Người “tìm ngọc trong đá”

GD&TĐ - Một sáng đầu thu năm 1987, mẹ vì quá lo cho tôi trong kỳ thi tuyển lên cấp 3, nên đã nhờ người gửi tôi vào một lớp ôn thi cấp tốc.

Người “tìm ngọc trong đá”

Chỉ học có 2 môn chính Văn và Toán, do hai nhà giáo nổi tiếng Phan Bá Hàm và Nguyễn Văn Ngọc (một Thạc sỹ Toán được đào tạo từ phương Tây về quê giảng dạy – Chuyện hết sức lạ kỳ hồi ấy).

Thầy Ngọc đã quy tiên gần 17 năm, còn thầy Phan Bá Hàm, lạy trời còn “phong hài cốt hạc”; vẫn cặm cụi sách vở hàng ngày dẫu ông đã gần 80 tuổi!

Hồi đó dạy một lũ lau nhau, mà ông đã là một người nổi tiếng, Phan Bá Hàm có sức đọc và sức nhớ đến lạ lùng. Đông tây kim cổ ở trong ông đầy ắp, ông nói: Cả những chi tiết nhỏ cũng có những phát hiện và cách nhìn nhận lạ.

Chẳng hạn hồi trẻ, mới ra trường vác cặp về dạy vùng Quỳnh Hậu – Cầu Giát (Quỳnh Lưu), ông liền thắc mắc ngay, tại sao làng Bào (Quỳnh Hậu) đường đi lại quanh co thế. Không câu trả lời nào làm cho ông thỏa mãn.

Chỉ đến khi một bậc túc nho bảo rằng: “À là vì đất này lắm người đậu đạt, làng lại bé quá, khi rước về vinh quy phải làm đường cong queo, đi nó mới rồng rắn thêm sang trọng. Nhất là khi đứng trên cao nhìn xuống…”.

Và cũng chính ở đây, ông đã dạy những học trò sau này nổi tiếng như nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt hay Hồ Sự Thật (học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc hồi đó)…

Một hôm ông bảo tôi đọc những câu của Hồ Sự Thật viết về nàng Mị Châu và Đền Cuông: “Đền hướng mặt về phía mặt trời lặn/Bóng chiều tà thấp thoáng cửa tam quan/Từ phương Đông vời vợi mảnh trăng lên/Trăng lặng lẽ nghiêng mình soi giếng Ngọc/Nàng Mị Châu ngồi khóc/Mấy nghìn năm…”.

Đến đây, ông rớm nước mắt bảo: “Hồi đó tôi hỏi em: Thật sao từ Hồ Đức Thật em lại đổi thành Hồ Sự Thật? Em bảo: Dạ; ở Hà Nội có nhà xuất bản Sự Thật nên em muốn đổi tên thành như vậy”.

Khi đó, ở xứ Nghệ sau cải cách ruộng đất nhiều điều khó diễn tả đã xảy ra khiến cho các em học sinh cấp 2, 3 chịu tác động mạnh. Chuyện lạ vì muốn sống “Sự Thật” mà cậu học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc ấy đã hỏng thi môn Văn khi thi tốt nghiệp, chỉ vì “Đề Văn ấy không phù hợp”. Mà ông thì không chịu làm bài theo đáp án hiện thời. Cuối cùng người ta tổ chức cho ông một kỳ thi riêng chỉ có…  một mình ông.

Thầy như thế, ắt có trò như vậy. Còn nhớ, khi Phan Bá Hàm chuyển từ trường bồi dưỡng cán bộ về trường vừa học vừa làm Yên Thành III, ông Nguyễn Nghĩa Nguyên - Hiệu trưởng, cũng là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng - ra điều kiện là ông về đó phải được một chân hiệu phó thì mới cho về.

Dĩ nhiên người ta vui vẻ chấp nhận. Ý ông Nguyên muốn ở vị trí đó Phan Bá Hàm sẽ phát huy được nhiều hơn, và cũng ông Hàm sau một thời gian thấy không phù hợp thì xin từ chức… 

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, người như ông để đi dạy thôi ai lại làm quản lý, nó phí tài đi. Ông còn là một nghệ sỹ đa tài, đi dạy, viết phê bình văn học, đặc biệt là văn hóa dân gian.

Cho tới nay, ông là một trong số ít ỏi những thầy giáo dạy cấp 3 có tới 4 lần đạt giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Công trình mới đây nhất là  Văn hóa dân gian làng Liêu Trì ở Liên Thành (Yên Thành , Nghệ An), đạt giải cao khiến dư luận kính nể, bởi không ngờ trong một cái làng nhỏ bé như vậy mà nó ôm ấp không biết bao nhiêu trầm tích văn hóa, lịch sử, giai thoại.

Lạ... con người ông cũng đầy giai thoại, có lẽ người ta bịa ra kể cho nhau nghe thôi: Nào là ông lợp tranh thì cứ lợp, lợp trên lợp xuống nên cứ loay hoay trên mái nhà; Nào là ông níu lấy một học trò cũ nay là nữ giáo viên dặn đi dặn lại: Đi đường đặc biệt là đi xe đạp phải luôn đi về phía bên phải; Nào là ông thấy con bé bán kem dưỡng da nó quảng cáo hay quá, liền mua mấy lọ kem dưỡng da về biếu mấy cô con gái để cho nó trẻ lâu…

Nói chuyện với Phan Bá Hàm có lúc ông buồn; Cả đời ông lấy đọc sách làm bạn, lấy nghiên cứu làm vui, lấy dạy học làm hy vọng… “Thầy ơi! Bọn em đã làm được gì đâu? Vậy mà thầy; cả ngàn trang viết trên bàn đang ngày càng dầy lên, tinh hoa cả đời trút lại cho mai sau đều ở trong đó”.

Tôi bỗng se lòng khi hình dung một Phan Bá Hàm cô đơn, lặng lẽ, một mình, một bóng nhưng trang viết vẫn ấm nóng nhiệt huyết, vẫn trải hết lòng mình bên ngọn đèn ấm áp đêm đêm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.