Nhẹ dạ cả tin
Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ đó là một ngân hàng thực sự với đầy đủ nhân viên bảo vệ, nhân viên giao dịch mặc đồng phục đứng sau quầy, máy tính và màn hình LED cỡ lớn hiển thị những thông tin tài chính như lãi suất và tỷ giá ngoại tệ. Nhưng thực ra nó là một “ngân hàng ma” với giấy phép hoạt động giả mạo. Ngân hàng giả này được đặt tên là Hợp tác xã thông tin kinh tế nông thôn với “trụ sở” giao dịch là một tòa nhà nằm ở phía đông thành phố Nam Kinh, miền Trung Trung Quốc. Do nhẹ dạ cả tin, không ít người đã gửi tiền vào đây với hy vọng sẽ nhận được lãi suất cao.
Theo báo chí địa phương, ngân hàng giả này hoạt động được hơn 1 năm và lừa đảo được khoảng 200 người với số tiền 200 triệu NDT (32 triệu USD). Các nạn nhân chủ yếu là những hộ kinh doanh nhỏ, đã gửi vào đây từ 100.000NDT tới 20 triệu NDT. Một nạn nhân tên Sơn nói, ông đã mất số tiền khoảng 1 triệu USD. Theo khách hàng này, ông đã được các nhân viên tại đây thuyết phục bằng mức lãi cao, nhưng đến hạn, cả số tiền gốc và lãi ngân hàng đều không có khả năng thanh toán. Lúc này, ông mới biết mình bị lừa. Một trường hợp khác là doanh nhân họ Vương, đến từ thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ông này đã tới trình báo cảnh sát sau khi 12 triệu NDT (1,9 triệu USD) gửi vào đây năm 2014 mất hút.
Lãi suất cao - rủi ro cao
Qua điều tra, cảnh sát phát hiện tổ chức này chỉ là đơn vị tư vấn nông nghiệp, không phải định chế tài chính và không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Nhà chức trách Trung Quốc đã quyết định đóng cửa ngân hàng giả trên và bắt giữ 5 đối tượng đứng đằng sau đường dây lừa đảo này. Trong số các nghi phạm bị bắt giữ có 1 phụ nữ đã ôm theo một đống tiền tiết kiệm của khách hàng rồi bỏ trốn tới thiên đường cờ bạc Macau.
Một điều lạ lùng là “ngân hàng giả” này hoạt động từ năm 2013 và huy động số tiền lớn như vậy nhưng đến thời gian gần đây vụ việc mới vỡ lở. Nhiều người sử dụng mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích chính quyền địa phương buông lỏng quản lý để những kẻ tội phạm lợi dụng, lừa gạt người dân.
Nhận định về thủ đoạn lừa đảo mới trên, ông Oliver Rui, giảng viên tài chính tại trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu (China Europe International Business School) ở Thượng Hải cho rằng, những người ham lãi suất cao rất dễ trở thành “con mồi” của bọn tội phạm. “Họ không hiểu biết đầy đủ về các dịch vụ tài chính. Họ muốn hưởng lãi suất cao, nhưng họ không biết rằng lãi suất cao thường đi cùng với rủi ro cao. Họ cứ nghĩ rằng, một tòa nhà được trang trí và thiết kế trông giống ngân hàng là có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng”, ông Rui giải thích.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Không chỉ lập ngân hàng giả, bọn tội phạm tại Trung Quốc còn có nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi khác. Hồi năm 2012, Lâm Xuân Bình, 41 tuổi, doanh nhân chuyên buôn bán gạo ở thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang khiến nhiều người ngỡ ngàng khi tuyên bố đã mua lại ngân hàng Atlantic Bank ở bang Delaware (Mỹ) với giá 60 triệu USD. Đây được xem là một kỳ tích, bởi vì trước đó, nhiều ngân hàng Trung Quốc tìm cách tiếp cận thị trường Mỹ, nhưng đều thất bại. Siêu lừa này rêu rao rằng, sau khi tiếp quản, y đã đổi tên Atlantic Bank thành USA New HSBC Federation Consortium Inc và huy động được 40 triệu USD tiền gửi, dự kiến có lợi nhuận hàng năm từ 5 đến 6 triệu USD.
Thậm chí, tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc còn ca ngợi Lâm Xuân Bình là có tài kinh doanh bẩm sinh. Cũng chính nhờ “kỳ tích” này mà Lâm Xuân Bình được bầu vào Hội đồng thành phố Ôn Châu. Tuy nhiên, “kỳ tích” này sau đó bị phát hiện là giả mạo. Qua điều tra, cơ quan công an và cơ quan thuế Chiết Giang đã phát hiện Lâm Xuân Bình cùng 5 đồng phạm làm giả rất nhiều chứng từ thuế, trốn thuế với tổng số tiền 800 triệu NDT (126 triệu USD). Sau 17 ngày lẩn trốn, ngày 9-6-2012, ông ta đã bị bắt tại Chu Hải (tỉnh Quảng Đông). Ngày 19-11-2013, tòa án Ôn Châu đã kết án Lâm Xuân Bình tù chung thân, đồng thời tịch thu tất cả tài sản cá nhân của siêu lừa này.