Người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Cần Thơ

GD&TĐ - Đã nửa thế kỷ qua, họa sĩ Phan Há (sinh năm 1951, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn kiên trì bám trụ với nghề vẽ tranh truyền thần. Cả thời trai trẻ ông đã gắn bó với nghề truyền thống này, dù đồng tiền thu được không đủ để trang trải cuộc sống. 

Người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Cần Thơ

Giờ đây, người họa sĩ đầu tóc đã bạc phơ, mắt đã mờ, vẫn cặm cụi thổi hồn vào từng bức tranh truyền thần bằng những nét vẽ mộc mạc, chân chất như con người ông.

Người xưa, nghề cũ

Năm cậu bé 6 tuổi mẹ cậu qua đời sau cơn bạo bệnh. Cha cậu dành hết tình yêu thương của mình cho cậu con trai bé nhỏ. Năm 9 tuổi, một lần tình cờ người cha thấy cậu cặm cụi vẽ hình ảnh Tề thiên Đại thánh từ tờ quảng cáo của các rạp xinê.

Thấy con có “hoa tay”, có niềm đam mê đặc biệt với những nét vẽ, nên ông muốn hướng cậu theo nghề này. Mỗi lần đi chợ ông lại mua chì màu, bút vẽ về cho cậu.

Lúc nhỏ, những lúc rảnh rỗi, không bận học, cậu bé Phan Há thường ghé rạp hát gần nhà chơi. Trong một dịp tình cờ, cậu thấy những người họa sĩ vẽ cảnh nền cho sân khấu, ông đam mê đứng xem mà quên mất mình đang đi xem hát.

Lúc đó là thời kỳ hưng thịnh của nghề vẽ panô quảng cáo cho các phim sắp chiếu ở các rạp xinê, các họa sĩ thường vẽ nhiều rạp trong suốt tuần, nên nhiều lúc đến rạp để xem nhưng không thấy, tôi lại lủi thủi ra về. Kiên trì tính toán khoảng thời gian những người nghệ sĩ đến rạp vẽ, khi xác định được khoảng thời gian cố định, tôi xin tiền chị để ngay ngày đó đến xem, họa sĩ Phan Há chia sẻ.

Nhiều lần thấy cậu đứng xem, một họa sĩ tên là Lê Nam thấy quen mặt, nên thường sai vặt cậu rửa thùng cọ và bắt đầu dạy cậu những bước cơ bản về nghệ thuật vẽ.

Năm 15 tuổi, sau hơn 4 năm theo họa sĩ Lê Nam học nghề, Phan Há trở thành thợ phụ và bắt đầu hoàn chỉnh hơn từng kỹ thuật. “Lúc đó khi còn ở Sài Gòn, tôi vừa học phổ thông, vừa đi theo học nghề, tối thì đẩy xe đi bán cháo huyết phụ người chị.

Thời gian rảnh rỗi, tôi luyện vẽ lại những hình ảnh của người quen, bạn bè từ những tấm ảnh. Nhiều người cũng ngạc nhiên vì quá giống bức ảnh chụp, thậm chí còn có “hồn” hơn, họa sĩ Phan Há kể.

Một khoảng thời gian sau, ông bắt đầu khởi nghiệp bằng công việc vẽ các panô quảng cáo phim sắp chiếu cho các rạp xinê như rạp Văn Cầm, Cẩm Văn, Thanh Văn, Hòa Hưng, Huỳnh Lạc, Lao Động. Vẽ màn cảnh cho gánh hát, vẽ tranh thủy mặc, đồng quê đem bán trên đường Nguyễn Huệ để kiếm thêm thu nhập.

Về sau ông từ Sài Gòn trở về Cần Thơ tiếp tục tìm cách mưu sinh với nghề vẽ. Đến năm 1992, ông bắt đầu mở phòng vẽ nằm ngay trung tâm Cần Thơ, nhận làm lịch, vẽ băng rôn, vẽ bao bì bánh trung thu… Thời điểm đó 10 lò bánh trung thu như: Nguyên Thạnh, Chánh Duy… đều do ông nhận vẽ bao bì.

Nhưng về sau ngành in ấn phát triển nên dần dần ông không còn kiếm được thu nhập từ vẽ bao bì. Năm 2007, ông dời phòng vẽ về đường Đồng Khởi, mở cửa tiệm nhỏ vẽ cho tới bây giờ.

Vẫn gắn bó với nghề

Để vẽ lại một bức ảnh đòi hỏi người họa sĩ phải có ý chí kiên trì, cần mẫn, tập trung cao độ để bức ảnh sau khi hoàn thành không chỉ giống như in bức ảnh chụp mà còn phải toát lên cái thần của nhân vật trong ảnh.

Quan trọng nhất đó là đôi mắt của người được vẽ, được gọi là điểm nhãn. Đó là một trong những nét độc đáo trong các bức tranh truyền thần mà không một loại tranh nào khác thực hiện được, kể cả đối với người dùng Photoshop để vẽ nhanh hơn.

Ông nhớ lại, có lần có một người khách đến nhờ ông vẽ lại hình ảnh người cha của mình từ tấm hình cũ, nhòe màu. Do bức hình bị hư hỏng nghiêm trọng, nên những đường nét trên khuôn mặt người trong ảnh bị nhòe khó có thể nhận thấy rõ.

Vị khách nài nỉ mãi nên ông cũng không nỡ từ chối tấm chân tình và hy vọng từ khách. Sau một lúc suy nghĩ thật lâu, ông nhờ người khách kể lại những kỷ niệm về người cha của mình, miêu tả về đôi mắt, khuôn miệng, những đường nét trên khuôn mặt, đặc biệt là thần thái và tính cách.

Vài ngày sau khi hoàn thành bức tranh, người khách như vỡ òa khi hình ảnh người cha của mình hiện rõ trước mắt. Ông khách nhận tranh rồi cảm ơn rối rít.

Theo họa sĩ Phan Há, mỗi người họa sĩ sẽ có những cách vẽ khác nhau. Khi vẽ, ông sẽ bắt đầu phác họa hình ảnh, vẽ phải qua nước nhất, nhì, ba, màu nền, rồi vẽ từng lớp màu lên mới hoàn thành bức tranh. Vì vậy bức tranh trải qua 20 - 30 năm bắt đầu phai màu, thì màu lót y như màu hình sẽ lộ lên không làm bức hình phai nhợt.

Ông cho biết, vẽ tranh truyền thần đã qua giai đoạn hoàng kim từ những năm 1970 - 1990, nay đứng trước nguy cơ mai một. Trước kia tại Cần Thơ có khoảng 7 người chuyên vẽ tranh truyền thần, nhưng hiện tại phần lớn đã gác bút để chuyển sang nghề khác kiếm sống. Giờ chỉ còn một mình ông còn gắn bó được với nghề vẽ tranh truyền thần, cắt chữ, viết thư pháp… để kiếm sống qua ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ