Người trẻ không vô cảm

Người trẻ không vô cảm

(GD&TĐ)- Xã hội đang tự hỏi có phải giới trẻ ngày nay quá vô cảm, có phải người trẻ hôm nay được cha mẹ “bao cấp” quá nhiều nên có suy nghĩ và cuộc sống co cụm ích kỷ? Không, vẫn còn đó những người trẻ nặng lòng với công tác tình nguyện. Chuyện của nhóm sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM.

Bữa cơm nhân ái
Sinh hoạt tập thể

Huệ đã điện hẹn tôi có mặt trước cổng trường để lên xe buýt đến Bến xe miền Đông. Từ bến xe thêm chuyến xe buýt đến Ngã 3 Nhà thờ, đi bộ khoảng 10 phút là đến Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An. Khởi hành sớm, đến nơi sương còn giăng giăng, mọi người xuýt xoa với cái lạnh giáp Tết của miền Nam, vậy mà các em của trung tâm đã thức dậy háo hức chờ đón các anh chị khệ nệ mang những gói quà, những bao thực phẩm, trái cây, thịt… đến với các em trong một bữa cơm thân tình.

Đào dạy các bạn sinh viên “ngôn ngữ tay” cơ bản để giao tiếp với các em, đồng thời trao 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500 ngàn để động viên tinh thần học tập của các em vượt khó, học giỏi. Sau đó, mười trò chơi của mười đội gồm 150 sinh viên của các khoa đã diễn ra vui tươi, sôi nổi.

Trò chơi câu cá
Trò chơi câu cá

Các em nữ tập trung nơi “câu cá giấy”. Các em nam chơi trò bowling gồm những chai nhựa xếp theo kiểu bowling, với quả bóng cũng bằng nhựa ném. Hơn 10 chai nhựa nhưng chỉ cần 6 chai ngã, các em cũng được thưởng một gói bánh Snack. Có em thích “tạt lon”. Các bạn sinh viên công kênh các em chơi trò hái kẹo hay dưa hấu bằng… miệng. Đằm thắm hơn là trò mò trong thùng đá lạnh để tìm viên đá thật. Và sáng tạo nữa là trò xếp hình, chằm giấy thủ công dán lên nền trắng, vẽ hình… Với hai trò chơi cuối, mặc sức các em sáng tạo. Một “bức tranh” có khi đến 5 - 6 em cùng vẽ, vậy mà cũng tạo được một bức tranh mùa xuân với thịt mỡ, bánh chưng, cành mai… thật huy hoàng, ngon mắt. Hay bức tranh Giáng Sinh với cây thông, máng cỏ, ngôi sao… Các em còn nắn nót những lời chúc “anh chị sinh viên luôn vui khỏe”!

Ngày nào các em cũng có những bữa cơm đầy chất lượng, có cần không một bữa cơm nhân ái? Theo Lan Thảo, sinh viên năm 2: “Tôi đã tham gia vào chương trình này hai năm rồi. Từ những em khuyết tật, tôi đã học hỏi rất nhiều tinh thần vượt khó, tâm hồn lạc quan yêu đời của các em. Dù thiệt thòi hơn người bình thường, các em vẫn vui tươi, gần gũi và chăm chỉ học tập để tìm cho mình một lối nhỏ vào đời”.

Còn Huệ, sinh viên năm 3 bộc bạch: “Năm thứ nhất tôi không tham gia được do hạn chế người tình nguyện, tôi đã cố để vào được đội công tác xã hội năm sau đó và đã có hai lần đến với các em. Ban đầu tôi rất ngại tiếp xúc vì không biết giao tiếp ngôn ngữ của các em. Vậy mà lần đầu tiên, chính các em tìm đến tôi và chủ động viết chữ lên trang giấy để bút đàm với tôi về những chuyện vui buồn. Năm nay, tôi không chờ các em đến làm quen nữa mà tự tôi đến với các em”. 

Với Thêu, sinh viên năm 1: “Tôi nghĩ tham gia công tác tình nguyện để thấy mình là thành viên của xã hội, cần đóng góp chút gì dù nhỏ nhoi cho cộng đồng. Thế thôi!”.

Hỏi bất kỳ SV nào: “Có phải bạn không có chỗ đi chơi ngày chủ nhật mới đến đây không?”, câu trả lời là: “Đến đây chúng tôi cũng góp tiền, cũng tiêu xài tự túc. Với món tiền nhỏ đó, tôi cũng có thể ngồi quán cà phê nghe nhạc suốt buổi sáng vậy. Chúng tôi đến đây vì muốn bước chân vào xã hội với đôi mắt nhân ái và một tinh thần yêu thương”.

Sinh hoạt tập thể
Bữa cơm nhân ái

Theo Nguyễn Quốc Phong, một trong những người đề xướng Bữa cơm nhân ái năm 2008: “Khởi đầu, một nhóm ngồi nói với nhau cần làm một điều gì đó cho người bất hạnh. Thế là xin tài trợ của Namilux, góp thêm tiền riêng trong các bạn sinh viên trường và cùng đến với các cụ già ở Thạnh Lộc, các cụ neo đơn ngồi trên cầu xin ăn. Năm 2009 và 2010, tự sinh viên trường đóng góp, đưa Bữa cơm nhân ái đến Trung tâm GD Trẻ khuyết tật này. Năm 2011, chúng tôi xin được tài trợ của Vinamilk, Maximark (Cty đầu tư An Phong) và Trung tâm Tin học của trường. Ngoài ra, kinh phí cho các trò chơi, quà tặng, quà thưởng do sinh viên đóng góp, ai thích thì chung tay, không thì thôi, và bao nhiêu cũng được. Chúng tôi hướng đến một bữa ăn chất lượng cho các cụ già, nhưng cái khó là không có chỗ tập trung các cụ lại để chia sẻ!”.

Trước giờ cơm, các em đều được tặng gói quà gồm tập vở, bút… Các bạn sinh viên quây quần bên mâm cơm cùng các em rồi ra về trong luyến tiếc.

Thế đấy, dù được cưng chiều chăm sóc đến tận răng, những người trẻ hôm nay vẫn tự nguyện tìm đến cộng đồng bằng nhiều con đường, và trẻ khuyết tật, người già neo đơn… là chốn đến cho những người trẻ này. Họ đã thoát ra vỏ ốc bảo bọc của gia đình để đến với những người cần lắm sự chia sẻ, dù chỉ nhỏ nhoi thôi.

Nguyễn Ngọc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ