Người vợ thay chồng bại liệt nuôi các con thành tài

Người phụ nữ đã ngoài 50 với khuôn mặt hiền lành và phúc hậu nhưng đôi mắt luôn luộn đượm buồn chất chứa một nỗi niềm riêng.

Người vợ thay chồng bại liệt nuôi các con thành tài

Nhắc đến cô Nguyễn Thị Bình ở xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình không một ai là không biết đến người phụ nữ tảo tần vừa chăm chồng bại liệt vừa nuôi dạy 5 người con trai thành đạt, đặc biệt là cậu con trai thứ tư Đỗ Trung Dũng hiện là một trong những bác sĩ giỏi của chuyên khoa lồng ngực – tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai.

Thay chồng nuôi con

Chúng tôi đến xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình vào một buổi trưa ngày cuối đông. Tiết trời se lạnh, những con mưa phùn dày hạt càng làm cho cái lạnh thêm tê tái. Chúng tôi không khó để có thể tìm tới nhà cô Bình.

Trong ngôi nhà đơn sơ, vẻn vẹn bộ bàn ghế được coi là tài sản giá trị của gia đình, cô Bình tâm sự với chúng tôi về năm tháng nuôi dạy đàn con thơ dại cùng bao kỷ niệm về cách dạy bảo con cái.

Nguoi vo thay chong bai liet nuoi cac con thanh tai - Anh 1

Gia đình cô Nguyễn Thị Bình

Người phụ nữ đã ngoài 50 với khuôn mặt hiền lành và phúc hậu nhưng đôi mắt luôn luộn đượm buồn chất chứa một nỗi niềm riêng.

Vừa để ý đứa cháu nhỏ, cô Bình vừa tiếp chuyện với chúng tôi: “ Cô chú về ở với nhau từ năm 1976, hai vợ chồng bươn chải làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Từ năm 1982 đến năm 1992 trong 10 năm sinh 5 cậu con trai. Ngỡ tưởng cuộc sống trong ấm ngoài êm, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn nuôi dạy các con khôn lớn, nhưng năm 1988 đột nhiên chú ngã bệnh. Ban đầu chú chỉ run một đốt ngón chân, gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh càng nặng thêm. Từ đấy đến bây giờ chú ốm đau không đi lại được”.

Bao vốn liếng tích cóp cô Bình đều dồn hết để chạy chữa cho chồng với hi vọng bệnh tật sẽ khỏi nhưng càng chạy chữa kinh tế gia đình càng kiệt quệ, chồng chất nợ nần.
Từ lúc chồng phát bệnh mọi công việc đều một mình cô lo toan gánh vác từ nuôi dạy con cái cho đến thuốc thang cho chồng.

Cô Bình nhớ lại: “Năm tháng chồng ốm đau, con còn nhỏ kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Ba cậu con trai đầu đành phải nghỉ học để đi làm phụ giúp thêm với mẹ, lo cho bố và hai em út ăn học. Cả ba đều học hành rất giỏi, biết mẹ không lo được nên đều học đến lớp 9 thì phải nghỉ học”.

Là người mẹ và cũng kiêm thêm vai trò là người cha trong gia đình, bao cơ cực lại càng đè nặng lên đôi vai gầy của cô. Ngỡ tưởng không vượt qua được nỗi vất vả cơ cực vì đói kém, thiếu thốn. Nguồn động lực duy nhất của cô đó chính là người chồng tật nguyền, cùng sự ngoan ngoãn của các con.

Sự nỗ lực và tần tảo của người phụ nữ đã được đền đáp bằng sự thành đạt của cả 5 người con. Đặc biệt là người con trai thứ 4 hiện là thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa lồng ngực – tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, cùng người con út vừa tốt nghiệp đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nuôi con bằng cả tấm lòng!

Nguoi vo thay chong bai liet nuoi cac con thanh tai - Anh 2

Vợ chồng con trai cả của cô Bình

Kể về những năm tháng nuôi dạy con vất vả, cô Bình không khỏi chạnh lòng: “Thực sự không một ai vất vả cơ cực bằng sáu mẹ con. Nhiều lúc không dám ngẩng đầu lên nhìn nhà người khác”.

Tiếp xúc với cô Bình chúng tôi mới cảm nhận được hết tấm lòng cao cả của một người mẹ, một người vợ hi sinh cả cuộc đời vì gia đình . Một mình nuôi dạy năm người con thành đạt quả là một điều không hề đơn giản. Thiếu vắng sự giúp đỡ, sẻ chia gánh nặng công việc gia đình từ phía người chồng càng làm cho sự vất vả tăng thêm bội phần.

“Lúc đó chỉ còn cách là rèn tính tự lập cho các con ngay từ nhỏ. Cha ốm không làm được gì thì phải hướng dẫn dạy bảo các con tính tự lập. Đứa nào đến 7, 8 tuổi đều phải ra đồng phụ mẹ, mùa cấy, mùa gặt một mình mẹ cùng năm người con làm cả ngày cho đến tận tối. Tranh thủ những buổi nghỉ học mỗi đứa một công việc phụ mẹ, đến giờ lại đi học. Tối về sáu mẹ con lại đan tới 11 đêm mới nghỉ. Thấy mẹ làm gì thì các con lại làm cùng chứ không phải bảo ban, thúc giục”, cô Bình kể lại.

Khi các con đã nhận thức được cuộc sống biết được hoàn cảnh gia đình, cô bắt đầu tâm sự với con: “Hoàn cảnh gia đình mình như thế, bố ốm đau bệnh tật, các con tránh đua đòi vào các tệ nạn xã hội. Thực sự mẹ chỉ mong các con học hành cho tốt, mai này cuộc sống ổn định có như thế mẹ mới an lòng.”

Bên cạnh giáo dục con về tính tự lập thì cô Bình còn lấy những bài học về tấm gương người tốt việc tốt mà cô được nghe, được chứng kiến để kể cho các con nghe. Từ đó là bài học để các con noi gương theo, song song với đó là những câu chuyện xấu để các con tránh vấp phải.

Cách nuôi dạy con của cô quả thực không phải bất kỳ gia đình nào trong khốn khó cũng có thể làm được: “Cô không bao giờ đánh chửi các con mà chỉ nói, chỉ bảo ban khi làm những điều trái ý không đúng. Giả sử, đứa nào đi chơi về muộn cô chỉ bảo con xem mấy giờ rồi, con đi chơi chưa về, mẹ phải đợi con về chứ không bao giờ mẹ ngủ trước. Từ lần sau các con tự ý biết về đúng giờ, hoặc là xin phép bố mẹ về muộn”.

Có những câu nói mà cho đến nay, khi các con đã trưởng thành cô vẫn thưởng nhắc tới mà mỗi lần các con về nhà chơi, những công việc trái với lương tâm và đạo đức thì các con đừng có nên làm.

Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, về những lần sum họp gia đình ngày tết, cô ngậm ngùi: “Các con ngày càng thành đạt và trưởng thành cũng là lúc các con tự lập, có cuộc sống riêng, tách biệt với cha mẹ. Năm người con thì bốn người đều công tác trong miền Nam, những dịp gia đình quây quần đông đủ là rất hiếm. Nhìn những gia đình khác, con cái họ quây quần mà cô cũng đượm buồn nhớ và mong mỏi các con. Nhưng cô nghĩ hy sinh vì công việc, vì xã hội đành bỏ qua niềm vui của gia đình".

Nói đến đây, cô nghẹn ngào hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi gò má: “Nhớ con chỉ biết kìm nén nỗi nhớ trong lòng, các con không về được đành phải chấp nhận vì xã hội. Nhưng được cái mỗi năm, mỗi đứa thay phiên nghỉ việc thu xếp về ăn tết với bố mẹ, nỗi nhớ đó cũng vơi đầy. Cô cũng chỉ biết nguyện cầu mong sao cho các con mạnh khỏe, công việc thuận lợi là cô an lòng.”

Ông Vũ Văn Tiến, trưởng xóm 4, xã Ân Hòa cho chúng tôi biết thêm: “Cô Bình thật sự là một người có một không hai ở trong xã, một mình thay chồng nuôi năm người con ăn học thành tài. Gian nan vất vả trên đời cô đều trải qua, thật sự cô Bình là một người phụ nữ đức hạnh”.

Theo Gia Đình VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ