tự mình đi làm, ở trên thì hiếu thảo với cha mẹ hai bên, ở giữa thì hòa thuận với anh chị em, ở dưới là dạy bảo con cái. Tất cả những việc ấy được xem là bổn phận của người vợ trong gia đình. Người vợ không sợ khổ, không sợ khó, làm việc mà không tức giận, oán hận và hối hận.

“Tâm theo đạo lý” là chỉ người vợ phải buông bỏ tâm tư lợi, tranh giành, tham lam mà phải suy nghĩ đến cách báo hiếu người già, cách hòa hợp với chị em dâu, cách giáo dục con cái.

“Tính theo thiên lý” là loại bỏ đi những tính cách xấu để làm cho bản tính của mình trở về với bản tính tốt đẹp ban đầu, là bản tính trời sinh, như thế mới có đức dày để nâng đỡ mọi vật.

6. Nếu một người vợ mà vừa hung bạo, quản người chồng, “chèn ép” người chồng, lời nói tựa như “tiếng sét đánh”, “một tay che trời” được gọi là “hãn phụ” tức là người phụ nữ đanh đá, chua ngoa. Một người phụ nữ như thế này sẽ khiến gia đình “âm thịnh dương suy”, “người chồng chưa già đã yếu”, thậm chí sinh ra người con cũng không có ích cho xã hội.

7. Người vợ mà không làm việc gì, việc gì cũng ỷ lại vào người chồng, ỷ lại vào cha mẹ được gọi là “nhược phụ” (người phụ nữ yếu kém). Người vợ như thế, “hết ăn lại nằm”, “oán trời trách đất”, quét sạch may mắn của gia đình.

8. Người vợ là người làm bình ổn mọi sự bất hòa trong gia đình, là sứ giả đem lại may mắn, cát tường cho gia đình. Họ đối xử bình đẳng với mọi người, ôn hòa và là phúc khí của gia đình.

9. Một gia đình có yên vui hay không, an tĩnh hay không, thịnh vượng phát đạt hay không thì sự ảnh hưởng của người vợ là vô cùng trọng yếu. Người phụ nữ có thể dưỡng tính như nước thì nhất định sẽ sinh được quý tử, giúp chồng thành đức, gia đình viên mãn.

Quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay có nhiều thay đổi, người phụ nữ ngày nay gánh vác chức vị có thể nói là ngang với nam giới. Nhưng dù là thời nào thì một người phụ nữ hiểu đạo vẫn luôn được gia đình tôn trọng và xã hội tôn vinh.

Người vợ tốt là cái phúc của người chồng

 Người vợ “vượng phu” theo tiêu chuẩn xưa là người như thế nào? ảnh 2

(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Thời xưa có rất nhiều điển cố điển tích về người con dâu hiếu thảo với nhà chồng được truyền lại qua các thời đại và cho đến tận ngày nay.

Câu chuyện diễn ra vào thời nhà Thanh (năm 1644 – 1911) kể về người con dâu đức hạnh của gia đình một ông lão tên là Cố Thành.

Ông lão họ Cố này có một người con trai đã lập gia đình với cô gái trẻ họ Tiền. Một lần, khi người con dâu của ông lão về thăm cha mẹ đẻ thì một căn bệnh truyền nhiễm đã đột ngột lan tới thị trấn, nơi mà gia đình chồng cô đang sinh sống. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng và rộng khắp khiến rất nhiều người bị chết.

Mọi người rất sợ hãi và thậm chí cả người thân cũng không dám tới thăm nhau vì sợ bị nhiễm bệnh. Điều đáng buồn chính là không lâu sau khi dịch bệnh lan tới thì vợ chồng ông lão họ Cố cùng với sáu người con trai, con gái đều bị nhiễm bệnh.

Khi người con dâu của ông lão biết được tin này đã không hề lo ngại mà ngay lập tức chuẩn bị trở về nhà chồng để chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ đẻ của cô vì quá yêu thương con gái nên đã ngăn cản và cố thuyết phục cô rằng: “Bệnh dịch lây lan rất nhanh, cha mẹ lo sợ rằng con cũng sẽ nhiễm bệnh mà chết mất.”

Cô gái họ Tiền này nghe cha mẹ nói xong, đã không do dự mà trả lời: “Khi con lấy chồng, cũng là lúc con có bổn phận phải phục vụ và giúp đỡ cha mẹ chồng và gia đình anh ấy. Bây giờ họ đang gặp phải nguy hiểm của bệnh tật, nếu con không quay về chăm sóc họ, đó có phải là bất nhân, bất nghĩa không?”

Lời nói của cô dường như vẫn không lay chuyển được thái độ kiên quyết của cha mẹ đẻ. Phải sau nhiều nỗ lực hết mình, cô mới có thể trấn an được cha mẹ mình đừng quá lo lắng. Cuối cùng cô con dâu của ông lão họ Cố cũng nhanh chóng lên đường quay trở về quê chồng trong tâm trạng lo lắng.

Nhưng điều kỳ lạ chính là, ngay sau khi cô vừa về tới nhà thì cả tám thành viên của gia đình chồng cô đều dần dần hồi phục và nhanh chóng khỏe lại sau đó không lâu.

Người dân địa phương ai cũng kinh ngạc về điều này. Họ tin rằng, lòng tốt và lòng hiếu thảo của cô con dâu trẻ đã lay động được Thần linh khiến họ ban phước lành cho cả gia đình cô. Từ đó, câu chuyện về người con dâu đức hạnh, hiếu thảo của gia đình họ Cố được người dân khắp vùng biết đến và truyền đến tận đời sau.

Các bậc thánh hiền xưa đều giảng rằng, gia đình có tầm quan trọng đối với sự thịnh suy của một quốc gia. Trong cuốn sách nổi tiếng “Kinh Dịch” có viết: “Gia đình ổn định thì quốc gia mới vững vàng.”

Trong “Kinh Lễ” cũng viết: “Các gia đình có nền nếp gia phong thì quốc gia sẽ được cai trị tốt.” Mà một gia đình có hòa thuận, hưng thịnh hay không thì vai trò của người vợ là rất quan trọng. Vì vậy, từ xưa đến nay dù trong gia đình hay ngoài xã hội, thì một người vợ tốt, người con dâu hiếu đạo vẫn luôn được tán dương và kính trọng.

Theo phunugiadinh/trithucvn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ