Người trẻ hướng về cội nguồn

Trần Ngọc Phương Minh, học sinh lớp 12 của trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đã có một ý tưởng là cùng nhóm bạn chụp một bộ ảnh về những thân phận người dân, người lính chịu hậu quả trong và sau chiến tranh. 

Trần Ngọc Phương Minh
Trần Ngọc Phương Minh
Ngoài tổ chức triển lãm “Đi qua chiến tranh”, các em còn bán ảnh, đồ lưu niệm để làm từ thiện cho chính những nhân vật trong tác phẩm.

Từ suy nghĩ đến hành động

Trước hết phải khẳng định nền tảng gia đình đã tạo cho Phương Minh không chỉ tính tự lập, mà còn là ý thức hướng về cội nguồn, trân trọng quá khứ. Và hơn thế chính ông nội cô cũng là một cựu chiến binh, một thương binh. Một bên chân không còn của ông luôn gợi nhắc cô cháu gái về quá khứ hào hùng của dân tộc, về những người chiến sĩ dũng cảm bảo vệ đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

“Ông thường dạy em biết thương người như thể thương thân, thương những người chịu thiệt thòi bởi chiến tranh”, Phương Minh bộc bạch.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ để cô bé quyết định chụp bộ ảnh. Cô cho biết thêm, bản thân thích học sử và các môn xã hội. Lớn lên, cô muốn tìm hiểu thêm về chiến tranh. Ông nội giúp cô rất nhiều và cô còn thường xuyên được đưa về quê Quảng Trị chơi. Quê ngoại cô ở huyện Giao Linh, quê nội ở Triệu Phong, những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Ở đó có những người chiến sĩ, người dân bị thương tích đầy mình, phải đối mặt với bao khó khăn vất vả.

Chứng kiến nhiều hoàn cảnh như thế, đầu năm lớp 12, Phương Minh đã quyết định phải làm một điều gì đó cho quê hương. Cô nói: “Không có gì bằng việc làm cụ thể, với tinh thần uống nước nhớ nguồn anh ạ”.

Từ suy nghĩ đến việc làm, đầu năm 2014 Phương Minh đã tổ chức một nhóm gồm 7 bạn học sinh cùng trường về Quảng Trị khảo sát thực tế hơn một tuần, ghi chép cẩn thận thông tin từng người. Chứng kiến hoàn cảnh người thì bị thương nặng, người nhiễm chất độc da cam, lại có người không còn đôi chân hoặc đôi tay… Vài bạn trong nhóm xúc động đã khóc nấc.

Nhóm 7 bạn đã chụp hàng nghìn bức ảnh về 30 nhân vật tiêu biểu bằng những chiếc máy ảnh không chuyên của gia đình. Còn kỹ thuật, Phương Minh nói rằng, các cô đã nhờ một phóng viên ảnh lành nghề “chỉ cho vài đường cơ bản”. Với hành trang hạn chế, nhưng có sự nhiệt tình, dám nghĩ của tuổi trẻ, các cô đã thực hiện tốt ý tưởng của mình.

Triển lãm xúc động

Từ hàng nghìn bức ảnh được chụp, nhóm học sinh đã chọn lấy 50 bức đẹp nhất để trưng bày trong triển lãm “Đi qua chiến tranh” tại Hà Nội. Mỗi nhân vật trong ảnh đều được ghi những đoạn lý lịch, hoàn cảnh ngắn đính kèm. Không giống với những triển lãm khác, “Đi qua chiến tranh” là cái nhìn về cuộc chiến tranh đã kết thúc đến 40 năm của các bạn trẻ. Và hơn thế, đều là ảnh chụp của những tay máy nghiệp dư, nhưng vẫn gây xúc động bởi nhóm tác giả đã lột tả được chân thực những chi tiết rất đời thường của nhân vật.

Phương Minh với ước mơ bình dị đã làm được điều mình mong muốn, đó cũng là ước mơ của chính ông nội cô. Triển lãm thành công. Đặc biệt, giáo sư Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc đến dự, động viên đã là sự khích lệ nhóm bạn trẻ. Phương Minh nói rằng, cô không ngờ mình đã làm được một việc có vẻ quá sức như vậy, trong khi áp lực học hành rất nặng. Chính gia đình cô cũng không ngờ về thành công này.

Tại triển lãm, nhóm bạn trẻ đã bán đồ lưu niệm, gây quỹ từ thiện, góp được số tiền 30 triệu đồng. Nhóm đã gửi về giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, là nhân chứng lịch sử, nhân vật trong ảnh. Bạn Nguyễn Hà Trang, học cùng lớp Phương Minh, thành viên của nhóm tâm sự: “Qua triển lãm chúng em mong muốn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với nỗi đau hậu chiến, gửi thông điệp hòa bình và mong ước về cuộc sống không còn chiến tranh”.

Đến giao lưu với các anh chị là sinh viên, các nhóm thiện nguyện trong Ngày hội tình nguyện Quốc gia 2014, diễn ra vào cuối tháng 12/2014 vừa qua tại công viên Hòa Bình, Phương Minh nói rằng, cô rất muốn có nhiều việc làm ý nghĩa hơn, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Chắc chắn em vẫn quan tâm đến đề tài chiến tranh, sẽ làm một dự án gì đó để quan tâm hơn nữa tới những người có công với nước, người có hoàn cảnh thiệt thòi”, Phương Minh nói. Vậy cụ thể hơn là gì? Cô trả lời: “Việc này em xin phép không nói trước vì vẫn trong thời gian em nung nấu ý tưởng. Nhưng có điều chúng em nói được, là mỗi thành viên sẽ trưởng thành hơn rất nhiều”.

Nhưng dù nói hay không thì cô học sinh năng động, phó Bí thư đoàn trường hăng hái với nhiều hoạt động đoàn của trường Hà Nội Amsterdam cũng là tấm gương sáng về trách nhiệm với xã hội. Trong khi còn có những vô cảm, vô tâm trước thân phận của nhiều đồng bào đang còn chịu nỗi đau hậu chiến, thì những hoạt động nho nhỏ như Phương Minh và nhóm bạn đã làm mang ý nghĩa rất lớn. Đó là sự thức tỉnh của những điều nhân bản!

Theo Thời báo ngân hàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.