Người thầy trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Đội ngũ giáo viên với đầy đủ năng lực và đạo đức, đó là chìa khóa thành công cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tuy nhiên hiện nay trong bối cảnh đời sống của phần đa nhà giáo còn khó khăn, việc đảm bảo nhu cầu tồn tại mưu sinh của bản thân và gia đình chịu tác động nhiều từ cơ chế thị trường. Vì vậy để giữ gìn phát huy đạo đức nhà giáo, để mỗi người thầy trở thành tấm gương về nhân cách và tri thức buộc xã hội, ngành Giáo dục cần có và thực hiện đồng loạt các giải pháp phù hợp.

Đạo đức của người thầy tác động lớn tới quá trình giáo dục toàn diện HS. Ảnh: Thanh Long
Đạo đức của người thầy tác động lớn tới quá trình giáo dục toàn diện HS. Ảnh: Thanh Long

Đạo đức nhà giáo trong xã hội mở

Tăng lương và mức thu nhập ổn định có phải là giải pháp tối ưu cho việc đảm bảo đạo đức người thầy? Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Lê Thị Tuyết Hạnh – Học viện Giáo dục cho rằng cần soi chiếu vào thực tế.

Trước hết, bộ phận giáo viên liên quan đến những tiêu cực nổi cộm trong giáo dục hiện nay: Nạn dạy học thêm, chạy lớp, chạy trường, chạy giải, mua điểm, bán bằng… lại xảy ra ở khu vực giáo viên có thu nhập cao hơn, trước hết là bộ phận giáo viên ở thành phố, giảng dạy hoặc ở vị trí quản lý ở các trường điểm, có trình độ cao và mức sống cao hơn nhiều đồng nghiệp ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Những người đã hoặc đang chủ trì, tham gia những đề tài, dự án không hiệu quả, lãng phí ngân sách thường là những người ở thứ bậc cao trong vị trí viên chức giáo dục mới có điều kiện quan hệ và tiếp cận những công việc này. Những người bán điểm, bán bằng, mua quan, bán tước... trong giáo dục trước hết phải là người có tiềm năng kinh tế. Và khi đã thu được lợi từ nguồn thu phi pháp này họ lại càng lún sâu vào con đường đó mà chỉ có thể dừng lại cho đến khi bị phát giác ra…

Vậy có phải là bộ phận giáo viên đang xuống cấp trầm trọng về đạo đức trước hết là do sự đói nghèo, sự vật lộn với “miếng cơm, manh áo” mà ra hay không?

Thực tế khác, những tấm gương sáng trong giáo dục, những nhà giáo chân chính còn giữ được đạo đức người thầy mà báo chí ca ngợi, biểu dương… đa phần lại nằm trong nhóm “thu nhập thấp”, với điều kiện công tác ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn…

Từ trong truyền thống xa xưa, các bậc chân nho, thức giả khí tiết đều đã từng “treo ấn, từ quan” – cũng là từ bỏ cuộc sống đua chen danh lợi về nhà dạy học, thanh thản trong cuộc sống bần hàn và sứ mệnh vinh quang “gieo chữ, trồng người”… Với những người thầy, người cô đáng quý trọng, ngợi ca này phải chăng là giá trị đạo đức tỉ lệ với giá trị cuộc sống vật chất thiếu thốn và đồng lương “còm” không hề có thu nhập tăng thêm?

Từ đây có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái nghiêm trọng của đạo đức nhà giáo nói riêng, đạo đức xã hội nói chung bắt nguồn từ chính thực trạng xã hội. Để thầy giáo là chuẩn mực về đạo đức và tri thức không gì khác hơn là phải chỉnh đốn từ thượng tầng xã hội. Và đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giáo dục, mà cần đến sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Người thầy đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục. Ảnh: Thanh Long
Người thầy đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục. Ảnh: Thanh Long 

Tôn vinh xứng đáng nghề giáo

Thực tế đáng buồn hiện nay cho thấy, đạo đức của một bộ phận người thầy đang xuống cấp một cách nghiêm trọng cùng với sự xuống cấp của đạo đức xã hội và bất ổn xã hội. Chính vì vậy, PGS.TS Lê Thị Tuyết Hạnh chỉ ra, sự sống còn của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục không có gì khác hơn là phát triển đội ngũ giáo viên về tài và đức, phẩm chất và năng lực. Và việc tăng cường nhân cách người thầy cần được tiến hành đồng loạt các giải pháp.

Trước hết, kiên quyết, triệt để chống tham nhũng, lập lại trật tự công bằng xã hội, lấy lại niềm tin của người dân và xã hội. Chỉ khi tham nhũng được dẹp bỏ, xã hội lập lại kỉ cương, công bằng, niềm tin của nhân dân được củng cố thì đạo đức xã hội mới có thể lên ngôi, bởi giá trị chân chính của nó bị lu mờ trước giá trị kim tiền cùng những đồng tiền ảo.

  Trong công cuộc đổi mới giáo dục, cần chuyển mạnh mẽ sang nền giáo dục tiến bộ với vai trò trung tâm của người thầy và phát triển năng lực học trò. Cách dạy tôn trọng con người trước hết đòi hỏi những người thầy phải được tôn trọng bằng cả vật chất lẫn tinh thần, bằng sự tôn vinh truyền thống và cơ chế chính sách.

Củng cố và thống nhất lý tưởng đạo đức xã hội cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Một xã hội chỉ thực sự ổn định, vững vàng khi có nền tảng lý tưởng đạo đức được cả cộng đồng tự nguyện tuân theo. Đó là khi cộng đồng dân tộc tự tạo cho mình một niềm tin thống nhất như các tôn giáo…

Đặc biệt, cần có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên xứng đáng với vai trò “quốc sách” của nền giáo dục. Và nghề giáo cần được tôn vinh xứng đáng không phải bằng nghị quyết, chủ trương hay khẩu hiệu mà phải thể hiện ra ở những chính sách cụ thể, trước hết là chính sách về lương.

Chính sách lương phải tương xứng chứ không phải là sự “tăng lương” như một biện pháp tình thế “giảm nghèo xóa đói” cho giáo viên. Chính sách lương không chỉ đảm bảo cho những thầy cô giáo về đời sống mà còn phải cho thấy sự trọng vọng thực sự của xã hội.

Sẽ không thể có được tinh thần “tôn sư trọng đạo” thật sự khi giáo viên có mức lương không đủ sống, khi lương một giáo viên (tốt nghiệp ĐHSP) chỉ bằng 1/3 mức lương của một sinh viên ĐH Ngoại thương hay Kinh tế mới ra trường, công tác trong ngành Viễn thông hay Tài chính…

Không thể có thái độ “tôn sư trọng đạo” khi phụ huynh và học sinh lo lắng về việc tặng quà hay “học thêm” với giáo viên, chỉ để đáp ứng nhu cầu thu nhập của giáo viên chứ không xuất phát từ tấm lòng hay nhu cầu thực sự của HS. Khi trò đã có cái nhìn không đúng về người thầy, xã hội coi thường, xúc phạm phẩm giá người thầy thì làm sao ngành Giáo dục và xã hội có được những bậc thầy mẫu mực. Người ta khó có thể giữ phẩm giá của mình khi bị kẻ khác chà đạp hay coi thường. Và sự tổn thương này không chỉ đối với người thầy, chính học trò và xã hội cũng gánh chịu thiệt hại vì điều ấy. Để giữ gìn, phát huy đạo đức của nhà giáo, cần tiến hành đồng thời nhiều giải pháp. Và thực hiện những giải pháp này không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giáo dục mà đòi hỏi sự chung sức chung tay của toàn xã hội, đứng đầu là bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.