Người thiếu việc, ruộng bỏ hoang

Người thiếu việc, ruộng bỏ hoang

Tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội, nhất là các địa phương ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng nông dân bỏ ruộng đã diễn ra từ vài năm nay. Đây là một nghịch lý đáng suy ngẫm bởi không ít nông dân vẫn đang phải loay hoay tìm việc làm, tăng thu nhập.

Người dân xã Cổ Nhuế, Từ Liêm cuốc ruộng bỏ hoang để trồng rau
Người dân xã Cổ Nhuế, Từ Liêm cuốc ruộng bỏ hoang để trồng rau
 

Bỏ ruộng vì thủy lợi… không lợi

Cánh đồng của các thôn Phương Bản, Phương Viên (xã Song Phương, Hoài Đức) nằm ngay sát Đại lộ Thăng Long, giao thông đi lại khá thuận tiện. Thế nhưng, bên cạnh những ruộng rau, ngô, cây ăn quả xanh mướt là không ít thửa ruộng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Phương Bản lý giải, do hệ thống thủy lợi không tốt, ruộng thường xuyên bị úng nên người dân phải bỏ ruộng vì trồng cây gì cũng… chết. Nhà chị Thu có 7 sào ruộng, trong đó 2 sào trồng lúa, 5 sào trồng màu. Vụ mùa năm nay, chị phải bỏ hoang 3 sào trồng màu vì gieo hạt rau, ngô đều bị hỏng. “Thực sự cũng tiếc ruộng lắm, không nỡ để ruộng hoang nhưng cứ làm như vậy thì lỗ vốn” – Chị Thu ngao ngán.

Từ Song Phương theo con đường nhựa mới tinh xuôi về UBND huyện Hoài Đức, qua xóm Trại Chiêu (xã Sơn Đồng), chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cả khu ruộng rộng tới hàng mẫu bị bỏ hoang, cỏ dại mọc héo úa loang lổ. Có những mảnh ruộng, bèo Tây, rau muống mọc rậm rịt như đã bị bỏ hoang từ rất lâu.

Theo nhiều người dân ở đây, do khu đồng trũng, thường xuyên úng nước, lại gần khu dân cư, nhiều chuột phá hoại nên cấy lúa kém hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Tuất - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức - cho biết: Toàn huyện có 2.300 ha diện tích cấy lúa.

Hiện nay, ngoài một số diện tích đã bị thu hồi để phát triển đô thị nhưng chưa được triển khai còn bỏ hoang, trên địa bàn huyện Hoài Đức có tình trạng nông dân bỏ ruộng nhưng diện tích không nhiều. Theo ông Tuất, đặc thù tiêu thoát nước trên địa bàn huyện phụ thuộc hoàn toàn vào sông Nhuệ nên khi gặp mưa lớn, diện tích ruộng bị úng đọng nước thường xuyên là khá lớn.

Tương tự, tại huyện Từ Liêm, do ảnh hưởng của đô thị hóa, nhiều khu ruộng của các xã trên địa bàn huyện trở thành đất xen kẹt, hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, gây khó khăn cho sản xuất, dẫn tới việc dân bỏ ruộng hoang. Tại xã Cổ Nhuế, nhiều mảnh ruộng của thôn Hoàng, khu vực giáp xã Xuân Phương bị bỏ hoang đã vài năm nay, cỏ mọc chằng chịt, có chỗ cỏ cao ngang bụng người.

Chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Hoàng cho biết, nhà chị có 2,5 sào ruộng nhưng đã bỏ hoang 4 năm nay do nguồn nước bị ô nhiễm, việc tưới tiêu gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tại khu vực gần Công viên Hòa Bình, hàng chục héc ta đất nông nghiệp của xã Cổ Nhuế và Xuân Đỉnh đã được thu hồi nhiều năm nay nhưng chưa triển khai xây dựng. Do đó, một vài hộ dân vẫn “vượt rào” vào trồng rau, đu đủ, khoai nước… trên chính những thửa ruộng đã bị thu hồi trước đây.

Còn tại xã Phú Diễn, theo thống kê, toàn xã có 167ha đất nông nghiệp nhưng do việc tưới tiêu không thuận lợi nên có tới hơn 10ha đất ruộng bị bỏ hoang. Ông Phạm Đăng Thình - Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Từ Liêm cho biết, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng diện tích ruộng xen kẹt trong các khu đô thị, công nghiệp rất khó sản xuất, người dân bỏ hoang cũng lên tới hàng trăm héc ta, tập trung ở các xã Đại Mỗ, Tây Mỗ, Mễ Trì, Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh…

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều dự án công nghiệp, đô thị lấy đất ruộng nhưng chưa triển khai, bỏ hoang với diện tích cũng tương đối lớn, chủ yếu ở các xã Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Mỹ Đình, Trung Văn…

Vào thời điểm đầu năm 2011, huyện Từ Liêm cũng đã có hơn 100ha đất ruộng bỏ hoang. Nguyên nhân là do việc thi công các dự án trên địa bàn đã san lấp, phá vỡ hệ thống tưới tiêu gây ngập úng hoặc không đưa nước vào đồng ruộng được.

Tại các xã Tân Lập, Tân Hội (Đan Phượng), nhiều diện tích vùng trũng luôn đọng nước thải đen sì khiến cho nông dân không thể gieo trồng hoặc chỉ cấy được một vụ/năm. Theo UBND huyện Đan Phượng, toàn bộ 4.000ha đất nông nghiệp của huyện đều được tưới, tiêu thông qua hệ thống thủy lợi Đan Hoài.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng trong khi việc tiêu thoát nước thải gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất. Năm 2012, toàn huyện Đan Phượng có khoảng 40ha ruộng không thể sản xuất được do bị ô nhiễm.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn TP có khoảng hơn 188.600 ha. Diện tích trồng lúa cả năm đạt 204.000ha (mỗi vụ khoảng 102.000ha), năng suất bình quân đạt 58,8 tạ/ha, sản lượng bình quân xấp xỉ 1,2 triệu tấn/năm.

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng Sở NN&PTNT khẳng định, tại một số huyện ngoại thành, tình trạng nông dân bỏ ruộng có xảy ra, ước tính mỗi vụ có khoảng 100ha. Diện tích bỏ hoang chủ yếu là đất lúa xen kẹt giữa các khu đô thị, khu công nghiệp, những nơi hệ thống giao thông, thủy lợi bị phá vỡ không đủ điều kiện để sản xuất.

Chênh lệch chi - thu

Không chỉ do hệ thống giao thông, thủy lợi yếu kém, một trong những nguyên nhân khiến cho người nông dân có tâm lý chán ruộng là chi phí đầu tư cho sản xuất lúa hiện nay cao nhưng hiệu quả thu về còn thấp.

Chị Vương Thị Chung ở Đồng Quang (Quốc Oai) nhẩm tính, chi phí đầu tư cho mỗi sào lúa lên tới xấp xỉ 1 triệu đồng. Cụ thể, giá thuê cày bừa 120.000 – 150.000 đồng/sào, thuê cấy 200.000 đồng/sào, gặt 150.000 – 200.000 đồng/sào.

Ngoài ra còn chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, năng suất lúa trung bình chỉ đạt 200 – 220 kg/sào. Với mức giá 7.200 đồng/kg thóc như hiện nay, trồng lúa hầu như không có lãi. “5 sào trồng lúa nhà tôi chỉ đủ ăn, còn lại mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều từ tiền làm thuê của chồng, con tôi” – Chị Chung tâm sự.

Một cán bộ Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai chia sẻ, với những địa phương có nghề phụ hoặc gần khu công nghiệp, đô thị, người dân còn có cơ hội có thêm việc làm, tăng thu nhập. Tại các xã thuần nông, toàn bộ nguồn thu của người dân đều trông chờ vào đồng ruộng, đời sống thật sự khó khăn nếu địa phương không có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị canh tác.

Kết quả khảo sát của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, tình trạng nông dân bỏ ruộng ở khu vực Đồng bằng sông Hồng chủ yếu là trên diện tích đất hai vụ lúa/năm hoặc hai vụ lúa, một vụ màu/năm.

Bình quân mỗi hộ dân có quy mô 3,72 khẩu và được giao khoảng 5,5 sào ruộng, thu nhập đạt khoảng hơn 22 triệu đồng/năm. Trừ tổng chi phí thuê làm đất, giống, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, gặt, tuốt lúa chỉ còn thu lãi gần 13 triệu đồng/năm.

Ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn - cho biết: 5 năm trở lại đây, giá phân bón vô cơ tăng trung bình gấp 2 lần, giá thuê nhân công cũng tăng hơn 2 lần nhưng giá thóc chỉ tăng 1,2 lần.

Ngoài ra, hiện nay ở nhiều địa phương, ruộng đất rất manh mún, sản xuất đơn lẻ, khó áp dụng cơ giới hóa nên chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Hơn nữa, ở một số vùng nông thôn, thanh niên ra TP tìm việc dẫn đến tình trạng thiếu lao động trẻ, lao động chất lượng, việc tiếp thu các tiến bộ khoa học còn hạn chế và năng suất lao động thấp nên người nông dân xin trả ruộng.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, từ năm 2011 trở về trước, việc bỏ hoang ruộng đất mới xảy ra ở một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh nhưng đến nay đã lan ra nhiều tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…

Ước tính hiện nay diện tích bỏ ruộng ở các tỉnh bình quân khoảng 100ha/tỉnh, có tỉnh trên 200ha. Kết quả khảo sát sơ bộ ở 6 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và miền Trung, diện tích bỏ ruộng đã gần 1.000ha.

Theo Thiên Tú
Kinh tế đô thị

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.