Người trẻ cần Chính phủ hỗ trợ lãi vay 0 đồng "tạo lập căn nhà đầu tiên"

Người trẻ cần Chính phủ hỗ trợ lãi vay 0 đồng "tạo lập căn nhà đầu tiên"

Là người đang kiếm tìm một căn hộ ở tầm giá 800 - 900 triệu để mua trả góp, anh Trần Duy Trung - giáo viên Trường THPT Việt – Nhật, TPHCM cho rằng, sẽ là rất tốt nếu những người trẻ như anh được Chính phủ hỗ trợ việc tạo lập căn nhà đầu tiên, với lãi vay 0 đồng trong khoảng thời gian nhất định.

Giới trẻ với nhu cầu tạo lập “căn hộ nhỏ” ngày càng cao

HoREA vừa có văn bản đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành chính sách “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp để mua nhà.

Theo đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng. Giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Đồng thời đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch theo tinh thần Thông tư 01.

Theo HoREA, Nghị định 41 của Chính phủ “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất”, nhưng chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Do đó, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, Chính phủ cần nghiên cứu, tháo gỡ vấn đề này bởi với doanh nghiệp, tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn trong các dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu, thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

HoREA đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp phải nộp phát sinh trong các tháng 3 và 6 (sau 90 ngày kể từ ngày có Thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ 5 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020/NĐ-CP.

Đáng chú ý, HoREA trình Chính phủ kiến nghị về việc hỗ trợ “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ. Chia sẻ về đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết: Qua khảo sát của HoREA cho thấy, giới trẻ mới lập gia đình, tạo dựng công việc đang có xu thế sống tự lập và có nhu cầu tạo lập “căn hộ nhỏ” ngày càng cao. Khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy, cứ sau mỗi 10 năm, đa phần người trẻ có thu nhập tăng gấp đôi. Chính vì vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như có rất ít rủi ro. Nhiều nước trên thế giới cũng đang cho giới trẻ vay tín dụng theo hình thức tín chấp để mua nhà, đóng học phí.

“Thực tế, người trẻ chính là những người có nhu cầu và nguồn lực để trả góp cho căn nhà của mình. Nếu Chính phủ có được gói chính sách an cư, hỗ trợ người trẻ ban đầu trong việc tạo dựng tương lai, chính sách an sinh xã hội sẽ tốt và bền vững rất nhiều” – ông Lê Hoàng Châu nói.

Dễ thực hiện không?

Thực tế, vài năm gần đây, các chủ đầu tư BĐS dần chú trọng phát triển các dự án nhắm tới đối tượng khách hàng trẻ lần đầu tiên mua nhà. Số khách hàng trẻ có nhu cầu mua nhà cũng ngày một tăng tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình thực hiện ước mơ về an cư lạc nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thiện Hưng - chuyên gia tài chính, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM thì hiện nay đã có khá nhiều ngân hàng liên kết với chủ đầu tư để thực hiện cho vay tại các dự án. Song trở ngại lớn lại đến từ lãi suất của ngân hàng, khiến nhiều người trẻ ngán.

“Hiện phần đông người trẻ có nhu cầu mua căn hộ chỉ tích lũy được số vốn tối thiểu bằng khoảng 30% giá trị căn hộ. 70% giá trị còn lại khách hàng sẽ tìm tới ngân hàng để vay. Tuy nhiên, với chính sách lãi vay như hiện nay từ các ngân hàng lãi suất từ 7 – 9,2% cho năm đầu, thường sẽ cộng biên độ 3 - 4% cho những năm sau đó… khiến không ít người trẻ không chịu nổi. Vì vậy, một chính sách hỗ trợ người trẻ tạo lập căn nhà đầu tiên là đề xuất khá hợp lý” – ông Hưng đánh giá.

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính để thực hiện việc hỗ trợ hàng triệu ước mơ của người trẻ có nhà, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp là điều không dễ thực hiện.

Theo TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Đào tạo Kinh tế Quốc tế (Bộ KH&CN), nếu nhìn sơ qua về mặt chính sách, đề xuất trên có vẻ rất hợp lý. Nhưng nếu soi chiếu trong hệ số phái sinh tài chính, đặc biệt là các chính sách tương hỗ đi kèm lại là điều không hề đơn giản.

“Ngoài thực tế trở ngại đầu tiên là sản phẩm căn hộ hiện nay tương đối khan hiếm phân khúc căn hộ giá rẻ (tầm giá từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng) thì người trẻ còn phải đối diện thách thức lớn, đó là nguồn vay lãi 0 đồng hoặc dưới 3%/năm. Hiện không nhiều ngân hàng có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho đối tượng này.

Vì vậy, giải pháp để hỗ trợ tích cực hơn cho khách hàng trẻ vay mua nhà là các ngân hàng nên sử dụng các nguồn huy động vốn trung dài hạn (thay cho nguồn vốn ngắn hạn như hiện nay). Hoặc nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế như WB hay IMF, có mức lãi suất ổn định để cho vay trung, dài hạn bằng lãi suất cho vay cố định trong suốt thời gian vay như các ngân hàng tại Mỹ và Pháp đang áp dụng” - TS Tiệp nói.

Là người đang kiếm tìm một căn hộ ở tầm giá 800 - 900 triệu để mua trả góp, anh Trần Duy Trung - giáo viên Trường THPT Việt – Nhật, TPHCM cho rằng sẽ là rất tốt nếu những người trẻ như anh được Chính phủ hỗ trợ việc tạo lập căn nhà đầu tiên với lãi vay 0 đồng trong khoảng thời gian nhất định.

“Rất khó để đòi hỏi Chính phủ hỗ trợ người mua nhà một gói hỗ trợ lãi vay 0 đồng, hoặc lãi vay thấp (dưới 3 - 5%/năm) cho toàn bộ thời gian vay. Nhưng sẽ là khả thi nếu thực hiện lộ trình hỗ trợ theo giai đoạn cụ thể. Ví dụ như 2 - 3 năm đầu chẳng hạn, để giúp người trẻ có nền tảng chuẩn bị ban đầu cho các năm tiếp theo vừa trả gốc và lãi vay căn hộ. Ngoài ra, cá nhân tôi nghĩ, để chính sách sớm thành hiện thực, nhanh đi vào cuộc sống, Chính phủ có thể “phân nhánh” đối tượng theo khu vực địa phương. Tận dụng nguồn lực tài chính của từng địa phương nhằm hỗ trợ người trẻ tốt hơn” – anh Trung nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…