Người thầy hát và đệm đàn bên Hồ Gươm trong ngày giải phóng Thủ đô

GD&TĐ - Trước khi đến chương trình thời sự 16 giờ, có một clip ngắn nói về nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Quỳ. Tôi rất hào hứng. Tình cờ vào trang cá nhân FB của thầy Lê Kim Giao, cũng nói về nhạc sỹ này. 

Người thầy hát và đệm đàn bên Hồ Gươm trong ngày giải phóng Thủ đô

Đọc kỹ mới biết ông Nguyễn Văn Quỳ đã dạy thầy Lê Kim Giao ở Trường Tiểu học Thụy Khuê (Hà Nội) hơn 60 năm về trước. Tôi viết dòng cảm tưởng “Một thầy giáo tuyệt vời, gặp lại thầy giáo trên tuyệt vời sau 60 năm xa cách…”.

Sau tiếng chuông giây lát, cửa căn hộ 602 nhà 17T1 mở. Một phụ nữ đứng nghiêng, tay vẫn cầm cần khóa. “Xin lỗi, em hỏi đây có phải nhà thầy Lê Kim Giao không?”. “Đúng rồi, mời anh vào!”. ”Dạ thưa, em là học sinh cũ của thầy Giao ở Ninh Bình đây ạ”.

Từ phòng riêng, thầy Giao bước ra đầy vui vẻ. “Em đến đúng lúc. Mình vừa viết xong một bài chưa ráo mực. Đây có thể coi là bài mẫu cho người yêu thơ, sáng tác thơ…”.

Thế là thầy, trò miệt mài giảng, nghe đầy lý thú, trách nhiệm. Không khí học đường 50 năm trước lại ùa về trong tôi. Khác là trước đây, thầy giảng cho tôi dưới mái trường cấp 3 Gia Viễn A (Ninh Bình) còn bây giờ là khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). 

“Làm sao cậu biết mình ở đây?”. “Thưa thầy, trên FB của Giao Le Kim có đầy đủ thông tin. Em đã lên ngõ 123, phố Thụy Khuê mấy lần tìm thầy mà không được. Có người cho em điện thoại thầy ở tập thể Ban Cơ yếu. Nhưng không bao giờ liên hệ được. Lần này thấy trên FB là em tìm đến thăm thầy luôn ạ!”.

Khi tôi hỏi về thầy giáo Nguyễn Văn Quỳ. Thầy Giao cho biết, đó là thầy giáo mà cả cuộc đời thầy kính nể, biết ơn. “Thầy Quỳ dậy tôi ở Trường Tiểu học Thụy Khuê, đã trên 60 năm rồi. Nhưng hình ảnh thầy vẫn in đậm trong tôi. 

Ngày ấy đã trở thành ký ức. Tôi 11, 12 tuổi, thấy thầy lúc nào cũng thanh nhã bên cạnh cây đàn ghi ta, đạo mạo, kín đáo, khiêm nhường. Thầy dạy trò làm những điều hay lẽ phải. Cầm tay trò nắn nót từng nốt nhạc trên khuôn nhạc. Đây là nốt son, đây là nốt đô... 

Bên cạnh có Hiệu trưởng T… thích sâmpanh, thân Pháp. Sau năm 1954 theo Ngô Đình Diệm. Ở tiểu học, tôi học giỏi toàn diện, cả âm nhạc nữa. 

Có lẽ vì thế, 60 năm xa cách, tôi mới đến thăm thầy Quỳ, thầy chủ động: “Tôi biết, thế nào Giao cũng đến thăm tôi”. “Tôi kinh ngạc trước trí nhớ đáng sợ của thầy Quỳ. Nói thật với Ninh, thầy Quỳ làm mình hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”. “Em muốn nghe điều ngạc nhiên của thầy đây ạ!”.

Ngạc nhiên đầu tiên là tối 10/10/1954, bên Hồ Gươm linh thiêng, thầy Quỳ mặc vét trắng, thắt cà vạt, hát và đệm ghi ta cho các anh chị thanh niên Thủ đô cùng hát vang nhạc phẩm Hà Nội giải phóng do chính thầy sáng tác. 

Mình vỡ òa một điều xưa nay không bao giờ nghĩ tới. Hóa ra thầy Quỳ đã theo cách mạng từ bao giờ nhưng hết sức “kín đáo”! Hôm đến nhà, thầy Quỳ đệm đàn, thầy trò cùng hát vang Hà Nội giải phóng”. 

“Chúng ta đã sống lại không khí hào hùng của ngày Giải phóng Thủ đô tròn 60 năm, Giao ạ…”. Tình thầy trò, tình yêu Hà Nội, hòa quyện nhau làm cho mình đêm ấy không sao ngủ được!

Thầy Quỳ sau đó dạy hòa âm ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (1956 - 1978) rồi suốt 40 năm chuyên viết 9 bản sonata viết cho vĩ cầm và dương cầm. Cả 9 bản sonata đều được giới hâm mộ đánh giá cao. 

Hàng chục ca khúc trong đó không thể không nói đến Dạ khúc do ca sĩ Thái Thanh đang sống ở Mỹ hát. Người đời vinh danh thầy giáo Quỳ của mình là “Beethoven Việt Nam”. 

Nhưng thầy Quỳ vẫn nguyên là thầy Quỳ! Thầy khiêm tốn: “Tôi rất tự hào khi có người gọi mình như vậy, nhưng để so sánh thì không thể, (...) Cá nhân tôi không dám so với một người vĩ đại như vậy”.

Năm 2009, thầy Quỳ được Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Hà Nội trao tặng Giải thưởng văn hóa di sản Patrimoenia 2009 của Thụy Sĩ. Trong buổi tôn vinh thầy, một thính giả có tên Aymeric Bes đã nhận xét: “Nhạc của ông cũng như thơ, duyên dáng, nhẹ nhàng mà sâu lắng, hiện đại mà lại thuộc về mọi thời đại. Cảm ơn về sự chia sẻ của biết bao nhiêu là tài năng”.

Sống trong xã hội còn lắm kẻ tham nhũng, nhiễu nhương… nhưng thầy giáo Quỳ của tôi tìm cho mình một khoảnh trời riêng, viết nhạc và cống hiến. 

Ông là hội viên mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên của Hiệp hội Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc toàn thế giới - SACEM. Điều kiện của nó là: Dành cho Việt Nam toàn quyền sử dụng tất cả các tác phẩm của ông mà không phải trả tiền cho SACEM.

Nhân kỷ niệm 60 Giải phóng Thủ đô, là dịp tôi nghĩ về ký ức học đường như bao người khác. Chuyện riêng của tôi là thầy Nguyễn Văn Quỳ đã bí mật tham gia Việt Minh, giải phóng Thủ đô mà rất nhiều người không biết. 

Âm vang bài ca Hà Nội giải phóng do thầy sáng tác, trình diễn tối 10/10/1954 bên Hồ Gươm ấy cứ thôi thúc tôi phải làm được cái gì cho Hà Nội, xứng đáng là trò của thầy!

Dạ thưa thầy Lê Kim Giao! Nghĩ về Hà Nội, nghĩ về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, ai cũng thấy và cần phải thấy mình đã làm gì cho Hà Nội? Làm bao nhiêu cũng không đủ cho Thủ đô nghìn năm văn hiến. 

Riêng thầy đã làm được một việc đó là tìm ra THẦN LUẬT THƠ ĐƯỜNG, có hy vọng giúp cho hàng triệu người yêu thơ Đường ở Việt Nam và thế giới hiểu sâu, yêu nữa… để Thơ Đường mãi mãi trẻ trung cùng năm tháng! Chuyện kể về thầy Quỳ, thầy Giao của tôi là như thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ