Cô giáo Nguyễn Thị Thư Hòa (sinh năm 1985), Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội: Tôi yêu nghề và muốn dồn hết tâm huyết cho nghề.
Tôi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Hà Nội. Với những sinh viên như tôi sau khi ra trường thường có hai hướng đi: hoặc vào dạy trong các trường đại học, cao đẳng hoặc làm công tác nghiên cứu và tôi đã chọn công việc “gõ đầu trẻ”. Mặc dù rất tự tin ở mặt kiến thức chuyên môn của bản thân song nghề dạy học khó hơn tôi tưởng. Nhiều bài giảng tôi tâm huyết, đầu tư rất nhiều từ ở nhà để truyền đạt cho các em. Nhưng sau những phút say sưa giảng, tôi hỏi lại học sinh của mình thì phần lớn các em không hiểu và ngỡ như tôi đang “tung chưởng” trên bảng. Tôi buộc phải suy nghĩ lại cách dạy của mình. Kiến thức tốt vô cùng quan trọng, tuy nhiên truyền đạt thế nào tới học sinh, làm cho học sinh dễ hiểu trong một thời gian ngắn nhất, có hứng thú học tập... mới là điều quan trọng.
Đến với nghề giáo không phải là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, sau một thời gian giảng dạy, tôi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc của một nhà giáo. Đó là niềm vui mà nếu không trở thành giáo viên có lẽ tôi không bao giờ có được. Cuộc sống luôn chứa đựng nhiều thay đổi, bất ngờ mà con người không lường trước được. Bản thân tôi cũng chưa thể khẳng định liệu mình có thể gắn bó mãi mãi với nghề giáo không? Nhưng tại thời điểm này tôi yêu nghề và cố gắng dồn hết tâm huyết cho nghề.
Đam mê với nghề giúp các giáo viên trẻ vượt qua những khó khăn, thử thách trong quá trình dạy học |
Lê Thùy Dung - Sinh viên năm thứ 1 khoa Giáo dục Tiểu học- Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội: Mong ước được đi đến tận cùng với nghề giáo.
Từ khi học mẫu giáo em đã thích và yêu nghề giáo. Khi thi vào đại học em chọn ngành sư phạm. Quyết định này cả gia đình đều ủng hộ em. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không khỏi lo lắng và nhắc em cần cân nhắc kỹ về những khó khăn, thử thách trong tương lai mà em sẽ gặp nếu theo nghề. Các thầy cô giáo của em cũng nói cho em biết nghề giáo khá vất vả, thu nhập không cao, đòi hỏi sự tỉ mỉ, yêu nghề thực lòng, nếu không sẽ không thể theo nghề...
Em vẫn biết cuộc sống không chỉ cần dựa vào những đam mê của bản thân, tuy nhiên em nghĩ rằng đam mê sẽ giúp em vượt qua khó khăn. Dẫu cuộc sống của nhà giáo trong tương lai còn vất vả thì em vẫn mong được theo nghề và gắn bó đi hết con đường mà mình yêu thích lựa chọn.
Nguyễn Hữu Mười - Khoa Kinh tế chính trị - Học viện Báo chí Tuyên truyền: Đã dấn thân vào nghề giáo thì đừng nghĩ nhiều tới vật chất.
Em đã học xong thạc sĩ, đang mong muốn được dạy tại trường em từng theo học là Học viện Báo chí Tuyên truyền. Quá trình đợi việc em đã làm thử một số công việc nhưng cảm thấy bản thân mình vẫn đam mê và hợp nhất với nghề dạy học. Bạn bè có thắc mắc với em vì sao học ngành kinh tế mà không xin vào những công việc có thu nhập tốt, giáo viên trẻ sẽ khó khăn trong việc ổn định cuộc sống. Em cũng đã hình dung được những khó khăn mình sẽ phải trải qua nếu theo nghề giáo. Tuy vậy, em nghĩ đã dấn thân vào nghề giáo thì đừng quá suy nghĩ nhiều tới vật chất. Hơn thế nữa, em sẵn sàng làm thêm bên ngoài công việc gì đó để có thêm thu nhập và hỗ trợ cho em ổn định hơn với nghề giáo.
Chị Nguyễn Thanh Hà - Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội): Giáo viên trẻ nhiều ưu thế lắm chứ!
Năm học lớp 4, lớp con gái tôi được phân công chủ nhiệm giảng dạy bởi một cô giáo trẻ mới ra trường. Ban phụ huynh của lớp hết sức lo lắng vì lớp 4 là lớp bản lề của cấp tiểu học. Tuy nhiên, sau một vài tháng giảng dạy cô giáo trẻ của lớp con tôi đã chứng tỏ được năng lực của mình. Không chỉ có kiến thức vững vàng, cô còn ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào bài giảng, giúp phương pháp giảng bài sinh động hơn, học sinh dễ dàng tiếp thu và hứng thú hơn với học tập. Tuổi trẻ nên khoảng cách giữa cô trò cũng khá gần gũi. Chưa có gia đình cùng sự nhiệt huyết mới ra trường nên cô có thể dành nhiều thời gian hơn đến việc chuẩn bị bài giảng cũng như quan tâm và chia sẻ với học trò. Còn kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống thì đương nhiên giáo viên trẻ chưa thể bằng những giáo viên đã có thâm niên. Tuy vậy nó không quá quan trọng, hay ảnh hưởng lớn đến việc học tập của các cháu.
Phân tích nguyên nhân tại sao khó tuyển giáo viên trẻ, đại diện các trường đại học công lập đều khẳng định: Lý do là lương quá thấp. Một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nếu ở lại trường làm giáo viên lương khởi điểm chỉ 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó ra làm tại doanh nghiệp mức lương cao gấp năm, gấp bảy lần nên nhiều em không ở lại. Đó là chưa kể, nếu yêu cầu hàng đầu của những giáo viên trẻ là phải lương cao thì quả thật hầu như (nếu không muốn nói là tất cả) các trường công lập đều phải từ chối... không tuyển! PGS Văn Như Cương cho rằng, chung quy vẫn là vấn đề đồng lương. Nếu thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, người trẻ tài giỏi dù muốn đến mấy cũng khó mặn mà. Trong khi đó, GS Phạm Phụ phân tích: Với lương bổng, cơ chế dùng người như hiện nay, khó lòng thu hút lớp trẻ ở lại và gắn bó với trường. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các trường đại học thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ. |
Ngọc Hà