Người thầy đầu tiên nơi bản nghèo Cơ tu

Người thầy đầu tiên nơi bản nghèo Cơ tu

Năm 1997, tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học là chàng trai Lê Nam Uyên nhận quyết định lên công tác miền núi luôn. Và, thầy chẳng hề bận tâm đến chuyện mình được phân công công tác nơi xa xôi khó khăn nhất của huyện Hiên - trường Tiểu học xã Lăng. “Khi nhận được quyết định công tác thầy rất vui. Được đứng trên bục giảng với thầy là niềm hạnh phúc, và truyền đạt tri thức cho học trò nơi heo hút núi rừng là điều cần thiết” 

Ngày lên nhận công tác, thầy phải đi bộ từ thị trấn P’rao (nay thuộc huyện Đông Giang) để về tới xã Lăng, lội mấy con suối với trăm dốc đèo. Nhiều lúc thầy tự hỏi: Có phải miền núi với những cô cậu học trò Cơ Tu đang chờ đợi nguồn sáng trí thức của tương lai là cơ duyên của mình với nghề giáo chăng. Lên đến nơi mới thấy chạnh lòng thương cảm trước biết bao khó khăn, túng thiếu của đồng bào Cơ Tu nơi đây”- thầy Lê Nam Uyên kể.

Hai tháng đầu công tác với vô vàn thử thách, nhiều lúc người thầy giáo trẻ tưởng không còn đủ sức lực để đương đầu với khó khăn gian khổ nơi bản nghèo xã Lăng. Lúc bấy giờ, 10 xã vùng cao của huyện Hiên cũ (nay là 10 xã của huyện Tây Giang), trong đó có xã Lăng, điều kiện kinh tế lạc hậu, hầu hết người dân còn mù chữ. Mặt khác, cơ sở hạ tầng ở đây gần như không có gì nên việc giảng dạy khá vất vả. 

Thầy Nam Uyên nói: “Nhiều lúc thầy cũng nảy sinh ý định bỏ cuộc vì khó khăn quá nhưng tình cảm của đồng bào nơi đây dành cho đã níu giữ thầy. Đồng bào đã xem thầy và những người khác lên đây công tác như là anh em một làng, sống ân cần đói khổ có nhau. Tình yêu của bản làng, của núi rừng đại ngàn đã níu chân thầy ở lại cùng mầm xanh Tây Giang mang nguồn trí thức, nguồn sáng xóa tan dần màn đêm tối tăm nơi bản nghèo vùng cao”.

Có lẽ chỉ tình yêu và tâm huyết với nghề mới có thể làm nên những kỳ tích ở miền sơn cước này. Theo lời thầy, những ngày đầu vận động phụ huynh và các em học sinh đi học, cả làng có vỏn vẹn mươi em cùng trong một lớp học tranh nứa dột nát mà làng làm cho thầy cô ở tạm và giảng dạy. Đồng bào quanh năm lo nương rẫy, ít ai quan tâm đến chuyện học hay đưa con đến lớp. Thời gian đầu, nhiều người ở bản còn suy nghĩ “học đâu no bụng được, chỉ có làm rẫy mới có cái ăn thôi”. Không nhận được sự đồng  tình của người lớn, nhiều em không thể đến lớp, suốt ngày theo bố mẹ lên rẫy. 

Cộng thêm khó khăn bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục... nên việc vận động các em đi học càng khó khăn hơn. “Nhưng không vì thế mà thầy chùn bước, theo thời gian, thầy hiểu rõ hoàn cảnh của từng em. Hiểu được rồi, thầy áp dụng phương châm: ở với đồng bào, học tiếng đồng bào và tiếp cận bằng nhiều cách để không chỉ mình hiểu đồng bào mà đồng bào cũng hiểu mình và đặc biệt là hiểu lợi ích, ý nghĩa của việc học” - thầy Uyên bảo. Qua hai năm, lớp học ngày càng đông đúc, râm ran nhiều hơn tiếng đánh vần nơi bản nghèo... Và từ đây, những con đường làng ngày càng náo nhiệt hơn mỗi buổi tan học.

Bản làng vùng biên, nơi rất cần người “gieo chữ”. Ảnh: L.VŨ
Bản làng vùng biên, nơi rất cần người “gieo chữ”. Ảnh: L.VŨ

Năm 2001, thầy Lê Nam Uyên rời xã Lăng tiếp tục hành trình “chở ước mơ con chữ” khi nhận chuyển công tác về nơi vùng cao của xã Ch’Ơm, xã khó khăn xa nhất của huyện Tây Giang bấy giờ. Gánh nặng trách nhiệm một lần nữa đè lên vai người thầy giáo này. Và rồi qua thời gian sống cùng tình yêu nghề giáo gieo hạt chữ nơi miền núi cao đã để lại trong thầy Uyên biết bao ân tình, kỷ niệm vui buồn với đồng bào Cơ Tu ở Ch’Ơm. Năm 2008, thầy Lê Nam Uyên lại tiếp tục nhận quyết định chuyển công tác đến xã A Vương. 

Hơn 12 năm gắn bó, thủy chung với đồng bào Cơ Tu nơi núi rừng Trường Sơn bạt ngàn cách trở, thời gian bên giáo án, bên đèn sách miệt mài đem nguồn trí thức mới cho đồng bào đã điểm bạc mái đầu và hao gầy thêm vóc dáng của thầy. Nhưng tình yêu, tình cảm, nguồn trí thức với nguồn sống mới mà thầy đã gửi lại nơi  bản làng núi rừng Tây Giang vẫn luôn xanh như lá rừng Tây Giang.

Giờ đây, những cô cậu học trò mà thầy tập đọc, tập đánh vần năm nào có không ít người đang là sinh viên các trường đại học. Tất cả hứa với thầy sẽ “trở về Tây Giang cội nguồn” để cùng bao người con Cơ Tu của núi rừng vun xới cho mảnh đất nơi đây ngày thêm giàu mạnh.

Những lớp học trò đã và đang trưởng thành chính là nguồn sức mạnh để bước chân thầy giáo Lê Nam Uyên thêm vững chãi mang tình yêu thắp sáng ngọn lửa mơ ước đến với từng bản làng đồng bào Cơ Tu...

Pơloong Plênh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ