(GD&TĐ) - Là đội trưởng đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, ông nổi tiếng là người đấu tranh quyết liệt chống bọn tội phạm trên sông, đồng thời sẵn sàng cứu người gặp hoạn nạn trong mọi hoàn cảnh.
Xuất phát từ lòng thương người
Hiếm địa phương nào có đội dân phòng đường thủy như xã Mỹ Hòa. Được thành lập vào năm 2003 với mục đích cứu hộ, cứu nạn các ghe xuồng qua sông không may gặp nạn, đặc biệt vào lúc mưa lũ. Hiện nay, đội hoạt động rất hiệu quả, dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Dương Công To.
Ông To sinh năm 1950, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác ở Phòng Bảo vệ chính trị Công an Vĩnh Long. Nhưng với cuộc sống thiếu trước hụt sau, một vợ năm con, đến năm 1978 ông xin nghỉ, về quê sống bằng nghề chài lưới. Cũng từ đó, ông luôn là người đi đầu trong việc chống trộm ở địa phương. Lúc đầu, chỉ một mình với chiếc ghe lườn 4 tấn, 1 máy D15 của gia đình cùng một chiếc phao, dần dần ông tập hợp được một đội dân phòng trên sông với nhiều phương tiện hơn. Ông kể: “Vận động mọi người vào đội khó lắm, đây là hoạt động xã hội, không được hưởng một chế độ nào của nhà nước. Tham gia đội là những người khỏe mạnh, trụ cột trong gia đình. Phải bươn chải kiếm sống, nhiều thành viên đã bỏ cuộc giữa chừng, ngay cả tôi nhiều lúc cũng muốn nghỉ”.
Nhưng chính hiệu quả công việc và lòng nhiệt huyết, ông đã duy trì được đội, từ việc vận động mọi người tham gia cho tới bỏ tiền ra trang bị phao cứu hộ, đến cả việc chi tiền trả sinh hoạt phí hằng tháng cho các anh em trong đội. Hiện tại, đội dân phòng có 16 thành viên, đã trở thành biểu tượng tin yêu của người dân miền sông nước.
Ông Dương Công To trên chiếc ghe tuần tra |
Ngoài việc phát hiện bắt giữ các đối tượng trộm cắp tài sản trên sông, đội còn hỗ trợ CSGT đường thủy Cần Thơ, Vĩnh Long, ngăn chặn hai vụ ghe chở hàng trốn thuế. Thông báo kịp thời cho đội quản lý đường sông khi phao báo hiệu bị sự cố, một trụ điện bị ngã đổ, góp phần bảo đảm cho tàu ghe qua lại an toàn.
Những kỷ niệm không phai
Trong quá trình làm công tác cứu hộ, ông có rất nhiều kỷ niệm vui buồn: “Tôi nhớ mãi cái lần cứu hộ đêm 13.6.2003. Lúc đó, có một chiếc ghe buôn chở hai vợ chồng và bé gái 8 tuổi bị lật úp do gió lớn kéo theo sóng dập mạnh. Dù đội đã tận lực cứu giúp nhưng người vợ và đứa con gái ở Trà Vinh bị nước cuốn đi mất. Đó là lần tôi cảm thấy đau nhất. Rồi vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ… Lúc đó, tôi đang tiếp khách thì bỗng nghe tiếng động rất lớn, linh tính chuyện chẳng lành xảy ra. Khi nghe người hàng xóm báo tin nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập, tôi chạy như bay xuống hiện trường mà quên đi những người khách của mình. Cảnh tượng hiện ra trước mắt tôi là một đống đổ nát, sau vài phút chới với, tôi mới định thần và chỉ còn biết một việc là lao vào cứu người”. Và ông đã cứu sống 27 người thoát khỏi tay tử thần, tìm được 6 người chết trong đống đổ nát.
Sau vụ sập cầu Cần Thơ, ông còn cứu hàng trăm vụ như vụ chìm tàu xi măng Phương Nga. Chính ông là người trực tiếp cứu 7 người trên tàu thoát khỏi bàn tay tử thần. Đặc biệt, có 3 vụ nhảy cầu tự tử được đội của ông cứu sống.
Chiếc tù và một thời trên sông nước |
Cái tù và trên sông Hậu
Khi có việc gì xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Hòa, ông To luôn là người có mặt kịp thời để góp phần giải quyết. Những vụ tranh chấp, gây gổ thì ông là người đứng ra hòa giải, giải thích cho đôi bên hiểu. Hay khi xảy ra các vụ tự tử ở trên cầu, chính quyền địa phương cũng như thân nhân cũng tìm đến ông như là địa chỉ đầu tiên. Mỗi khi đội dân phòng vớt được xác chết, họ cũng đem đến nhà ông để khâm liệm, khi là vài miếng ván đóng thành cái hòm tạm thời đợi thân nhân đến nhận, lúc thì cho quần áo tiền cho các thân nhân.
Nhắc đến chuyện “vác tù và hàng tổng”, ông To cười: “Tôi là người vác tù và thiệt chớ không phải nói ví von à nghen. Lúc đội mới hoạt động, cái tù và làm bằng sừng trâu là một công cụ hữu hiệu nhất giúp chúng tôi, cũng như các ngư dân ở đây mưu sinh và cũng là công cụ giúp chúng tôi ứng cứu kịp thời khi có tai nạn xảy ra”.
Rồi ông kể, ngày xưa ông bà ta sử dụng cái tù và làm dụng cụ thổi vào buổi sáng để báo cho mọi người thức dậy chuẩn bị ra đồng đi cấy. Còn trong chiến tranh, tiếng tù và vang lên chính là lúc quân ta xung trận. Tiếng tù và còn làm hiệu lệnh tập hợp mọi người khi có cháy nổ, trộm cắp hay hội họp. Cái tù và bằng sừng trâu khi thổi lên âm thanh vang rất xa, khoảng một cây số còn nghe rất rõ. Bây giờ xã hội phát triển, công nghệ thông tin tiến nhanh thì ông cùng với ngư dân cũng như đội dân phòng đã chuyển sang liên lạc bằng điện thoại. Ông To trầm giọng: “Cái tù và bây giờ tôi để làm kỷ niệm”.
Cuối câu chuyện, ông cho tôi xem cuốn sổ tay mà ông đã ghi lại sau mỗi lần cứu hộ của ông cùng với đội dân phòng. Ông ghi cặn kẽ từng chi tiết, về thời gian, tên họ, quê quán của nạn nhân, cả những bức thư viết tay của những người bị nạn, đã được đội dân phòng cứu giúp, để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với ông trưởng ban dân phòng và cả đội. Không chỉ vậy, ông còn cho tôi xem những bức ảnh mà ông ghi được sau những vụ trộm cắp tài sản của dân, cũng như hình ảnh mà ông chụp được của hai thanh niên chuẩn bị dụng cụ để trộm sắt ở cầu Cần Thơ và cả cái tù và bằng sừng trâu của ông nữa.
Với những thành tích nêu trên, ông To cùng với tổ dân phòng đã nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của ngành công an các cấp. Và mới đây, ông còn vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Hồng Đang