Người vợ tài hoa của Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên

GD&TĐ - Những câu chuyện giản dị, chân thành nhưng có một sức cuốn hút kỳ lạ, đó là những gì tôi cảm nhận được khi đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội).

Đằng sau thành công của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có hình bóng người vợ Vi Kim Ngọc
Đằng sau thành công của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có hình bóng người vợ Vi Kim Ngọc

Điều đặc biệt hơn là câu chuyện của một gia tộc được kể bằng tấm lòng của những người con yêu kính và tự hào về cha mẹ mình.

Tình yêu thương - nền tảng gia đình vững chắc

Ông Nguyễn Văn Huy - Con trai út của GS Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - xúc động kể:

“Bà nội tôi góa chồng, khi bố tôi mới được 8 tuổi, một mình bà nuôi dạy cả 7 người con đẻ và 4 con riêng của chồng. Công việc của bà tôi ngày ấy là may quần áo cũ nhưng đã nuôi 11 người con đều ăn học đến nơi đến chốn.

Ngày bố tôi cùng chú tôi là ông Nguyễn Văn Hưởng (năm 1946, chú là Thứ trưởng Bộ Tư pháp) đi học ở Pháp, bà tôi phải lao động cật lực để cho con đi học. 

Ngày đó, chị của bố tôi là Nguyễn Thị Mão theo phương thức học từ xa đã đỗ CĐSP Đông Dương. Bà là nữ giáo sư Toán đầu tiên tại Trường Đồng Khánh, đã dành hầu hết lương và hi sinh tuổi thanh xuân cho các con của em ăn học.

Chúng tôi đều hiểu rằng đó là sự hi sinh rất lớn và chính tình cảm ấy, câu chuyện ấy vẫn truyền đến thế hệ con cháu chúng tôi sau này. Chúng tôi được sống trong một không khí gia đình hòa thuận, mọi người quan tâm và chia sẻ, đùm bọc nhau”.

Cả bốn người con Nguyễn Kim Nữ Hạnh, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Nguyễn Văn Huy đều thành danh trên con đường đi riêng của mình.

“Bố mẹ tôi đối xử với các con rất bình đẳng, không có sự phân biệt
giữa các con dâu hay rể nên đã tạo ra một gia đình rất hòa thuận. Những câu chuyện mẹ chồng, nàng dâu ở nhiều gia đình bao giờ cũng có sự xích mích, nhưng gia đình tôi không bao giờ có chuyện đó, chúng tôi học được sự tôn trọng lẫn nhau. 

Điều đó xuất phát từ tình yêu bao la của cha mẹ đã xây dựng nên một gia đình hạnh phúc, từ gia đình nhỏ sẽ hình thành nên gia đình lớn, hình thành nên một gia tộc” - Ông Nguyễn Văn Huy kể tiếp.

Nhật ký của mẹ truyền tình yêu lớn

Cô Nguyễn Kim Bích Hà – Con gái thứ hai của GS Nguyễn Văn Huyên kể: “Mẹ tôi là người thường xuyên viết nhật ký. Thời vừa chạy Tây vừa nuôi con, mẹ tôi rất vất vả.

Bố tôi đi theo nhiệm vụ của ngành, mẹ tôi đưa chúng tôi đi tản cư. Em tôi (Nữ Hiếu) ngày ấy bị lao xương, không có thuốc chữa nên chỉ bó bột, không đi được. Tôi là người thường xuyên cõng em đi học.

Hai năm trời mẹ ghi nhật ký từng ngày, sáng, trưa, tối theo dõi bệnh của con, từ cặp nhiệt độ đến giờ uống thuốc. Chiếc va li đang trưng bày trong bảo tàng là va li thuốc của mẹ.

Cô Hiếu và cậu Huy ngày ấy ốm yếu suốt, mẹ tôi viết rất rõ những băn khoăn có nên mang con vào trong thành điều trị hay không. Nhưng vì lý tưởng cách mạng, mẹ tôi đành chịu đựng.

Rồi có lúc mẹ tôi mừng phát khóc khi em Hiếu đi được. Tình cảm lo âu của mẹ đã truyền lại cho các con. Cho đến nay, chuyện viết nhật ký của mẹ đã truyền lại cho con gái, con rể. 

Ai cũng viết nhật ký với mong muốn truyền tình cảm của cha mẹ cho con cái. Bây giờ các con tôi cũng vậy, chúng cũng thường xuyên viết nhật ký cho các con mình”.

25 năm công tác làm kỹ thuật viên bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), bà Vi Kim Ngọc luôn lưu giữ lại các tài liệu, thư từ và cả những cuốn sổ chi tiêu hàng ngày. Tất cả kỷ vật trên đều được lưu giữ, tập hợp tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.

“Mẹ chăm chút từng kỷ vật của bố. Bà muốn giữ lại mọi thứ để con cháu biết và hiểu về bố, về ông mình. Hơn 400 hiện vật trong bảo tàng không chỉ kể lại câu chuyện của hai người mà còn kể về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả những thời kỳ lịch sử của đất nước” - Ông Huy chia sẻ.

Học suốt đời, lao động nghiêm túc

“Trước khi làm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, tôi có gặp hai người học trò của mẹ, đều là giáo sư đã về hưu. Tôi đã nghe họ kể lại những câu chuyện làm việc nghiêm túc của mẹ, đặc biệt là phong cách làm việc.

Mẹ tôi rất chỉn chu và nghiêm túc, tôi vô cùng cảm phục. Nhìn hình ảnh con muỗi do chính tay mẹ tôi vẽ hiện còn lưu giữ trong bảo tàng mới thấy sự tỉ mỉ của mẹ tôi trong công việc. Mẹ luôn là tấm gương để chúng tôi noi theo” - Ông Huy tâm sự.

Như một mạch nguồn chảy mãi, truyền thống tốt đẹp vẫn tiếp nối cho đến hôm nay, thế hệ con cháu của dòng họ Nguyễn Văn Huyên vẫn đang tiếp tục phát huy truyền thống ấy. Họ đều là những giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có nhiều đóng góp rất lớn trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.