(GD&TĐ) - Những ngày này, hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, khắp các khoa của Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng năm học mới và trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân và kỹ sư. Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần được đưa đến với niềm tiếc thương vô hạn.
Trong không khí trang nghiêm mở đầu buổi lễ, cả hội trường lại dành phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng, người thầy, mà tầm vóc và trí tuệ rạng ngời. Nhớ lại một ngày của 15 năm trước, Đại tướng về thăm và nói chuyện với tập thể các giáo sư, giảng viên và sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội, mọi cảm xúc vẫn còn mới nguyên trong tâm trí nhiều cán bộ, giảng viên.
Vinh dự và tự hào cho những ai được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện trong ngày 19/12/1997 năm đó |
TS Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội bồi hồi nhớ lại cảm xúc dâng trào được đón tiếp Đại tướng về thăm Viện. Hôm đó là ngày 19/12/1997, Hội Cựu chiến binh tổ chức một buổi giao lưu Nhà giáo – Chiến sĩ tại Nhà Văn hóa học sinh – sinh viên ở hồ Thiền Quang, Hà Nội. Anh em cựu chiến binh và các thầy cô giáo, sinh viên đều mong muốn được gặp gỡ, giao lưu với các vị anh hùng quân đội, đặc biệt trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiều tối ngày 19/12/1997, có thông tin chính thức về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến giao lưu với tập thể Viện Đại học Mở Hà Nội. Mừng quá, Ban tổ chức buổi lễ dù đã lên kịch bản chi tiết, nhưng ngay lập tức đã sửa đổi, bổ sung, huy động thêm số lượng đoàn viên thanh niên và Hội sinh viên cùng tham gia. Chúng tôi coi đây là cơ hội, dịp may hiếm hoi để được nghe vị Đại tướng lừng danh, người thầy, nhà giáo dục đến nói chuyện và động viên nhà trường.
Đúng 8h sáng ngày 19/12, chiếc xe chở Đại tướng vừa đỗ ở lối dẫn lên cầu vào Nhà văn hóa học sinh, sinh viên. Cửa xe mở, Đại tướng bước ra nhanh nhẹn đi lên cầu thang trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm cán bộ, sinh viên xếp thành 2 hàng đón chào Đại tướng. Các em xúc động quá còn quên cả nghi lễ vẫy hoa chào đón Đại tướng dù đã được các thầy dặn kỹ từ trước. Nụ cười tươi, hiền hậu, bước đi sải nhanh, cùng những cái bắt tay nắm chặt là cảm giác ấm cúng, thân mật, như người cha, người ông về thăm nhà mà không chỉ tôi, các thầy cô giáo, các em sinh viên có được vinh hạnh gặp Đại tướng ngày hôm đó cảm nhận.
Theo tính toán ban đầu, số lượng cán bộ, giảng viên của Viện tham gia buổi giao lưu khoảng 200 người, cùng với 300 sinh viên. Nhưng khi thông tin có Đại tướng về, số người tham gia tăng vọt, nhất là các em sinh viên. Hội trường Nhà Văn hóa học sinh – sinh viên với hơn 500 chỗ ngồi mà có tới cả nghìn người tham dự trong trật tự. Buổi giao lưu đó, Đại tướng tâm sự với các thầy cô, với các em sinh viên nhiều điều. Đặc biệt, Đại tướng nhấn mạnh ý nghĩa vô cùng quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Đại tướng nhanh nhẹn bước đi trong niềm hân hoan chào đón của các em sinh viên |
Sau khi nghe lãnh đạo Viện báo cáo về mô hình hoạt động của Viện Đại học Mở Hà Nội có sự khác biệt với các trường đại học công lập truyền thống, Viện phải tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động, tự cân đối thu chi trên nguồn thu học phí theo quy định. Với phương thức đào tạo từ xa, Viện đã mang lại cơ hội học tập cho nhiều người dân trên mọi miền đất nước: Từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, thuộc mọi thành phần kinh tế, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo, những người khuyết tật, khiếm thị.
Nghe xong, Đại tướng rất vui vẻ và tâm đắc với sứ mạng và những việc đã làm được của Viện. Đại tướng nhắc nhở: Trong di chúc của mình, Hồ Chủ tịch có căn dặn: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai ai cũng được học hành...”.
Đất nước ta giờ đã hòa bình, độc lập, đồng bào ta đã có đủ cơm ăn, áo mặc, nhưng nhu cầu học tập là vô cùng to lớn. Viện đã thực hiện chức năng góp phần xây dựng xã hội ta thành xã hội học tập. Mô hình này thế là tốt, cần được nhân rộng và phát triển. Như thế là chúng ta đã thực hiện tốt di huấn của Bác. Đại tướng cũng nhắc thêm: Đất nước ta đi qua chiến tranh chưa lâu, vẫn còn nhiều người lính rời quê hương, nhà trường để cầm súng bảo vệ đất nước. Khi xuất ngũ vẫn chưa được học tập nâng cao trình độ. Viện cần quan tâm nhiều hơn đến lớp người này, tạo điều kiện tốt nhất để những ai có nhu cầu đều được học tập.
Đào tạo mở và từ xa là một mô hình mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới người ta đã làm từ lâu rồi, điều này cho thấy ý nghĩa, vai trò to lớn của loại hình đào tạo này. Chính vì lẽ đó, tôi đã chọn đến thăm Viện Đại học Mở Hà Nội, tôi mong muốn rằng: Với sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu học tập đa dạng với nhiều loại hình đào tạo, đa ngành, đa cấp độ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế”, Viện Đại học Mở Hà Nội cần hướng tới đào tạo đa ngành nghề, đa cấp độ, đa phương thức, đi đầu trong việc thực hiện mô hình “giáo dục Mở và Từ xa”.
Nguyễn Anh Tuấn